Chiều 30/11, Tổng thư ký Quốc hội tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất chủ trương tinh gọn bộ máy, giao Đảng đoàn Quốc hội lên phương án sắp xếp, tinh gọn trong quý 1/2025. Trong phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, khẩn trương sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy “tinh, gọn, mạnh”, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động...
Báo chí đặt câu hỏi đến Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng về phương án tinh gọn bộ máy ở Quốc hội sẽ được tiến hành như thế nào?
Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết cả hệ thống chính trị quyết tâm với việc tinh gọn bộ máy. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã đưa ra định hướng rất quan trọng về tinh gọn bộ máy.
“Tinh gọn bộ máy không phải chỉ là giảm đi mà phải đảm bảo tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Vấn đề này chúng ta đã nghiên cứu rất kỹ. Để triển khai nghị quyết của Trung ương, Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo về tinh gọn bộ máy và Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Ban Chỉ đạo", Tổng Thư ký cho biết.
Theo ông Tùng, "hiện chúng ta đang tiến hành đồng thời nhiều việc", trong đó, quan trọng nhất là rà soát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 18, cùng với đó nghiên cứu phương án tinh gọn bộ máy của các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
“Đến giờ này đang trong lộ trình thực hiện rà soát. Chúng tôi sẽ thông báo sớm kết quả khi các phương án được báo cáo với Đảng đoàn Quốc hội, Bộ Chính trị”, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, dự kiến thời gian có thể cuối tháng 12, đầu tháng 1/2025 có kết quả.
Ông cho biết sẽ thông tin đến báo chí về kết quả tinh gọn bộ máy để tuyên truyền đến đồng bào, cử tri. “Còn số lượng đại biểu, số lượng các cơ quan thuộc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đòi hỏi quá trình nghiên cứu, đánh giá kỹ, rất khoa học”, ông Lê Quang Tùng nói.
Hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 18 thành viên. Trong đó có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; 4 Phó Chủ tịch Quốc hộ gồm các ông/bà: Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định, Trần Quang Phương, Nguyễn Thị Thanh cùng 13 ủy viên là Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm 9 Ủy ban, Tổng thư ký Quốc hội, Trưởng Ban Công tác Đại biểu và Trưởng Ban Dân nguyện.
Trước đó, phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh quyết tâm hoàn thành việc tổng kết và báo cáo Trung ương về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong quý 1/2025.
Trong đó, Trung ương yêu cầu Bộ Chính trị chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội đề xuất, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi, lĩnh vực lãnh đạo, quản lý. "Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị", Tổng Bí thư nêu rõ.
Về câu hỏi mức giảm trừ gia cảnh lạc hậu, đã đến lúc thay đổi hay không, ông Vũ Tuấn Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho biết, trong Luật Thuế thu nhập cá nhân đã giao cho Chính phủ. Khi có biến động về CPI trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. "Tuy nhiên, đã từ lâu, Chính phủ chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Chúng tôi cũng thấy rằng mức giảm trừ gia cảnh so với thời điểm điều chỉnh đến nay đã có thay đổi. Trong kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quá trình làm việc với Bộ Tài chính, chúng tôi đã có ý kiến lưu ý, đề nghị nghiên cứu sửa đổi. Nhưng thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đang tập trung vào các lĩnh vực có vướng mắc để làm sao có tháo gỡ ngay nhằm phát triển", ông cho biết. |