Ngày 13/3, Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức hội nghị đào tạo nguồn nhân lực vận hành Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).
Theo báo cáo, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) sẽ thành lập chi nhánh sân bay Long Thành để chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, hệ thống, công nghệ, quy trình quy chuẩn, đặc biệt là nguồn nhân lực cho quản lý, vận hành khai thác sân bay Long Thành.
Cụ thể, các chuyến bay trên 1.000km đa số sẽ cất cánh tại sân bay Long Thành nên việc đào tạo nguồn lực cần tập trung ngành nghề bảo dưỡng, chăm sóc, sửa chữa máy bay. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần quan tâm đến lao động chất lượng cao như: Công nghệ thông tin, trung tâm dữ liệu, sinh trắc học, tự động hóa xử lý hành lý,…
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, sân bay Long Thành là “thỏi nam châm” thu hút nguồn lực, nếu chuẩn bị sớm thì sẽ thúc đẩy nhanh hơn. Nếu xét nhân lực cho sân bay Long Thành là một yếu tố nhỏ, thực ra Đồng Nai cần phải chuẩn bị nguồn lực cho cả vùng sân bay.
“Không phải 5.000ha của sân bay Long Thành mà phải là 30.000ha xung quanh sân bay. Không chỉ là sân bay Long Thành mà còn là một thành phố sân bay trong tương lai”, ông Lĩnh nói.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng yêu cầu tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương, ưu tiên những người giao đất, hy sinh vì sự phát triển của sân bay. Do đó, ông cũng khuyến khích chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng ở Đồng Nai phải nâng lên.
Ngoài ra, Đồng Nai quy hoạch 1.000ha cho các cơ sở đào tạo và mời gọi các trường đại, học viện mở cơ sở tại Đồng Nai để đào tạo những ngành nghề có chất lượng cao và nguồn nhân lực cho cả vùng quanh sân bay. Bên cạnh đó, cần liên kết đào tạo với các trường đại học chuyên ngành về hàng không ở nơi khác để mở thêm khoa, chuyên ngành về hàng không.
Tiếp thu những ý kiến trên, ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, sân bay Long Thành là 1 trong 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới. Vì vậy, công tác chuẩn bị cho dự án tầm cỡ quốc gia cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ, đặc biệt là công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cụ thể, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động cần khoảng 14.000 lao động, đa số cần lao động có trình độ. Tuy nhiên, chưa có trường nào đào tạo về chuyên ngành hàng không.
Ông Đức cũng đề nghị 21 trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn rà soát ngành nghề đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và làm việc với 25 đơn vị đào tạo được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép để tổ chức đào tạo tại Đồng Nai nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các học viên tham gia đào tạo với chất lượng cao, chi phí đào tạo thấp.