Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 19/5, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong quá trình lập quy hoạch, Bộ đã tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Luật Quy hoạch và các nghị quyết, nghị định có liên quan của Quốc hội, Chính phủ.
Quy hoạch điện VIII bảo đảm nguyên tắc tối ưu tổng thể các yếu tố về nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường và chuyển đổi mô hình kinh tế.
Việc Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, công bằng, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước cũng như xu thế phát triển của quốc tế, như xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp.
Để triển khai thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, đơn vị liên quan cần khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch theo quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch và thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng trong quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm các phương án Quy hoạch được triển khai thực hiện trong thực tiễn; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách và quản lý phát triển điện lực.
“Cần xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ thời gian hoàn thành và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân”, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Các đơn vị cần tập trung nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định, cơ chế chính sách có liên quan nhằm hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm đồng bộ, khả thi;
Đặc biệt chú trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi), Luật phát triển năng lượng tái tạo, cơ chế mua bán điện trực tiếp và cơ chế, chính sách xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị ngành điện, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Phát biểu công bố Quy hoạch điện VIII, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, quan điểm của Chính phủ trong quy hoạch này là "điện lực phải đi trước một bước", quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Đặc biệt, không hợp thức hoá cái sai.
Ông Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng, cho biết, Quy hoạch điện VIII nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050. Cùng với việc hướng tới đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% theo cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP), định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%. Trong khi đó, các nguồn nhiệt điện than chỉ thực hiện tiếp dự án đã có trong Quy hoạch điện VII và điện VII điều chỉnh đang xây dựng với công suất khoảng 30.000 MW. Dự án này sẽ được chuyển đổi nhiên liệu từ than sang nhiên liệu sinh khối, amoniac khi công nghệ và chi phí phù hợp. Các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm sẽ dừng hoạt động nếu không đủ điều kiện chuyển đổi. Bên cạnh đó, nhiệt điện khí, sẽ ưu tiên sử dụng tối đa khí trong nước cho phát điện, phát triển đồng bộ hạ tầng với quy hoạch. Tổng công suất nguồn khí hóa lỏng đạt 22.400 MW, năm 2050 thì hầu hết các nhà máy sử dụng khí LNG là sử dụng khí hydro, gắn với xây dựng hạ tầng theo quy hoạch. |