Những thành tựu của kinh tế thị trường
Trong "nguy" luôn có "cơ" - cách tiếp cận này là tích cực và cần thiết để chúng ta tiếp tục cải cách kinh tế thực chất hơn.
Điều này là nền tảng để Bộ Công Thương thực hiện cam kết: Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, phân tích "Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam" của Bộ Thương mại Hoa Kỳ để bổ sung, hoàn thiện lập luận gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam nhằm cụ thể hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư song phương, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước.
Sau Đổi mới, Việt Nam đã kiên định cải cách để đưa nền kinh tế một thành phần là Nhà nước thành đa thành phần kinh tế. Nền kinh tế được giải phóng khỏi sự kiểm soát quá chặt chẽ, cứng nhắc của nhà nước và người dân được tự do buôn bán, kinh doanh. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết 16 FTAs thế hệ mới, trở thành một trong những nền kinh tế cởi mở nhất thế giới.
Nhờ cải cách kinh tế, Việt Nam là một trong những quốc gia hình mẫu về xóa đói giảm nghèo, với tỷ lệ đói nghèo giảm từ gần 60% đầu những năm 90 của thế kỷ trước xuống còn 3% ngày nay. Khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước có đăng ký chính thức đã xuất hiện và ngày càng lớn mạnh. Đến nay, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình và một nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng vào hệ thống kinh tế toàn cầu.
Không nghi ngờ gì nữa, những cải cách này và hơn nữa là cơ sở để 73 nền kinh tế khác công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Xin trích dẫn xếp hạng Tự do Kinh tế Thế giới (Economic Freedom of the World Index) do Viện Fraser của Canada công bố cuối năm ngoái. Theo đó, Việt Nam xếp thứ 106 trong số 165 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với năm trước đó, Việt Nam đã tăng được 4 bậc trong bộ chỉ số này, đây là mức tăng tương đối cao so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, Singapore xếp thứ nhất, tăng 1 bậc, Malaysia (56, giảm 3 bậc), Thái Lan (64, tăng 8 bậc), Philippines (70, giảm 3 bậc), Indonesia (74, tăng 1 bậc), Campuchia (78, giảm 3 bậc), Lào (107, tăng 1 bậc).
Việt Nam ghi điểm ở bốn thành phần chính của chỉ số tự do kinh tế như quy mô chính phủ (xếp thứ 83); Hệ thống pháp luật và quyền tài sản (xếp thứ 77); Đồng tiền tốt (xếp thứ 128); Tự do thương mại quốc tế (xếp thứ 98); Quy định về tín dụng, lao động và kinh doanh (xếp thứ 103).
Những không gian cải cách
Tuy vậy, sau gần 40 năm Đổi mới, nền kinh tế vẫn đang trong quá trình chuyển đổi với một số hạn chế như sau:
Thứ nhất, cơ chế giá của một số mặt hàng như xăng dầu, điện, vé máy bay, dịch vụ y tế, vốn… vẫn còn bị can thiệp hành chính. Tuy vậy, ở góc độ nào đó, sự can thiệp này cũng có lợi cho các doanh nghiệp FDI chứ không riêng gì doanh nghiệp Việt Nam. Ví dụ, giá điện Việt Nam đang bị áp rẻ bậc nhất thế giới cũng làm lợi cho các doanh nghiệp FDI, dù cơ chế giá này không khuyến khích đầu tư vào ngành điện và cản trở thị trường vận hành hiệu quả.
Thứ hai, việc bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản vẫn còn chưa triệt để. Đất đai nhiều nơi vẫn bị thu hồi với giá phi thị trường; cam kết thực thi hợp đồng, chưa được tôn trọng trong nhiều trường hợp.
Thứ ba, khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp nhà nước cung cấp khoảng 87% sản lượng điện - chiếm tới 84% thị phần bán lẻ xăng dầu; cung cấp 100% thị phần khí thô và 70% thị phần khí hóa lỏng (LNG); 70-75% nhu cầu phân đạm. Các doanh nghiệp nhà nước cũng đang áp đảo trong ngành viễn thông, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng...
Có thể thấy, trong 5 thị trường các yếu tố sản xuất thì chỉ có thị trường hàng hóa vận hành đầy đủ, tuân theo các quy luật giá trị, cung cầu nhờ đó mà hàng hóa được lưu thông thuận lợi. Trong khi đó, các thị trường khác như năng lượng, đất đai, nhân lực, vốn vẫn còn bị tác động hành chính.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho rằng, Nhà nước tham gia vào nhiều hoạt động kinh tế thông qua các doanh nghiệp nhà nước và gián tiếp thông qua vận động chính sách làm cho phân bổ đất đai và vốn bị tác động của các quyết định hành chính nhiều hơn việc thông qua tín hiệu thị trường.
Đại hội Đảng lần thứ IX năm 2001 đã thông qua khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” để mô tả hệ thống kinh tế của Việt Nam, sau đó được luật hóa trong Hiến pháp 2013.
Đến năm 2017, Nghị quyết 11 khẳng định thêm: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế…
Mô hình này được Ngân hàng Thế giới mô tả: Quan điểm chính về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế theo thị trường và công bằng xã hội.
Như vậy, trong quá trình phát triển, Việt Nam luôn quan tâm đến công bằng xã hội, đến lợi ích của nhân dân.
Nghị quyết Đại hội XIII năm 2021 đặt ra yêu cầu tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập.
Đến nay là dịp để tổng kết, nền kinh tế Việt Nam đang vận hành thiên về vế nào, kinh tế thị trường hay xã hội chủ nghĩa. Những bài học rút ra từ đó là rất cần thiết cho lần giải trình tiếp theo với các đối tác như Hoa Kỳ, EU và nhất là sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.