Quốc hội đánh giá, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhiều vụ việc sai phạm trong đầu tư, đấu thầu, thẩm định giá
Bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển.
Đáng chú ý là có nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất kéo dài, nhưng chậm được khắc phục, xử lý; diện tích đất chưa sử dụng, để hoang hóa tại nhiều dự án… Cơ cấu tổ chức bên trong bộ, ngành và một số chính quyền địa phương còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; chồng chéo, chưa hợp lý trong chức năng, nhiệm vụ.
Nhiều vụ việc sai phạm trong đầu tư, đấu thầu, thẩm định giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính công, tài sản công, gây thất thoát, lãng phí rất lớn. Việc triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước còn chậm.
Tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho nhà nước phát hiện qua điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa cao. Nhiều vụ việc thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kéo dài nhiều năm, gây thất thoát, lãng phí, ách tắc, cản trở việc đưa các nguồn lực, tài nguyên vào khai thác, sử dụng hiệu quả.
Trách nhiệm chính của những tồn tại, hạn chế nêu trên thuộc về các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ trì tham mưu; các bộ, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành...
Phát động cuộc vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn quốc
Từ đó, Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực sự trở thành văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
Cùng với đó, tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững.
Quốc hội yêu cầu xử lý nghiêm minh, kịp thời trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Từ năm 2023, phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân.
Cũng từ năm 2023, thường xuyên đánh giá hiệu quả và chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh các bất cập, mâu thuẫn nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí các nguồn lực.
Trong đó, chú trọng xây dựng chính sách quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng giai đoạn đối với một số lĩnh vực then chốt như tiết kiệm năng lượng; quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản.
Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức giám sát việc xử lý 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí, có khó khăn vướng mắc; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với hàng ngàn dự án nói trên.
Đồng thời, làm rõ trách nhiệm việc 79.670 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất và các tồn tại, hạn chế khác...