Sáng 19/5, tại họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội thứ 7, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trả lời câu hỏi về công tác nhân sự liên quan đến việc bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội.
Báo chí đặt câu hỏi: Chương trình chi tiết làm quy trình bầu các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội tại kỳ họp diễn ra như thế nào? Quy trình bầu ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước có bao gồm việc miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an với ông Tô Lâm? Tại kỳ họp lần này có việc phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Công an thay ông Tô Lâm sau khi bầu Chủ tịch nước hay không?
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại Điều 4 Hiến pháp đã hiến định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng là cử và giới thiệu cán bộ để bầu, ứng cử hoặc quyết định bổ nhiệm vào các vị trí của các cơ quan Nhà nước, đoàn thể chính trị, xã hội. Hôm qua, Hội nghị Trung ương 9 đã thành công kết quả tốt đẹp.
Theo đó, kỳ họp này, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội.
“Trong thiết kế chương trình kỳ họp, chúng tôi dự kiến cuối giờ sáng ngày mai (20/5) bắt đầu tiến hành công tác nhân sự và đến sáng ngày 22/5 hoàn thành. Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội trước, sau đó bầu Chủ tịch nước theo quy định”, ông Cường thông tin.
Trả lời câu hỏi về việc có xem xét chức danh Bộ trưởng Công an, ông Cường cho hay, Hội nghị Trung ương 9 chưa giới thiệu Bộ trưởng Công an nên Quốc hội chưa phê chuẩn hoặc miễn nhiệm đối với chức danh này.
“Cơ quan thẩm quyền là Bộ Chính trị chưa giới thiệu nhân sự mới với chức danh Bộ trưởng Công an. Quốc hội chưa xem xét nhân sự với chức danh này", ông Cường khẳng định.
Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất rất cao giới thiệu Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an để Quốc hội khóa 15 bầu giữ chức Chủ tịch nước và ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội.