Tư tưởng dẫn dắt quốc dân

Các hệ tư tưởng chính trị bao gồm một tập hợp các ý tưởng, có vai trò định hướng và truyền cảm hứng cho các hành động chính trị. Cụ thể hơn, đó là một hệ thống gắn kết chặt chẽ giữa các ý tưởng, giá trị, và niềm tin, định hình và chi phối hành vi chính trị của cá nhân, tổ chức, cũng như các chính sách của chính quyền.

Các hệ tư tưởng cung cấp một cách nhìn nhận và luận giải về trật tự chính trị đang tồn tại, một tương lai tốt đẹp mà cộng đồng nên hướng tới, cũng như những sự thay đổi cần thiết để đạt được mục đích cuối cùng. Lịch sử nhân loại cho thấy bất kỳ cộng đồng chính trị - xã hội nào cũng cần đến những tư tưởng với tư cách là điểm tựa tinh thần đặc biệt quan trọng, không thể thiếu đối với sự ổn định, trật tự, và phát triển của cộng đồng.

Những thập kỷ đầu thế kỷ 20, các tư tưởng XHCN và cộng sản chủ nghĩa, với nòng cốt là chủ nghĩa Marx - Lenin, có thiên hướng bảo vệ lợi ích cho những tầng lớp yếu thế, đã dễ dàng được người dân Việt Nam, vốn đang phải sống dưới ách gông cùm thực dân, đón nhận và trở thành ngọn cờ tập lực lượng.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã nắm bắt được khát vọng chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân về độc lập dân tộc, công bằng và bình đẳng xã hội để từ đó đảm nhiệm thành công vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Cho đến nay, trên phạm vi toàn cầu, những giá trị cốt lõi của tư tưởng XHCN vẫn còn nguyên sức sống. Đó là sự hướng tới một cộng đồng thịnh vượng chung, giảm thiểu sự bất bình đẳng xã hội, tạo ra sự thay đổi tích cực về đời sống cho số đông người dân, nhất là những tầng lớp yếu thế.

{keywords}
Khả năng hiện thực hóa được tầm nhìn lãnh đạo phụ thuộc rất nhiều vào những niềm cảm hứng tập thể...

Khuynh hướng XHCN chỉ ra sự thịnh vượng của cộng đồng không thể là phép cộng giản đơn của những sự thịnh vượng cá nhân, mà phải tạo ra được những chuyển biến tích cực với số đông quần chúng.

Tư tưởng trong bối cảnh mới

Từ khi tiến hành đổi mới đất nước vào năm 1986, Đảng luôn kiên định hệ giá trị XHCN. Mục đích then chốt của công tác tư tưởng là hướng tới đạt được sự đồng thuận trong xã hội về viễn kiến xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng XHCN.

Theo đó, trọng tâm của công tác tư tưởng, tuyên truyền và vận động là để người dân biết, thấm nhuần, và ủng hộ các giá trị chính trị XHCN, chủ trương của Đảng và chính sách của nhà nước.

Những năm gần đây, kỷ luật tư tưởng nội bộ Đảng được coi trọng nhằm chống “tự suy thoái, tự chuyển hóa”, xa rời những nguyên tắc tư tưởng nền tảng. Phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đề cao sự gương mẫu, đặc biệt đối với cán bộ lãnh đạo và quản lý.

Thế giới đương đại ngày càng trở nên phẳng, đa dạng, và phụ thuộc lẫn nhau. Tiến trình toàn cầu hóa kinh tế và sự phát triển về khoa học và công nghệ đã làm giảm ý nghĩa của sự khác biệt về vị trí địa lý, truyền thống, cương vực lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. Các lợi ích đa dạng cũng ngày càng phụ thuộc nhau hơn. Sự giao lưu và tiếp biến văn hóa là quá trình tất yếu.

Cũng bởi thế, sự khác biệt về quan điểm giải quyết các vấn đề chung cũng ngày càng bộc lộ rõ hơn. Bối cảnh trong nước và thế giới hiện nay đang đặt ra những nhu cầu mới đối với công tác tư tưởng.

Đó là sự thích ứng và tiếp biến với các ý tưởng mới, có xuất xứ khác nhau, để làm sao dung hòa và cùng tồn tại được với những giá trị, quan điểm, và thái độ vốn được đề cao của cộng đồng trong nước.

Đó cũng là nhu cầu về sự tôn trọng các giá trị của các chủ thể đa dạng, cả trong nước và quốc tế, của cá nhân, tổ chức, cũng như các cộng đồng. Đó còn là thách thức về sự gắn kết giữa những giá trị của hệ thống chính trị với những giá trị của cá nhân và cộng đồng xã hội - cơ sở bảo đảm cho sự đoàn kết và hợp tác để cùng đưa xã hội tiến đến tương lai thịnh vượng.

Sự vận động của thực tế đời sống chính trị ở nhiều quốc gia trong khu vực cho thấy những tư tưởng nền tảng của hệ thống chính trị sẽ được tiếp thêm sức sống nếu tích hợp được các ý tưởng, giá trị, và niềm tin mới, phù hợp với xu thế thời đại và đáp ứng được sự mong đợi của quảng đại quần chúng nhân dân.

Tư tưởng truyền cảm hứng

Vào những năm 1870, cải cách Minh Trị ở Nhật Bản được khởi nguồn từ sự thay đổi nhận thức và tư tưởng của chính quyền và tầng lớp Samurai. Để giúp Nhật Bản tránh khỏi nguy cơ tụt hậu và trở nên hùng cường, tầng lớp Samurai sẵn sàng từ bỏ những đặc quyền gắn với bổng lộc vốn có dưới chế độ phong kiến.

Những tư tưởng phương Tây tư bản về kinh tế, chính trị, và xã hội được du nhập và chấp nhận đã dần chuyển hóa những người Samurai, vốn chỉ đảm nhiệm các chức năng hành chính, thành các nhà đầu tư, sản xuất, và kinh doanh hiện đại.

Cùng với tầng lớp thương nhân đang ngày càng lớn mạnh, tinh thần và năng lực của tầng lớp Samurai đã góp phần quyết định giúp Nhật Bản trở nên giàu có vào những năm sau đó.

Điều tương tự cũng diễn ra ở Hàn Quốc vào những năm 1960, khi chính quyền cùng giới doanh nhân được thôi thúc bởi giấc mơ trở thành Nhật Bản thứ hai ở châu Á. Chỉ trong vòng hơn 2 thập kỷ, quyết tâm, nỗ lực, và sự hợp tác giữa chính quyền với các lãnh đạo doanh nghiệp đã đưa Hàn Quốc thoát khỏi nghèo nàn, trở thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới.

Gần đây hơn, “giấc mơ Trung Hoa” chính là một trong những yếu tố gắn kết quyết tâm và nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp, và số đông người dân Trung Quốc trong tiến trình thoát khỏi thân phận làm thuê cho phương Tây, khôi phục sức mạnh và vị thế quốc gia.

Đại hội Đảng 13 đề ra viễn kiến đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Đây là tầm nhìn lãnh đạo đáp ứng được khát khao, mong đợi của mọi tầng lớp nhân dân.

Thực tế thành công của các quốc gia trong khu vực cho thấy, khả năng hiện thực hóa được tầm nhìn lãnh đạo nêu trên phụ thuộc rất nhiều vào những niềm cảm hứng tập thể, qua đó quy tụ và nuôi dưỡng được sự ủng hộ rộng rãi, sự tập trung trí lực và vật lực của mọi tầng lớp nhân dân. Để có được sự đồng thuận và nỗ lực tập thể, tất yếu cần đến những tư tưởng có khả năng truyền cảm hứng, thúc đẩy quyết tâm và sự hợp tác giữa các lực lượng xã hội.

Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 đặt ra vấn đề xây dựng “hệ giá trị của Đảng Cộng sản Việt Nam”, đặt trong tổng thể “hệ giá trị Việt Nam”, coi văn hóa là động lực cho sự phát triển đất nước.

Thách thức vẫn còn đó với hàng loạt câu hỏi cần trả lời: Đâu là những thành tố cốt lõi trong hệ giá trị Việt Nam? Mối quan hệ giữa hệ giá trị của Đảng cầm quyền và hệ giá trị Việt Nam? Những giá trị nền tảng của hệ thống chính trị và quốc gia có khả năng truyền cảm hứng đến mọi tầng lớp nhân dân, khuyến khích sự gắn kết xã hội và các nỗ lực tập thể hay không?

Những thành công lãnh đạo rực rỡ của Đảng trong thế kỷ 20 đều gắn với những tư tưởng truyền cảm hứng, đáp ứng được khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, và thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Mục tiêu quốc gia phát triển theo định hướng XHCN vào giữa thế kỷ 20 cũng cần đến những tư tưởng có khả năng quy tụ và truyền cảm hứng như thế. 

TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Bộ máy nhà nước và đòi hỏi từ cuộc sống

Bộ máy nhà nước và đòi hỏi từ cuộc sống

Hoàn thiện bộ máy nhà nước là đòi hỏi khách quan, cần được giải quyết sớm.