Trả lời tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/6 về vấn đề giá thép, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Ngay từ đầu năm 2021 giá thép (nguyên liệu, thành phẩm) tăng rất cao. Ngày 5/2/2021 Bộ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan tới tình hình cung cầu, biến động giá thép năm 2020 và dự báo tình hình 2021. Gần đây giá thép tiếp tục biến động cao, ảnh hưởng nhiều tới các doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng, hoặc sử dụng thép là nguyên liệu đầu vào sản xuất.
Giá thép thời gian qua tăng mạnh do chi phí đầu vào tăng quá cao và nhu cầu lớn. Ảnh: Lương Bằng |
Ngày 8/5/2021 Phó thủ tướng Lê Minh Khái có ý kiến, trong đó có Bộ Công Thương báo cáo tình hình nhập khẩu, tiêu thụ thép, cũng như kiến nghị giải pháp kiểm soát giá mặt hàng này, ít nhất là làm giảm tác động làm tăng giá thép, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng. Bộ Công Thương đã họp với các doanh nghiệp sản xuất thép hàng đầu Việt Nam, để nắm bắt tình hình, nghe đề xuất kiến nghị của các doanh nghiệp.
Liên quan đến đề xuất lập Quỹ bình ổn giá thép được Bộ trưởng Công Thương đề xuất nghiên cứu tại cuộc họp đó, ông Đỗ Thắng Hải khẳng định "đề xuất này không phải là ý kiến chính thức của Bộ Công Thương".
Ngày 20/5/2021, Bộ Công Thương đã báo cáo chính thức gửi tới Chính phủ, các cơ quan liên quan đánh giá tình hình cung cầu thép, đánh giá giá thép tại Việt Nam, khu vực và đề xuất kiến nghị để hạ nhiệt giá thép để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng. Trong đó, theo Thứ trưởng Công Thương, các nội dung đề xuất chính thức của Bộ không có đề xuất kiến nghị về lập quỹ bình ổn thép.
Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Thép và các doanh nghiệp thép tiết giảm chi phí đầu vào, sản xuất để hạ giá thành sản xuất; có biện pháp tăng tối đa công suất sản xuất thép trong nước để tăng nguồn cung, nhằm hạ giá thành. Đồng thời, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng thép trong nước đang có nhu cầu.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đề xuất và cũng đang thực hiện báo cáo Chính phủ nghiên cứu, xây dựng các hàng rào kỹ thuật, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và chủ động triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm thép, phù hợp các quy định thương mại, luật pháp quốc tế. Bộ Công Thương có trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời việc chống bán phá giá sản phẩm thép nhập khẩu...
Lương Bằng
Tân Bộ trưởng Công thương: Một số ý kiến về bình ổn giá thép
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp ngành thép, Hiệp hội thép Việt Nam ngày 27/5.