Sáng 4/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022. Tại hội thảo, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, đã nêu ra một số “dòng chảy” trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật, trước bối cảnh 2022 là một năm nhiều biến động và thách thức đối với kinh tế thế giới và Việt Nam.
Theo đó, các chính sách ứng phó với những tác động của kinh tế thế giới hợp lý và khá linh hoạt. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao việc Nhà nước đã nhanh chóng ban hành các chính sách để ứng phó, chẳng hạn như cắt giảm các loại thuế về thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) để kiềm chế giá xăng dầu - nguyên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành, lĩnh vực và kiềm chế lạm phát.
Đồng thời, các chính sách liên quan đến hỗ trợ, phục hồi sau đại dịch tiếp tục được thúc đẩy, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Tuy vậy, theo VCCI, vẫn còn vướng mắc trong quá trình thực thi khiến một số chính sách chưa phát huy được hiệu quả, chẳng hạn như chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Gói tín dụng này giải ngân được rất ít.
Về vấn đề này, VCCI cho biết, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đưa ra biện pháp hỗ trợ lãi suất 2% tối đa 40.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP1 quy định chi tiết về việc sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo phản ánh từ nhiều doanh nghiệp và chuyên gia, các doanh nghiệp rất muốn được vay theo gói hỗ trợ này, nhưng bản thân các ngân hàng thương mại ngần ngại trong việc giải ngân.
VCCI cho rằng, nguyên nhân là do Nghị định số 31/2022/NĐ-CP có quy định không rõ ràng. Trong đó, điều 3 của Nghị định đưa ra nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là “khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi theo đánh giá nội bộ của ngân hàng thương mại”.
Theo đánh giá của VCCI, quy định này còn chung chung, định tính, khiến nhiều ngân hàng e ngại nếu thực hiện hỗ trợ lãi suất xong sau đó không được ngân sách Nhà nước quyết toán hoặc bị thanh tra, kiểm tra xác định là vi phạm.
Tại hội thảo, VCCI cũng nêu ra một số vấn đề liên quan đến hiệu lực của các chính sách về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong năm 2022.
Mặc dù Nghị định số 65/2022/NĐ-CP được xây dựng và đã bảo đảm nguyên tắc thị trường, xử lý được vấn đề chênh lệch thông tin giữa doanh nghiệp phát hành và người mua trái phiếu, nhưng theo VCCI, quy định về thời điểm có hiệu lực và quy định chuyển tiếp của Nghị định 65 chưa thực sự hợp lý. Do đó, chỉ hơn hai tháng sau khi ban hành, Bộ Tài chính đã phải xây dựng dự thảo sửa đổi nghị định này.
VCCI mong rằng đây là những điều chỉnh hợp lý và hy vọng sẽ đúng thời điểm để khắc phục những vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.