Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký thay Thủ tướng quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, khu kinh tế Vân Đồn được quy hoạch khoảng 2.171,33km2 bao gồm diện tích đất tự nhiên khoảng 581,83km², diện tích vùng biển khoảng 1.589,5km².
Nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực
Mục tiêu của quy hoạch này là xây dựng khu kinh tế Vân Đồn phù hợp với chiến lược phát triển biển Việt Nam, trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á, Thái Bình Dương.
Khu kinh tế Vân Đồn còn được quy hoạch hướng đến là trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ; trung tâm kinh doanh thương mại quốc tế của khu vực.
Ngoài ra, quy hoạch này còn phấn đấu xây dựng nơi đây trở thành thành phố hiện đại, thông minh, hấp dẫn để mọi người đến sinh sống, làm việc và vui chơi hòa hợp với thiên nhiên; đảm bảo môi trường sạch dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ xanh thân thiện với môi trường.
Đồng thời, xây dựng khu kinh tế Vân Đồn trở thành khu vực phòng thủ vững chắc nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội…
Khu kinh tế Vân Đồn là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế để tạo ra những sản phẩm độc đáo khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.
6-9,5 triệu lượt khách du lịch
Dự báo sơ bộ quy mô dân số đến năm 2030, nơi đây có khoảng 140.000-200.000 người; đến năm 2040 khoảng 300.000-500.000 người.
Dự báo phát triển khách du lịch đến năm 2030 khoảng 2,5 triệu lượt; đến năm 2040 khoảng 6-9,5 triệu lượt.
Về đất xây dựng, dự báo đến năm 2040: đất công nghiệp, dịch vụ logistic khoảng 1.500-2.000ha; đất xây dựng các khu chức năng đô thị khoảng 4.000-6.000ha; đất dịch vụ du lịch khoảng 5.000-8.000ha.
Khu kinh tế Vân Đồn được phát triển theo 5 khu vực. Cụ thể, khu vực phía Tây đảo Cái Bầu (thuộc các xã Đoàn Kết, Bình Dân, Đài Xuyên) với lợi thế của sân bay Vân Đồn, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái được định hướng phát triển các khu thương mại tự do, sản xuất công nghệ cao, dịch vụ hậu cần và đô thị. Khu vực này có quy mô đất xây dựng khoảng 6.000ha.
Khu vực phía Bắc đảo Cái Bầu (thuộc các xã Vạn Yên, Đài Xuyên) gắn với khai thác phát triển cảng biển Vạn Hoa, Mũi Chùa, đường trục chính phía Bắc, nối với quốc lộ 4D. Khu vực này có hướng phát triển các chức năng đô thị phức hợp, dịch vụ du lịch, sản xuất công nghiệp, cảng biển với quy mô đất xây dựng khoảng 5.000ha.
Khu vực phía Đông và Nam đảo Cái Bầu (thuộc các xã Đông Xá, Hạ Long, Vạn Yên và thị trấn Cái Rồng) với hướng phát triển các chức năng là trung tâm tài chính quốc tế và dịch vụ du lịch chất lượng cao dịch vụ văn hóa sáng tạo, vui chơi giải trí với quy mô đất xây dựng khoảng 5.000ha.
Khu vực phía Đông quần đảo Vân Hải gổm cảc đảo Trà Bản, Minh Châu - Quan Lạn, Ngọc Vừng, Phượng Hoàng, Vạn Cảnh… định hướng khai thác phát triển các khu du lịch biển cao cấp.
Khu vực các đảo thuộc hệ thống vườn quốc gia Bái Tử Long được ưu tiên bảo tồn, hạn chế hoạt động xây dựng, khai thác cho các mục tiên sinh thái.
Cao tốc nghìn tỷ đẹp như tranh, Hà Nội đi Vân Đồn chỉ 2 tiếng
Ngày 1/2, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn chính thức hoạt động, như vậy đi từ Hà Nội bằng ô tô về huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) chỉ còn 2 tiếng.
Thu Hằng