XEM TOÀN BỘ PHẦN TRẢ LỜI CHẤT VẤN CỦA TỔNG THANH TRA CHÍNH PHỦ:
Ngày 5/11, Quốc hội bước sang ngày chất vấn cuối cùng của kỳ họp thứ 4 với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thanh tra, người trả lời là Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.
Một số nội dung trọng tâm được chất vấn, gồm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra, việc xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.
Giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng để tạo lòng tin trong nhân dân.
Công tác phối hợp và giải pháp khắc phục chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Người trả lời chất vấn là Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công an, Tư pháp; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
VietNamNet tường thuật phiên chất vấn và trả lời chất vấn:
14h41: Kết luận nhóm vấn đề chất vấn thứ 4 - Thanh tra
Phát biểu kết luận nhóm vấn đề thứ 4 - Thanh tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, phiên chất vấn đối với Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, trong đó có 31 đại biểu chất vấn, 8 đại biểu tranh luận, còn 29 đại biểu đã đăng ký nhưng không còn đủ thời gian để Tổng thanh tra trả lời trước Quốc hội, đề nghị các vị đại biểu gửi câu hỏi bằng văn bản.
Qua báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ gửi đến các đại biểu và diễn biến phiên chất vấn để phát huy kết quả tích cực đã đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện Luật Thanh tra sửa đổi được thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy định chi tiết thi hành, bảo đảm có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Luật Thanh tra sửa đổi.
Sau gần 2,5 ngày, từ chiều 3/11 đến 5/11, Quốc hội đã thực hiện nội dung chất vấn và trả lời chất vấn với các Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.
Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề liên quan còn có các Bộ trưởng, trưởng ngành, các Phó Thủ tướng.
Kết thúc phần chất vấn với các Bộ trưởng, trưởng ngành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Mời quý vị độc giả XEM TƯỜNG THUẬT TẠI ĐÂY.
14h26: Chính phủ xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là công tác trọng tâm
Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo công tác thanh tra, coi đây là công tác trọng tâm; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ trong công tác thanh tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Trong quá trình chỉ đạo thanh tra, Chính phủ yêu cầu thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động, xử lý chồng chéo trong kiểm toán, kiểm tra, thanh tra, nhất là ở các doanh nghiệp.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo ngành thanh tra tập trung thanh tra trong một số lĩnh vực quan trọng như: Đầu tư, xây dựng, đấu thầu, chứng khoán, ngân hàng… Thủ tướng Chính phủ trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo về kết luận thanh tra, nhất là với những vấn đề phức tạp, qua đó nhiều cuộc thanh tra đạt kết quả tốt, xử lý nghiêm các vi phạm.
Nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc thu hồi tài sản cho nhà nước, phát hiện vi phạm pháp luật, xử lý sau thanh tra. Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, 9 tháng đầu năm, trên 3000 kết luận thanh tra đã được ngành thanh tra thực hiện, chiếm trên 60% tổng số kết luận thanh tra. Đây là kết quả đáng ghi nhận.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, trong một số trường hợp, kết luận thanh tra còn chưa đảm bảo rõ ràng về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp. Để khắc phục điều này, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần nâng cao chất lượng công tác thanh tra thông qua hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cán bộ, quy định chặt chẽ quy trình công tác thanh tra.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, Chính phủ xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là công tác trọng tâm, đồng thời chỉ đạo bộ, ngành địa phương thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm tham nhũng, kiểm soát tài sản thu nhập, thu hồi tài sản tham nhũng, phòng chống tham nhũng trong khối ngoài nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về lĩnh vực này.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, vẫn còn một số tồn tại hạn chế trong công tác này, Chính phủ sẽ tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục khắc phục trong thời gian tới; đảm bảo phát huy vai trò của ngành Thanh tra trong công tác phòng, chống tham nhũng.
14h15: Trưởng Đoàn thanh tra phải ký kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật
Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho biết, về nguyên nhân căn bản khiến kết luận thanh tra chậm trễ thường liên quan đến phân công quyền lực trong hoạt động thanh tra.
Đại biểu cho rằng, quyền lực càng tập trung càng có nguy cơ có tiêu cực. “Vậy tại sao chúng ta lại trao cho Tổng thanh tra Chính phủ ở cấp Trung ương, và Thủ trưởng cơ quan thanh tra ở địa phương được quyền quyết định Đoàn thanh tra và tự mình ký kết luận thanh tra? ”, đại biểu Lê Thanh Vân đặt câu hỏi.
Theo đại biểu, cần phải phân công lại theo hướng thủ trưởng cơ quan thanh tra chỉ sử dụng quyền thủ trưởng của mình để kiểm soát, đôn đốc làm đúng pháp luật. Còn Đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm và Trưởng Đoàn thanh tra phải ký kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này.
15 cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ chậm ra kết luận
Trả lời chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, nguyên nhân chậm kết luận thanh tra là do nhiều cuộc thanh tra có quy mô lớn, tính chất phức tạp, liên quan đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế, nên cần cân nhắc kỹ lưỡng, mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau, cần thời gian tham khảo ý kiến cơ quan chuyên môn, dẫn đến chậm thời hạn.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đánh giá có 15 cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ chậm ra kết luận. Thanh tra Chính phủ đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp cải thiện vấn đề này, dự thảo xong, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để báo cáo kết luận thanh tra của 13 cuộc. Thanh tra Chính phủ sẽ nỗ lực để có kết luận thanh tra 2 cuộc còn lại trong năm 2022.
Hiện nay, Thanh tra Chính phủ có những cuộc thanh tra chậm từ nhiều năm trước. Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, qua kiểm tra, không có tiêu cực trong các vụ việc này, các vụ việc chậm đang được tích cực khắc phục.
Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận, thời gian qua có một số kết luận thanh tra chưa đúng bản chất. Nguyên nhân chủ quan là do ý thức chấp hành kỷ luật của đoàn thanh tra chưa cao; năng lực trình độ một số cán bộ còn kém…
Về giải pháp cho vấn đề trên, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, Thanh tra Chính phủ đang kiến nghị sửa đổi một số điều khoản trong Luật Thanh tra về nội dung thời hạn đưa ra kết luận thanh tra, đồng thời, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành, nghiêm cấm bỏ lọt, bỏ sót hành vi vi phạm, ban hành và quán triệt thực hiện quy chế về việc tổ chức hoạt động thanh tra.
Về vấn đề tập trung quyền lực trong hoạt động thanh tra, theo Tổng Thanh tra, hiện tại Thanh tra Chính phủ đang thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành. Trong lần sửa đổi Luật Thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã có ý kiến về vấn đề này.
Về vấn đề bảo đảm liêm chính trong đội ngũ ngành thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, đây là nhiệm vụ quan trọng, nhất là đạo đức công vụ thanh tra.
14h00:
Điều hành phiên thảo luận chiều 5/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, phiên chất vấn đối với Tổng Thanh tra Chính phủ còn 1 tiếng. Tiếp đó, đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu tranh luận tại phiên họp.
11h30:
Kết thúc phiên thảo luận sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đại biểu Lê Thanh Vân đăng ký tranh luận, đề nghị tranh luận vào đầu giờ chiều.
Theo chương trình, chiều nay, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tổng Thanh tra Chính phủ và các thành viên Chính phủ liên quan, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 4.
Tiếp đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết thúc chất vấn Nhóm vấn đề thứ 4; sau đó Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
11h29: Còn câu hỏi chất vấn chờ Tổng Thanh tra trả lời chiều nay
Cuối phiên chất vấn buổi sáng, vẫn còn 5 câu hỏi ĐB chất vấn, chờ Tổng Thanh tra trả lời vào đầu giờ chiều.
Trong đó, ĐB Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá về tình trạng và những lĩnh vực nào người dân, doanh nghiệp bị gây nhũng nhiễu, phiền hà nhất. Giải pháp căn cơ để xử lý tình trạng này?
ĐB Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) đề nghị Tổng Thanh tra cho biết, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra đối với công tác thanh tra trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai trong những năm qua và giải pháp gì trong thời gian tới để khắc phục tình trạng này?
ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) hỏi nguyên nhân và giải pháp về việc thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt như kỳ vọng…
11h22:
Chưa hài lòng, ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) tranh luận về cơ chế thanh tra khi phát hiện các vụ việc tiêu cực
Theo ĐB, trong thực tiễn qua thanh tra đã phát hiện những vụ việc tiêu cực. Tổng Thanh tra đã trả lời là chủ yếu là các hoạt động giám sát. Vì vậy, ông đề nghị Tổng Thanh tra nói rõ hơn về cơ chế thanh tra lại hoạt động của đoàn thanh tra, giám sát như thế nào?
Trả lời, Tổng Thanh tra cho biết, trong Luật chưa quy định cụ thể về vấn đề này. Thực tế, khi có yêu cầu của cơ quan chức năng hoặc thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thì ngành vẫn thực hiện. Ví dụ vừa qua Bộ Công an có một số vụ việc báo cáo Thủ tướng, Thủ tướng giao ngành thanh tra tiến hành thanh tra lại kết quả này…
Để có giải pháp hiệu tình trạng này, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư 06 và Chỉ thị 719 chấn chỉnh trong hoạt động thanh tra; quy chế tổ chức hoạt động đoàn thanh tra. Đây là giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, phiền hà trong hoạt động của thanh tra.
11h15: Những vụ chưa phân định rõ hình sự hay kinh tế, ưu tiên xử lý kinh tế trong thời hạn thanh tra
ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) tranh luận về việc thu hồi tài sản bất minh do người khác đứng tên là rất khó, chưa có giải pháp hiệu quả để thu hồi.
ĐB nhắc lại, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí từng khẳng định vấn đề này có nhiều nguyên nhân và rất khó để thu hồi, đặc biệt trong điều kiện chưa có Luật về đăng ký tài sản thì nên chuyển hướng từ xử lý hình sự sang khởi kiện dân sự sẽ thu hồi được nhiều hơn.
“Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết có tán thành quan điểm này không? Nếu tán thành thì giải pháp là gì? Nếu không tán thành, Thanh tra Chính phủ có giải pháp gì tốt hơn không?”, ĐB đặt vấn đề.
Trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, nên tập trung ưu tiên xử lý kinh tế, “không chuyển từ án kinh tế sang hình sự”. Đây là quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Thanh tra Chính phủ cũng quán triệt quan điểm này trong xử lý các vụ việc.
Cụ thể, đối với một số vụ việc, sau thanh tra thì vẫn yêu cầu thực hiện kết luận thanh tra. Đối với những vụ việc chưa phân định rõ là hình sự hay kinh tế, thì ưu tiên xử lý kinh tế trong thời hạn thanh tra. Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng trong một thời hạn nhất định, có thể 1 đến 1,5 năm, nếu sau thời gian này không thực hiện được thì sẽ chuyển đến cơ quan điều tra.
11h10: Mong Đại biểu Quốc hội và cử tri giám sát, phản ánh những sai phạm của cán bộ trong đoàn thanh tra
Trả lời về lo ngại các hệ lụy từ việc chậm ban hành kết luật thanh tra, Tổng Thanh tra cho biết, hiện nay Chính phủ đã trình Quốc hội Luật Thanh tra (sửa đổi) trong đó có xây dựng thời hạn xây dựng báo cáo kết quả thanh tra. Trong dự luật điều chỉnh các cuộc thanh tra có quy mô lớn, tính chất phức tạp từ 15 - 30 ngày.
Trước đây quy định tất cả các cuộc thanh tra từ Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra sở, ngành, huyện đều là 15 ngày, hiện đã phân ra cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ và các cuộc thanh tra quy mô phức tạp là 30 ngày.
Về việc báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dự thảo kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết, hiện nay đặc biệt đối với Thanh tra Chính phủ, toàn bộ những cuộc thanh tra khi dự thảo kết luận phải báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến và xin ý kiến tham gia của các bộ, ngành, đối tượng thanh tra.
Nhưng thời gian tới, việc sửa đổi Luật Thanh tra chỉ phải báo cáo trong trường hợp: Cuộc thanh tra liên quan đến quốc phòng, an ninh; cuộc thanh tra do Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo và cuộc thanh tra do yêu cầu thực tế trong quá trình lãnh đạo mà thủ trưởng cơ quan quản lý yêu cầu báo cáo.
Ông Phong cam kết, Thanh tra Chính phủ tiếp tục đổi mới phương pháp và cách thức tiến hành điều tra để đẩy nhanh tiến độ thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận và nâng cao chất lượng kết luận thanh tra theo Nghị quyết 45. Trong đó quy định trách nhiệm cụ thể cho trưởng, phó đoàn thanh tra, thủ trưởng cơ quan chủ trì, thành viên thanh tra, người giám sát, người thẩm định kết luận thanh tra và có hình thức xử lý nếu để xảy ra lộ lọt, không chuyển các vụ việc vi phạm tội phạm sang cơ quan điều tra…
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng báo cáo về những hành vi cấm trong hoạt động của đoàn thanh tra như: Cấm nhận quà, tiền giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức và nghiêm cấm bỏ lọt, bỏ sót, bỏ qua hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra.
Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong rất mong các vị đại biểu Quốc hội và cử tri giúp Thanh tra Chính phủ giám sát và phản ánh những sai phạm của cán bộ trong đoàn thanh tra.
Về cơ chế giám sát đoàn thanh tra, giám sát xử lý sau thanh tra, về thu hồi tài sản sau thanh tra, Tổng Thanh tra cho biết, khi tiến hành thanh tra có 2 quyết định của đoàn và của tổ giám sát đoàn thanh tra,
Vụ giám sát sau thanh tra có trách nhiệm thẩm định, giám sát việc thực hiện sau kết luận thanh tra. Hiện chỉ có Thanh tra tỉnh và Thanh tra Chính phủ làm việc này và chịu trách nhiệm về những ý kiến giám sát của mình.
Nói về các vướng mắc trong thu hồi tài sản dù hiện nay đã thực hiện năm sau cao hơn trước, Tổng Thanh tra nêu một số khó khăn. Cụ thể các vụ việc này do thời gian thực hiện dự án đã lâu, qua nhiều thời kỳ, một số dự án có yếu tố nước ngoài, nhiều dự án qua nhiều nhà đầu tư thứ cấp nên việc thu hồi tài sản rất khó khăn…
11h05: Đại biểu nhắc lại câu hỏi vì sao chậm ban hành kết luận thanh tra?
ĐB Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu thực tế, hiện nay vẫn còn tình trạng chưa thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra, có trường hợp tẩu tán tài sản nghi phạm dẫn đến không thu hồi được tài sản.
“Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết nguyên nhân, giải pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết có hiệu quả vấn đề này?”, ĐB hỏi.
ĐB Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nhắc lại thông tin một số đại biểu Quốc hội đã phản ánh về việc chậm ban hành kết luận thanh tra và lo ngại việc ban hành, chậm ban hành kết luận này có thể sẽ tác động và ảnh hưởng đến tính khách quan của kết luận thanh tra.
“Đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết những giải pháp nào, Thanh tra Chính phủ đã và sẽ triển khai để bảo đảm hoạt động thanh tra về việc ban hành kết luận thanh tra được đúng thời hạn theo quy định của pháp luật?”, ĐB chất vấn.
ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nêu ý kiến cho rằng, các cơ quan thanh tra còn phụ thuộc nhiều vào các cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp như về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, kinh phí... Điều này không đảm bảo được tính độc lập của cơ quan thanh tra cũng như là người đứng đầu của cơ quan thanh tra.
“Đề nghị cho biết quan điểm của Tổng Thanh tra về ý kiến này như thế nào và giải pháp khắc phục?”, ĐB đặt vấn đề.
11h: Có tình trạng dùng hoạt động kiểm tra để tiếp cận doanh nghiệp
ĐB Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) hỏi Tổng Thanh tra về con số các cuộc thanh tra chỉ chiếm 10%, còn lại 90% là kiểm tra.
ĐB băn khoăn khi sửa Luật Thanh tra, cơ sở pháp lý nào để điều chỉnh các hoạt động kiểm tra, bởi thanh tra quy định rất chặt chẽ về điều kiện người thanh tra, về căn cứ thanh tra, về quy trình, thủ tục và hậu quả pháp lý của hoạt động thanh tra. Còn hoạt động kiểm tra chỉ có một số luật chuyên ngành quy định, còn chưa có quy định chung về hoạt động kiểm tra. Vì vậy, có tình trạng các cơ quan nhà nước dùng hoạt động kiểm tra để tiếp cận doanh nghiệp, có những trường hợp lạm dụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp cũng như người dân.
“Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết giải pháp tách bạch giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra?”, ĐB hỏi.
Trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) muốn tách bạch hoạt động thanh tra độc lập, không đưa hoạt động kiểm tra vào.
Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, khi báo cáo số cuộc thanh tra, kiểm tra thì lại gộp cả thanh tra và kiểm tra. Nhưng thực chất số thanh tra chỉ khoảng 10%, chủ yếu là kiểm tra.
Dự thảo luật đã có một điều, khoản nói rõ về quy trình, trình tự, thủ tục và quy định riêng cho hai hoạt động thanh tra, đó là hoạt động thanh tra hành chính và hoạt động thanh tra chuyên ngành
Theo Tổng thanh tra, quy trình kiểm tra là hoạt động thường xuyên theo yêu cầu của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước, đặc thù theo từng ngành có hướng dẫn riêng không nằm trong Luật Thanh tra.
Tới đây, khi luật thông qua, hoạt động thanh tra, kiểm toán có cơ hội giải quyết chồng chéo tốt hơn.
10h57: Điều hành xăng dầu 10 ngày mới điều chỉnh giá là lạc hậu, không phù hợp
Tranh luận sau đó, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc khắc phục những rối loạn của thị trường xăng dầu thời gian qua. Tuy nhiên, theo ông, “xăng dầu hiện nay vẫn đang bị hỗn loạn”.
Tiếp thu ý kiến cử tri, ông Trí phản ánh, theo Nghị định 95, giá xăng, dầu hiện nay điều hành theo giá bình quân của thế giới 10 ngày trước để tính giá trong nước cho 10 ngày sau. Giá bình quân trong nước tăng hay giảm chậm so với giá thế giới là 20 ngày, như vậy là lạc hậu, không phù hợp.
Ông Nguyễn Anh Trí cũng cho biết, cử tri phản ánh Bộ Công Thương đã cấp phép tràn lan các đơn vị kinh doanh xăng dầu. Cụ thể, hiện có 36 đầu mối xuất nhập khẩu xăng, dầu và hơn 330 thương nhân phân phối xăng, dầu. Trong khi Nhật Bản chỉ có 5 đầu mối, Trung Quốc 4-6 đầu mối. Điều đó dẫn đến hệ luỵ rất khó quản lý. Đại biểu mong Bộ trưởng xem xét, điều chỉnh.
Trả lời ngay sau đó, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, cơ quan này đang thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, Nghị định 95 quy định 10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu 1 lần. Căn cứ điều chỉnh là tính giá bình quân 10 ngày trước của thị trường thế giới. Tuy nhiên, đó là trong điều kiện bình thường, thời điểm ban hành Nghị định 95 sửa đổi Nghị định 83.
“Tôi cũng đã nói, vì thị trường xăng dầu rất dị biệt trong bối cảnh thế giới hỗn loạn thế này, cho nên Nghị định 95 đã bộc lộ những khiếm khuyết”, ông Nguyễn Hồng Diên nói và cho biết, Chính phủ đã nhận thấy điều này và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì với các bộ, ngành nghiên cứu sửa Nghị định 95 cho phù hợp thực tiễn.
“Thế giới thay đổi hàng ngày, thậm chí hàng giờ, nên dù có cố gắng đến đâu thì các quy định của pháp luật bao giờ cũng có độ trễ so với thực tiễn”, Bộ trưởng cho hay.
Còn việc điều hành theo ngày, theo ông, đây cũng là hướng chỉ đạo của Chính phủ. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu chỉ đạo sát hơn so với tình hình. Nếu như 10 ngày không phù hợp thì có thể rút xuống còn 5 ngày. Thậm chí lấy ý rộng rãi người dân và các đối tượng chịu tác động thì thấy rằng điều chỉnh theo ngày là ý kiến đa số, thì chúng tôi nghiên cứu để tham mưu các cấp có thẩm quyền”, ông Diên cho hay.
Về cấp phép, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, từ khi ông về Bộ, Ban Cán sự và lãnh đạo Bộ đã thống nhất không cấp thêm, chỉ cấp đổi giấy phép kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chứng minh đủ điều kiện, đang “đặt trên bàn” lãnh đạo Bộ, cũng đến hàng chục hồ sơ như thế.
Ông lý giải, do nhiều tầng nấc, dẫn đến rối và cũng sẽ bị tăng chi phí, qua đó cộng vào giá bán lẻ. Hướng sửa chữa trong thời gian tới là sắp xếp lại hệ thống từ doanh nghiệp đầu mối. “Có lẽ cũng không cần quá nhiều thương nhân phân phối, đại lý đến cửa hàng bán lẻ, như vậy sẽ giảm được tầng nấc đi”, ông Diên nhấn mạnh.
10h45: Tổng Thanh tra: “Chúng tôi tiếp thu ý kiến cán bộ thanh tra hiện nay dễ dãi, giao lưu… với cả đối tượng thanh tra”
Trả lời đại biểu vấn đề đạo đức công vụ của ngành Thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, cơ bản cán bộ công chức, người lao động của ngành đã chấp hành quy định của Đảng, Nhà nước và quy định pháp luật về đạo đức công vụ.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp chưa chấp hành đầy đủ, còn xảy ra vi phạm. Điển hình đó là vụ vi phạm của đoàn thanh tra Bộ Xây dựng ở tỉnh Vĩnh Phúc.
“Tôi cũng được biết cách đây gần 20 năm, ngay ở Thanh tra Chính phủ cũng có nhiều vụ việc vi phạm đạo đức công vụ, nhận hối lộ và bị xử lý hình sự”, Tổng Thanh tra Chính phủ nói.
Theo ông Đoàn Hồng Phong, trong dư luận cũng đánh giá, cán bộ thanh tra nói chung và Thanh tra Chính phủ nói riêng vẫn còn gây phiền hà, nhũng nhiễu để vụ lợi cá nhân.
“Đặc biệt, vừa qua ý kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có nói cán bộ thanh tra hiện nay rất dễ dãi, giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra. Chúng tôi tiếp thu những ý kiến này để sửa đổi quy định một cách chặt chẽ hơn”, ông Đoàn Hồng Phong nói.
Thanh tra Chính phủ cho biết, cơ quan này đã có nhiều giải pháp nâng cao đạo đức công vụ và chất lượng cán bộ ngành Thanh tra, như ban hành 5 chuẩn mực đạo đức ngành Thanh tra, văn hoá công sở.
Đặc biệt vừa qua, trên cơ sở giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 45 trong đó có việc nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ kết luận thanh tra.
Ông Đoàn Hồng Phong cho biết, trong Nghị quyết 45 cũng quy định trách nhiệm và đặc biệt nghiêm cấm cán bộ ngành Thanh tra không được nhận tiền, quà của đối tượng thanh tra; không được giao lưu dưới bất kỳ hình thức nào với đối tượng thanh tra; không được bỏ lọt vi phạm phải chuyển cơ quan điều tra.
10h20: Đang tiến hành thanh tra về xăng dầu
Trước khi nêu câu hỏi, ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho biết, hiện nay, nhiều cây xăng ở Hà Nội và TP.HCM không bán hoặc bán theo giới hạn từ 500.000 - 600.000 đồng cho một ô tô gây bức xúc cho người dân.
"Đề nghị Thanh tra Chính phủ cho biết đã chỉ đạo thanh tra đột xuất việc cung ứng xăng dầu ở 2 thành phố này chưa. Tôi cũng xin chuyển câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Công Thương”, đại biểu đoàn Gia Lai nêu câu hỏi.
Trả lời câu hỏi trên, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, vừa qua thực hiện Nghị định của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng giao cho Thanh tra tiến hành thanh tra xăng dầu. Hiện nay, chúng tôi đã và đang tiến hành công tác thanh tra này.
"Qua đó góp phần với Bộ Công Thương chỉ ra những tồn tại, hạn chế để đảm bảo bình ổn giá xăng dầu”, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nói.
10h11: Thanh tra Chính phủ có 408 cán bộ, tại sao chỉ có hơn 200 cán bộ trực tiếp làm công tác thanh tra…?
ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai): Ngân sách Nhà nước đã bảo đảm cho các hoạt động của thanh tra và thanh tra được trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp ngân sách Nhà nước. Theo số liệu của Thư viện Quốc hội cung cấp từ nguồn của Bộ Tài chính cho biết, cơ quan Thanh tra Chính phủ trong 5 năm vừa qua 2016 đến 2020 đã được thụ hưởng 388.000 triệu đồng.
Đề nghị Thanh tra Chính phủ cho biết việc đã bao giờ thanh tra việc sử dụng nguồn kinh phí này chưa? Đồng thời đánh giá việc trích lập, sử dụng kinh phí này như thế nào?
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương): Việc thực hiện kết luận sau thanh tra bao gồm các nội dung thu hồi tiền, xử lý về tài sản và xử lý cán bộ. Tuy nhiên, hiện nay qua theo dõi thì thấy việc thực hiện kết luận của thanh tra ở các địa phương, quan, đơn vị mới chỉ chú trọng đến việc thu hồi tiền còn nội dung xử lý về tài sản và xử lý cán bộ thì chưa thực sự được chú trọng.
Đề nghị Tổng Thanh tra cho biết nguyên nhân của tình trạng trên và những giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
ĐB Trần Quang Minh tranh luận: Đối với câu hỏi về quan điểm, nhìn nhận, đánh giá của Tổng Thanh tra Chính phủ về số lượng, chất lượng đạo đức công vụ của đội ngũ làm công tác thanh tra trong cả nước hiện nay Tổng Thanh tra chưa trả lời.
Bên cạnh đó, vấn đề tại sao lại có thực trạng Thanh tra Chính phủ có 408 cán bộ, công chức nhưng chỉ có hơn 200 cán bộ trực tiếp làm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cũng như giải pháp để tháo gỡ vấn đề này trong thời gian tới như thế nào thì Tổng thanh tra cũng chưa trả lời. Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời rõ về hai vấn đề này?
9h54: Thanh tra không có quyền kỷ luật mà chỉ kiến nghị
Về xử lý chồng chéo, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết các cơ quan đã phối hợp với nhau đã khắc phục những chồng chéo, tuy nhiên, vẫn còn xảy ra trong thực tế chồng chéo từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra đến tổ chức thực hiện.
Cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm toán đã phối hợp với nhau ban hành quy chế phối hợp triển khai, xử lý chồng chéo từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra cũng như tổ chức thực hiện thanh tra. Trong quá trình tổ chức thanh tra nếu phát hiện ra sự chồng chéo thì giữa 2 cơ quan có sự bàn bạc, trường hợp không xử lý được sẽ báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước để trực tiếp trao đổi, thống nhất xử lý.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, trong thời gian tới, sẽ sửa đổi Luật Thanh tra để có quy định về xử lý chồng chéo. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì với bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các cuộc thanh tra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, phát hiện và xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Về lâu dài, Thanh tra Chính phủ kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu hoàn thiện pháp luật thanh tra, kiểm toán theo hướng là quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan.
Về câu hỏi ĐB Nguyễn Thành Công nêu xử lý tập thể, cá nhân, nhất là nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, qua theo dõi đôn đốc, kiểm tra thực hiện xử lý sau thanh tra của ngành thanh tra thì các cơ quan đã xử lý hành chính là 1.714 tổ chức và 4.841 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra là 76 vụ, 93 đối tượng.
Nguyên nhân, ông Phong cho biết, theo thẩm quyền xử lý cán bộ công chức do người đứng đầu quản lý, tiến hành theo phân cấp quản lý, thông qua hội đồng kỷ luật. Cơ quan thanh tra không có quyền kỷ luật mà chỉ kiến nghị cơ quan quản lý kiểm điểm, xử lý.
Về chậm ban hành kết luận thanh tra mà ĐB Nguyễn Ngọc Sơn nêu, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra do nhiều nguyên nhân, chủ quan, khách quan. Trong đó, cuộc thanh tra có vi phạm quy mô lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đối tượng có tính chất phức tạp.
Một số quy định pháp luật còn bất cập, đặc biệt là về vấn đề quy định, thời gian báo cáo và dự thảo kết luận thanh tra. Khối lượng công việc nhiều nhưng lực lượng thanh tra, nhất là Thanh tra Chính phủ rất mỏng và ý thức trách nhiệm của một số thành viên, kỹ năng, năng lực còn hạn chế hay chưa hết trách nhiệm.
9h52: Các cuộc thanh tra đột xuất đều tiến hành khẩn trương, trách nhiệm cao nhất
Trả lời ĐB Lê Thanh Vân về việc chỉ đạo thanh tra đột xuất, phòng chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu, thực hiện chỉ đạo của BCĐ TƯ về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thực hiện đúng quy định của luật, theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
Thứ nhất, căn cứ vào chỉ đạo của BCĐ TƯ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Thanh tra tiến hành thanh tra một nội dung nào đó thì Tổng Thanh tra sẽ chỉ đạo Phó Tổng Thanh tra phụ trách các cơ quan, đơn vị tổ chức nắm thông tin tình hình, đề xuất nội dung phạm vi thời kỳ và đối tượng cần Thanh tra.
Thứ hai, Tổng Thanh tra Chính phủ cho chủ trương để Phó Tổng Thanh tra ký ban hành quyết định thanh tra kế hoạch tiến hành thanh tra.
Thứ ba, Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo Phó Tổng Thanh tra phụ trách chỉ đạo Thủ trưởng Cục vụ và đoàn thanh tra tiến hành thanh tra theo quy định pháp luật và chỉ đạo giám sát đoàn thanh tra.
Thứ tư, Tổng Thanh tra chỉ đạo Phó Tổng xem xét báo cáo kết quả thanh tra, chỉ đạo thẩm định dự thảo kết luận thanh tra và báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về dự thảo kết luận thanh tra và sau đó chỉ đạo tiếp thu, hoàn chỉnh kết luận.
Thứ năm, Tổng Thanh tra cho chủ trương để Phó Tổng phụ trách ký ban hành kết luận thanh tra, tổ chức công khai kết luận theo quy định pháp luật và báo cáo Ban Chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra.
Thứ sáu, Tổng Thanh tra chỉ đạo, Phó Tổng và các đơn vị Cục, Vụ tiến hành theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra và báo cáo Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ về kết quả xử lý sau thanh tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong thời gian vừa qua đã có nhiều cuộc thanh tra sản xuất có tính phức tạp, quy mô lớn, có nhiều sai phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Qua kết quả thanh tra đã kiến nghị xử lý và chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật. Ông Phong điểm tên các vụ việc: Cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Gang thép Thái nguyên, vụ thuốc ung thu công ty Pharma, các vụ án đất đai liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, sử dụng quỹ mua sắm vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, vắc xin phòng dịch...
Các cuộc thanh tra đột xuất này đều được tiến hành với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao nhất để kết luận và báo cáo BCĐ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét. Trong quá trình thanh tra đã phát hiện, kiến nghị, xử lý chuyển hồ sơ nhiều vụ việc nghiêm trọng sang cơ quan điều tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý theo thẩm quyền.
Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp
Về thực trạng ngăn chặn xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng mà ĐB Dương Khắc Mai nêu, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay, đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn, vướng mắc, phức tạp nên luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCĐ TƯ về phòng, chống tham nhũng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian qua, các cơ quan theo chức năng đã thực hiện tốt những công việc về thu hồi tài sản tham nhũng và đạt tỷ lệ là năm sau cao hơn năm trước. Kết quả 9 tháng đầu năm 2022, thanh tra tiến hành 5.586 kết luận thanh tra. Qua đó, thu hồi được hơn 1.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60% và gấp đôi so với năm 2021. Xử lý cán bộ là hơn 1.700 tổ chức và hơn 4.000 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, xử lý 3 đối tượng. Về công tác thi hành án đã thi hành xong 1.800 vụ việc với hơn 15.000 tỷ đồng trên tổng số hơn 2.700 vụ với hơn 43.000 tỷ đồng có điều kiện thi hành, tăng hơn 11.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp. Do đó, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tập trung giải pháp khắc phục như hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường xử lý sau thanh tra, thi hành án về thu hồi tài sản nhũng.
Trong quá trình điều tra và phát hiện dấu hiệu tội phạm phải chủ động có biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo xử lý. Sau thanh tra thi hành án và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thu hồi. Tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản tham nhũng.
Điểm mới ở đây, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 04 để giải quyết những khó khăn trong thu hồi tài sản tham nhũng. Theo chủ trương khi các vụ án xảy ra nếu đối tượng tham nhũng nộp lại tiền sẽ được xem xét thời gian thi hành án. Từ Chỉ thị 04, các cơ quan đã đẩy nhanh thanh tra dẫn đến kết quả tăng gấp đôi.
9h25: Đại biểu QH hỏi việc chủ động thanh tra tham nhũng trong ngành thanh tra như nào?
ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) chất vấn: Từ ngày nhậm chức đến nay, Tổng Thanh tra đã tự mình chủ động chỉ đạo hoạt động thanh tra đột xuất liên quan đến các vụ việc tham nhũng ở trong ngành thanh tra như thế nào, kết quả ra sao?
Tổng Thanh tra đã thực hiện việc phân cấp, phân quyền theo Nghị định 123 của Chính phủ trong nội bộ cơ quan Thanh tra Chính phủ ra sao, kết quả cụ thể như thế nào?”
ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) ghi nhận thời gian qua công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, đạt nhiều hiệu quả quan trọng, toàn diện. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp. Tham nhũng trên một số lĩnh vực còn diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.
“Đề nghị Tổng Thanh tra cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp thời gian tới?”, ĐB hỏi.
ĐB cũng lưu ý, thời gian qua còn xảy ra tình trạng cùng một đơn vị, địa phương nhưng trong một gian ngắn phải tiếp và làm việc với nhiều đoàn thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, kiểm toán.
“Nội dung có thể khác nhau nhưng làm việc liên tục như vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị. Đề nghị Tổng Thanh tra cho biết giải pháp trong phối hợp với các cơ quan kiểm tra, kiểm toán để khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp này?”, ĐB Mai hỏi tiếp.
ĐB Nguyễn Thành Công (đoàn Ninh Bình) đề nghị Tổng Thanh tra cho biết kết quả xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng và những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân?
ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương): Thực tế so sánh với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thu hồi sau thanh tra của năm nay tăng 17,9%, tuy nhiên kết quả thu hồi chỉ đạt 60,3%, qua đó cho thấy kết quả xử lý sau thanh tra vẫn còn những bất cập, hạn chế.
Thực tế qua giám sát cho thấy vẫn còn một số kết luận thanh tra chậm được ban hành, có cuộc thanh tra trên 5 năm vẫn chưa có quyết định. Một số nội dung trong kết luận thanh tra, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng chưa bám sát thực tiễn, tính pháp lý chưa đầy đủ và thuyết phục chưa đảm bảo tính khả thi dẫn đến thời hạn thực hiện kéo dài, khó dứt điểm. Đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ làm rõ nguyên nhân, giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm tháo gỡ tình trạng nêu trên?
ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh): Hiện nay tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện các thủ tục hành chính đang có xu hướng gia tăng mạnh, nhất là trong quan hệ giao dịch, lĩnh vực xây dựng, đất đai, kinh doanh. Hiện tượng tham nhũng vặt đã và đang làm xói mòn lòng tin của người dân.
Tuy nhiên, những công cụ kiểm soát hành chính như kiểm tra, thanh tra, giám sát hiện nay chưa đủ điều kiện để kịp thời phát hiện và xử lý. Đại biểu đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết giải pháp nào để thúc đẩy phát hiện và xử lý tình trạng tham nhũng, tiêu cực này một cách hiệu quả nhất trong thời gian tới?
9h30: Quốc hội nghỉ giảo lao.
9h15: Tiếp tục thanh tra nhiều lĩnh vực đối với các ngân hàng
Trả lời chất vấn về lĩnh vực thanh tra ngân hàng của ĐB Nguyễn Mạnh Khoa, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, thực hiện chức năng được giao, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với bộ, ngành, địa phương, Ngân hàng Nhà nước để trình Chính phủ định hướng công tác thanh tra, trong đó có một số công tác trọng tâm, trọng điểm đối với lĩnh vực ngân hàng. Tập trung thanh tra vào tiền tệ, cấp tín dụng, trái phiếu, chứng khoán xử lý nợ xấu, phòng chống rửa tiền….
Hàng năm, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo hướng dẫn thanh tra ngân hàng giám sát, thanh tra chuyên ngành đối với việc quản lý thu, chi các ngân hàng. Tiến hành thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước và 4 Ngân hàng thương mại, 2 ngân hàng chính sách xã hội.
Sau thanh tra đã phát hiện, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách bất cập. Thanh tra đã phát hiện nhiều sai sót, vi phạm và kiến nghị cần chấn chỉnh xử lý nghiêm. Đối với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự thì chuyển cơ quan điều tra xử lý. Điển hình, thanh tra Ngân hàng nông nghiệp năm 2011, thanh tra kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 14 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự, các cơ quan tố tụng đã xét xử hàng chục cán bộ ngân hàng, cán bộ các cơ quan liên quan. Đây là vụ án lớn trong lĩnh vực ngân hàng.
Về vấn đề giải quyết đơn thư tố cáo của tỉnh Bình Thuận do ĐB Sỹ nêu, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, năm 2019 trên cơ sở đơn thư tố cáo của một nguyên cán bộ tố cáo lãnh đạo tỉnh có làm sai một số vụ việc, trong đo có vụ chuyển mục đích sân golf sang khu đô thị. Riêng vụ việc này, Thanh tra Chính phủ đã thành lập Đoàn kiểm tra để rà soát một số nội dung. Theo đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xác định giá đất chưa đúng quy định của pháp luật.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, sai phạm này đã được chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra. Ủy ban Kiểm tra Trung ương có xem xét, trong vấn đề này có một số khuyết điểm là việc xử lý, kỷ luật.
Câu hỏi của ĐB Minh về cán bộ thanh tra còn ít, ông Đoàn Hồng Phong cho biết, Thanh tra Chính phủ đã cố gắng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, theo đánh giá của BCĐ TƯ phòng chống tham nhũng trong 10 năm (2012-2022) thanh tra đã triển khai nhiều nhiệm vụ, toàn diện vào các lĩnh vực có thông tin về tiêu cực, tham nhũng. Qua thanh tra kiến nghị thu hồi số tiền rất lớn hơn 461.000 tỷ đồng, hơn 75.000 ha đất, kiến nghị xử lý hơn 44.000 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 1.135 vụ và 1.156 đối tượng....
Thanh tra nội bộ cũng đã xử lý 833 vụ, 1.140 đối tượng tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng, BCĐ giao cho thanh tra nhiều công việc hàng năm thanh tra đột xuất.
Tổng Thanh tra Chính phủ dẫn chứng năm 2022 thanh tra mua sắm thiết bị phòng chống Covid-19, thanh tra quản lý xăng dầu, quy hoạch các công trình trọng điểm quốc gia, thị trường chứng khoán....
Với lực lượng 408 cán bộ, công chức, trong đó chỉ có hơn 200 người trực tiếp làm công tác thanh tra thì ông Phong cho biết rất khó khăn trong điều hành nhiệm vụ.
Điều hành phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, câu hỏi của ĐB Trần Quang Minh đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ nhận xét, đánh giá về số lượng, chất lượng của đạo đức công vụ. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ tiếp tục trả lời nội dung này.
9h12: Thanh tra chỉ ra khuyết điểm, tiến hành kiểm tra lại chỉ ra những sai phạm
ĐB Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận): Trong thời gian vừa qua, có một số vụ việc Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra, kết luận không có khuyết điểm, sai phạm hoặc chỉ là kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Nhưng khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra thì lại chỉ ra những sai phạm và phải chuyển qua xử lý hình sự.
Vấn đề trên phải chăng là do pháp luật chưa đồng bộ, cách thực hiện pháp luật chưa đúng hay là có hay chăng việc tiêu cực trong quá trình thanh tra. Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết có những cái giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới?
ĐB Trần Quang Minh (Quảng Bình): Hoạt động của thanh tra thời gian qua đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng bên cạnh đó còn có một số khó khăn, bất cập mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến hiệu quả, kết quả của thanh tra, đó chính là công tác cán bộ.
Thanh tra Chính phủ hiện có 408 công chức nhưng chỉ có 200 cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Vậy theo Tổng Thanh tra, tại sao lại có tình trạng này? Giải pháp trong thời gian tới để tháo gỡ là gì?
Từ đây, đề nghị Tổng Thanh tra cho biết quan điểm nhìn nhận, đánh giá về số lượng, chất lượng đạo đức công vụ của đội ngũ làm công tác thanh tra trong cả nước hiện nay?
ĐB Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa): Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật đã được xử lý nghiêm, qua đó làm giảm đáng kể vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng vẫn diễn biến phức tạp và tinh vi. Trước thực tế này, đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong công tác thanh tra ngân hàng những năm vừa qua. Thanh tra Chính phủ có giải pháp, căn cơ nào để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này?
9h07: Cảm ơn ĐB đã chọn lĩnh vực thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực chất vấn
Mở đầu phiên chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong bày tỏ sự cảm ơn đến các ĐBQH đã lựa chọn lĩnh vực thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực chất vấn, qua đó giúp ngành Thanh tra phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Thời gian qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành thanh tra đã nỗ lực cố gắng, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Thông qua công tác thanh tra đã phát hiện, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế chính sách, pháp luật còn sơ hở bất cập, dễ phát sinh tham nhũng tiêu cực; đã phát hiện kịp thời xử lý nhiều vi phạm sai phạm.
Đặc biệt dưới sự chỉ đạo của BCĐ TƯ về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra, phát hiện, xử lý, kiến nghị nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật và chuyển cơ quan sang điều tra, trong đó có vụ việc mang tính nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, tạo đột phá trong đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tổng Thanh tra nhấn mạnh, hoạt động chất vấn hôm nay là một trong những nội dung giám sát của Quốc hội với công tác thanh tra và phòng chống tham nhũng tiêu cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động để ngành thanh tra ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.
Để phục vụ phiên chất vấn, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo gửi ĐBQH nghiên cứu, cho ý kiến, nội dung chất vấn tập trung vào 4 nhóm vấn đề, đây đều là vấn đề mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, đồng thời cũng là những vấn đề có nhiều khó khăn, thách thức, có vấn đề mới, phức tạp liên quan đến yếu tố con người, ảnh hưởng đến sự ổn định phát triển KTXH nên phải xem xét kỹ lưỡng, xử lý thận trọng.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, mặc dù ngành thanh tra đã nỗ lực, cố gắng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhưng không thể tránh khỏi những tồn tại, thiếu sót.
Trong thời gian tới, ngành thanh tra mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các ĐBQH và cử tri cả nước để ngành thanh tra nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết đã có 66 ĐBQH đăng ký chất vấn.