Sáng 28/8, tại hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu thảo luận dự án Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
Một trong những quy định đáng chú ý của dự thảo luật là cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc với tài sản của cơ sở thuộc danh mục cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm.
Chính phủ sẽ quy định danh mục cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; mức phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; mức nộp, chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Góp ý quy định này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn: "Tôi không biết danh mục cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là loại hình nào”.
Đại biểu đề nghị phải có danh mục cụ thể để Đại biểu Quốc hội có ý kiến, tránh sau khi luật có hiệu lực thì “lạm dụng lên danh mục nhiều, bắt các cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ”.
Ông cũng lưu ý cần cân nhắc quy định các "cơ sở" phải lập lực lượng phòng cháy, chữa cháy cho phù hợp. Bởi vì các hộ gia đình đăng ký sản xuất kinh doanh nhỏ, không phải doanh nghiệp, yêu cầu thành lập lực lượng phòng cháy, chữa cháy thì quá khắt khe, khó thực hiện.
Ông dẫn lại quy định của dự thảo luật: “Cơ sở là nhà, công trình, địa điểm được sử dụng để ở, sản xuất, kinh doanh, hoạt động thương mại, làm việc hoặc mục đích khác thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo danh mục do Chính phủ quy định”.
'3 năm 3 tiêu chuẩn', chỉ đọc và hiểu đã rất khó khăn
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) dẫn thống kê của các bộ, ngành cho thấy đã xây dựng 230 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về phòng cháy, chữa cháy.
Tuy nhiên, có tiêu chuẩn vừa ban hành đã thay đổi bằng tiêu chuẩn mới, thậm chí “3 năm 3 tiêu chuẩn”, chỉ đọc và hiểu để triển khai thực hiện đã rất khó khăn. Một số tiêu chuẩn thiếu thực tế, không có tính khả thi.
Do đó, đại biểu đề nghị các bộ ngành cần phối hợp rà soát, sửa đổi các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy đảm bảo thống nhất, tránh gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Bà Ngọc cũng đề nghị phân biệt rõ các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh dễ cháy nổ cần quy định khắt khe về phòng cháy, chữa cháy, không đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy phải chuyển hình thức sản xuất kinh doanh.
Với cơ sở sản xuất ít xảy ra cháy, dễ dàng cứu chữa, có thể quy định về quy chuẩn dễ hơn để giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Đại biểu đoàn Hòa Bình cho rằng, việc quy định chung một quy chuẩn, kỹ thuật áp dụng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh là chưa hợp lý.
Trong khi đó, đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế cũng nêu thực tế tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy đang quy định quá cao khiến doanh nghiệp rất sợ.
Thực tế có doanh nghiệp chỉ đầu tư 1 tỷ đồng, nhưng nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy phải mất 2-3 tỷ đồng, lớn hơn nhiều tiền đầu tư. Từ đó đại biểu đặt vấn đề luật cần quan tâm giải quyết được bất cập này.
Dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới.