LTS: Tuần Việt Nam trò chuyện với bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc điều hành Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE) xung quanh dự thảo quy hoạch phát triển ngành Điện 2021-2035 (quy hoạch Điện 8).

Bà có thể cho biết những đánh giá sơ bộ nhất về dự thảo quy hoạch Điện vừa được Bộ Công thương công bố?

Bản dự thảo gồm thuyết minh và phụ lục cả nghìn trang, rất chi tiết và bao trùm toàn ngành. Có thể nói, những người soạn thảo đã lắng nghe ý kiến phản biện, và đưa vào những cập nhật, sửa đổi một cách cẩn trọng cũng như cập nhật thị trường kịp thời.

Dĩ nhiên, với quy trình chung của một quy hoạch quốc gia, dự thảo lần 3 này chưa phải là bản cuối cùng. Tôi nghĩ rằng chúng ta còn thời gian để tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc và hoàn thiện.

Cân bằng nhu cầu

Vậy theo bà, những điều cần cân nhắc trước hết là gì?

Cân bằng nhu cầu luôn là đầu vào quan trọng cho quy hoạch ngành Điện. Do vậy, cần  tính toán kỹ lưỡng nhu cầu điện năng trong tương lai để xử lý bài toán cân bằng cung cầu và cũng chính là đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

{keywords}
Quy hoạch đúng và cân đối hài hòa các lợi ích luôn rất khó khăn với mọi quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, cách dự báo nhu cầu phụ tải trong tương lai lại đặt ra nhiều câu hỏi. Đó là sự thể hiện định hướng phát triển của các ngành kinh tế sang ngôn ngữ điện lực và thiếu đi một số yếu tố quan trọng thể hiện xu hướng chuyển dịch năng lượng trong tương lai như nhu cầu sử dụng điện cho giao thông và đô thị thông minh…

Theo bà, sự đóng góp của các ngành kinh tế ảnh hưởng như thế nào tới nhu cầu điện năng?

Chúng ta đều biết tốc độ phát triển của ngành điện cần bám sát vào tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Mà GDP lại có sự tương quan vào tỉ trọng 3 ngành cơ bản là công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp.

Ngành công nghiệp - xây dựng luôn có nhu cầu cao nhất về năng lượng, đặc biệt trong giai đoạn trước, Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp nặng, nhóm ngành này luôn chiếm xấp xỉ 50% lượng tiêu thụ điện của cả nước.

Với một nước đang phát triển như Việt Nam, phát triển công nghiệp nặng đã từng là ngành tiêu thụ quan trọng, nên chúng ta đang chấp nhận hệ số đàn hồi điện thương phẩm/GDP là 1,24%, theo đó là gánh nặng về ảnh hưởng môi trường… Nhưng định hướng tương lai của ngành công nghiệp nặng như thế nào sẽ là câu hỏi lớn.

Tôi cho rằng nghị quyết của Đại hội Đảng 13 vừa qua là dấu mốc quan trọng để xác định tầm nhìn chiến lược cho tương lai. Các mục tiêu tới 2035 như trở thành nước công nghiệp hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, áp dụng những thành tựu công nghệ 4.0 hay phát triển nền kinh tế số là kịp thời, phù hợp và là kim chỉ nam cho định hướng những năm tiếp theo.

Câu hỏi đặt ra là, với tầm nhìn chiến lược của cả hệ thống chính trị như vậy, những con số được đưa ra trong Quy hoạch điện 8 vừa qua liệu có còn phù hợp? Ví như tỉ trọng trong GDP của công nghiệp - xây dựng sẽ ở quanh mức 45%, trong khi lượng tiêu thụ điện lên xấp xỉ 58% ở giai đoạn 2030-2035.

Nếu vẫn giữ nhịp độ phát triển, công nghệ lạc hậu như hiện nay, các ngành công nghiệp nặng sẽ sớm đối diện với bài toán nan giải: tiêu thụ nhiều năng lượng, tỷ trọng đóng góp cho nền kinh tế không tương xứng, gây ra nhiều hệ lụy và áp lực với hệ thống cơ sở hạ tầng, môi trường và xã hội.

Ngược lại, những ngành thương mại, dịch vụ như công nghệ thông tin đang được định hướng cho phát triển trong tương lai. Đây là những ngành mà Việt Nam có khả năng “đi tắt, đón đầu”, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng tầm được chất lượng nguồn nhân lực, ít tác động tới môi trường xã hội, đồng thời tận dụng được công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả đang ngày càng hoàn thiện.

Đó là chưa kể nền nông nghiệp đang được tái đầu tư một cách bài bản, đồng bộ với công nghệ mới từ trồng trọt, chăn nuôi tới chế biến sâu.

Tôi tin rằng những hướng phát triển này cần được thể hiện rõ nét hơn trong Quy hoạch điện 8, cơ cấu nền kinh tế thay đổi sẽ là động lực để Việt Nam sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, giảm áp lực phát triển nguồn sản xuất điện, thúc đẩy phát triển công nghệ cao tiêu hao ít năng lượng để có được môi trường trong sạch hơn.

Đi đúng hướng

Vậy lĩnh vực gì đang cần được ngành năng lượng nói chung quan tâm tới?

Có một lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam dự đoán sẽ là một nguồn phụ tải lớn và cũng chưa được đề cập tới trong Quy hoạch 8 lần này. Đó chính là hệ thống giao thông thông minh, phương tiện giao thông sử dụng điện như xe buýt điện, tàu điện cao tốc…

Chúng ta đều biết, Việt Nam đã có những doanh nghiệp đầu tư lớn để sản xuất phương tiện giao thông sử dụng điện như xe buýt, xe du lịch, nhỏ hơn có xe máy và xe đạp điện… Theo tôi, đây là một ngành có tiềm năng nhu cầu cao trong 10 năm tới nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Do chưa được đánh giá đúng mức về nhu cầu nên chưa có sự chuẩn bị về hạ tầng lưới điện phân phối. Khả năng bùng nổ của các phương tiện này trong tương lai là rất lớn, đồng thời gây áp lực không hề nhỏ lên hệ thống điện.

Xe buýt điện đang được quy hoạch, thí điểm tại Hà Nội, TP.HCM. Với số lượng 100-200 xe với pin công suất xấp xỉ 300kWh cho 2 thành phố, nhu cầu điện năng và áp lực lên đường dây truyền tải là không đáng kể.

Tuy nhiên, nếu lượng xe được đưa vào sử dụng nhiều hơn, câu chuyện sẽ rất khác. Đó là chưa tính tới nhu cầu sử dụng ô tô cá nhân của hộ gia đình có thể lên tới hàng trăm nghìn chiếc cùng được nạp điện đồng thời… Sạc pin xe điện sẽ là bài toán nghiêm túc chúng ta cần  đặt ra để có sự chuẩn bị hạ tầng phân phối đúng mức.

Ngoài ra, những chủ trương phát triển tàu cao tốc Bắc - Nam là có, nhưng bài toán về năng lượng như thế nào, hình như vẫn chưa được tính đến.

Có lẽ, quy hoạch phát triển ngành điện nói riêng, và quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam sẽ còn nhiều trở ngại?

Quy hoạch đúng và cân đối hài hòa các lợi ích luôn rất khó khăn với mọi quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta đang đi đúng hướng và lạc quan với khả năng phát triển cũng như quá trình chuyển dịch năng lượng nói chung. Và trong suốt quá trình đó, cần sự lắng nghe từ phía cơ quan quản lý nhà nước, sự phản biện mang tính xây dựng của xã hội và sự đồng hành, chung tay của doanh nghiệp. 

Bài 2: Nhiệt điện, thủy điện hay điện mặt trời: Lựa chọn nào cho Việt Nam?

Tư Giang - Lan Anh

‘Nếu không thay đổi, chúng ta mất tiếp một mùa du lịch’

‘Nếu không thay đổi, chúng ta mất tiếp một mùa du lịch’

Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, phương án phòng chống dịch và cách truyền thông tới đây phải khác để hỗ trợ cho phát triển kinh tế.