Tạo không gian phát triển mới, động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội 

Vĩnh Phúc là cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, một trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; có vị trí cầu nối giữa các tỉnh Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng sông Hồng, là đầu mối các tuyến giao thông như đường bộ, đường sắt, đường hàng không. Do vậy, Vĩnh Phúc có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của vùng, khu vực và quốc gia.

Việc lập và triển khai quy hoạch thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ hội quý để tạo ra không gian phát triển mới, cũng như động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vùng và địa phương.

vinhphuc.png

Bên cạnh những lợi thế, kết quả đạt được, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn một số khó khăn, thách thức cần giải quyết, như GRDP đầu người của Vĩnh Phúc vẫn ở nhóm trung bình vùng Đồng bằng sông Hồng, chưa đạt theo kỳ vọng đặt ra. Độ mở và tính liên kết của nền kinh tế chưa tương xứng với vị trí chiến lược nằm trên các hành lang kinh tế lớn, là vệ tinh tương trợ, kết nối phát triển với Thủ đô Hà Nội trên nhiều lĩnh vực.

Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa và phát triển thương mại, nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh, hạ tầng công nghiệp, dịch vụ; nguồn nhân lực trình độ, năng suất lao động thấp. Thu hút vốn đầu tư, bao gồm đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; thiếu vắng những dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ chất lượng cao, do đó, tiềm năng và động lực tăng trưởng trong thời gian tới là chưa thật rõ ràng.

Tình trạng ô nhiễm môi trường đang là thách thức song hành cùng quá trình phát triển kinh tế; các khu công nghiệp, công nghệ cao tiếp tục tăng thêm sẽ là thách thức lớn đối với vấn đề bảo vệ môi trường, tạo áp lực lớn cho hạ tầng và sự khó khăn trong việc bảm đảm anh ninh trật tự, an toàn xã hội. Việc huy động các nguồn lực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn.

Bởi vậy, với quan điểm, Quy hoạch tỉnh phải bảo đảm phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 của đất nước, Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng Sông Hồng… Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã giao các ngành chức năng tiến hành lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu hướng tới là xây dựng Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào đầu những năm 30; có nền kinh tế phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức; người dân có thu nhập, chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc; nền văn hóa tiến bộ, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường tự nhiên trong lành, đáng sống; tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng từ 10,5 - 11,0%/năm…

Thực hiện Luật Quy hoạch, Quyết định số 998 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các văn bản hướng dẫn thi hành, thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm các quy định, nhiệm vụ được giao trong  công tác lập Quy hoạch tỉnh; ban hành kế hoạch tổ chức lập Quy hoạch tỉnh; phê duyệt dự toán lập Quy hoạch tỉnh; thành lập Tổ chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh; tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn lập quy hoạch tỉnh và nhiều văn bản chỉ đạo trong quá trình triển khai lập Quy hoạch tỉnh,...

Triển khai xong 8/9 bước của Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030

Đến nay, Dự thảo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được lấy ý kiến tham gia góp ý của các cơ quan Trung ương, các địa phương lân cận, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; lấy ý kiến nhiều lần các sở, ngành, UBND cấp huyện và các tổ chức, cá nhân liên quan trên Cổng thông tin – Giao tiếp điện tử tỉnh. Đồng thời, có sự trao đổi thường xuyên, liên tục giữa cơ quan lập quy hoạch, đơn vị tư vấn với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, sự liên kết giữa các nội dung của quy hoạch, xử lý các mâu thuẫn giữa các nội dung.

Sau nhiều lần lấy ý kiến tham gia của các tổ chức, cá nhân theo quy định, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được gần 100 văn bản tham gia ý kiến đóng góp của 19 bộ, ngành Trung ương; 13 tỉnh, thành phố, các cơ quan chức năng có liên quan trong và ngoài tỉnh; đồng thời nhận được nhiều ý kiến tham gia góp ý trực tiếp tại các hội nghị, hội thảo.

Trên cơ sở các ý kiến tham gia, cơ quan lập quy hoạch tỉnh đã tiếp thu, chỉnh sửa, nhờ đó, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu, đảm bảo tính thống nhất, chất lượng được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua các nội dung của dự thảo Quy hoạch tỉnh tại Nghị quyết số 18-NQ/TU, ngày 21/02/2023; UBND tỉnh chấp thuận trình thẩm định Quy hoạch tỉnh tại Văn bản số 3425, ngày 12/5/2023.

Thực hiện các nhiệm vụ được giao, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thẩm định Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tháng 6/2023, Hội đồng thẩm định quy hoạch Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Kế hoạch thẩm định số 4228 về thẩm định Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc.

Đối chiếu với quy định tại Điều 16, Luật Quy hoạch, Vĩnh Phúc đã triển khai xong 8/9 bước của Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030; còn lại 01 bước là cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định quốc gia và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thanh Sơn