Cụ Nguyễn Việt, nguyên Trưởng phòng Trinh sát, Cục Quân báo, Bộ tổng tham mưu biết nhiều thông tin mà cụ cho là sử sách không đề cập hết.
- Cụ Nguyễn Việt, nguyên Trưởng phòng Trinh sát, Cục Quân báo (Bộ tổng tham mưu), người đảm nhiệm công tác trinh sát của chiến dịch Điện Biên Phủ cho rằng cần làm rõ vì sao trận chiến quyết định năm 1954 lại diễn ra ở Điện Biên Phủ chứ không phải nơi nào khác.
Năm nay 90 tuổi, cụ Nguyễn Việt vừa trở về từ Điện Biên Phủ sau chuyến đi kỷ niệm 60 năm chiến thắng chiến dịch lịch sử. Với giọng nói sang sảng, cụ kể về trận đánh lớn nhất trong đời binh nghiệp của mình.
Cụ Nguyễn Việt, nguyên Trưởng phòng Trinh sát, Cục Quân báo (Bộ tổng tham mưu). Ảnh: Cẩm Quyên
Làm công tác trinh sát của cả chiến dịch, cụ Việt biết nhiều thông tin mà cụ cho là sử sách không đề cập hết. Nói về lý do tại sao trận chiến quyết định này diễn ra ở Điện Biên Phủ, cụ Việt phân tích:
Trình độ của quân đội ta đến năm 1953 mới chủ yếu đánh đêm là chính, thứ nữa là đánh ở rừng núi, còn ở đồng bằng thì phải nói thẳng thắn là thời điểm đó chưa có khả năng đánh lớn được.
Trong chiến dịch Tây Bắc, ta tấn công từng cụm điểm, từng tiểu đoàn một thì được nhưng khi “húc” vào Nà Sản (lúc đó đã hình thành tập đoàn cứ điểm của địch) thì không thành công, buộc phải rút lui chờ thời cơ khác.
Hè 1953, quân đội ta tập huấn cán bộ để đánh lại Nà Sản thì Pháp “lặng lẽ” rút nhanh khỏi nơi này. Đến 20/11/1953, địch bất ngờ cho quân nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ, phía ta phải cho quân bám ngay, mục tiêu là làm sao phải giữ chân quân địch ở lại rừng núi bởi đây là nơi ta có thế mạnh và kinh nghiệm.
Địch muốn
Pháp công bố công khai lý do chiếm đóng Điện Biên Phủ là để bảo vệ Thượng Lào, vì Pháp có ký với Lào một thỏa thuận bảo vệ Luang Prabang đề phòng quân ta đánh.
“Nhưng thực ra đây là ý đồ của Mỹ. Lòng chảo Điện Biên Phủ nằm ở ngã tư biên giới, sát Trung Quốc, Lào, gần Miến Điện, Thái Lan, lại ở cao điểm. Một cơ sở không quân lớn ở Điện Biên Phủ sẽ là một căn cứ không quân lý tưởng, có tính chiến lược cho Mỹ để khống chế cả khu vực Đông Nam Á”, cụ Việt phân tích.
Ngày 20/11/1953, Pháp cho quân nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Theo cụ Việt, Tướng Tổng tư lệnh của quân đội Pháp ở chiến trường Đông Dương là Henri Navarre đồng tình với kế hoạch nhảy dù Điện Biên Phủ rồi đưa cả chục tiểu đoàn vào “cắm” ở đây nhằm xây dựng cứ điểm kiên cố.
Ý tưởng trên khiến tham mưu trưởng của Tướng Navarre “giãy nảy” lên, cho rằng Tướng Navarre không hiểu gì về chiến trường này, bởi nếu chỉ có mục đích bảo vệ khu vực Thượng Lào thì không cần cho quân nhảy dù làm tốn kém cả chục tiểu đoàn.
“Song Navarre vẫn hành động vì có Mỹ đứng sau “giật dây”. Thực tế Mỹ đã “hà hơi, tiếp sức” và chu cấp rất nhiều cho Pháp (cả tiền bạc lẫn vũ khí), đổi lại là quyền can thiệp vào chiến lược quân sự của Pháp ở Đông Dương. Cũng nhờ sự hậu thuẫn của Mỹ mà trong một thời gian ngắn, Điện Biên Phủ trở thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương”, cụ Việt nói.
Vì thế, cụ Việt cho rằng có thể nói việc cả ta lẫn địch “gặp” nhau ở Điện Biên Phủ là lựa chọn tất yếu khách quan, dẫn đến việc phải mở trận quyết chiến ở đây. Hơn nữa, địch cũng chủ quan nghĩ Việt Minh không có khả năng chiến đấu ở Điện Biên Phủ, vì địch đưa lên đây cả 10 tiểu đoàn với bao nhiêu vũ khí đạn dược.
“Đây là cụm tập đoàn cứ điểm với bao nhiêu pháo hiện đại, được gọi là 'con nhím hoàn hảo được tổ chức phòng ngự theo kiểu hiện đại', địch cho rằng làm sao mà ta nhảy vào được với quân số và khả năng hạn chế như vậy?”, cụ Việt nói.
Sau này có những ý kiến chỉ trích các tướng lĩnh Pháp đã "mắc một lỗi sơ đẳng" khi thiết lập một căn cứ ở nơi quá xa xôi hẻo lánh, dễ bị bao vây cô lập để rồi bại trận. Nhưng ở thời điểm đó, với những yêu cầu chiến lược và chính trị của Pháp trong cuộc chiến - phải giữ bằng được Lào - thì việc thiết lập này là yêu cầu tất yếu và không thể khác được.
Các mốc thời gian chính chiến dịch Điện Biên Phủ
-
Ngày 14-1-1954, tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên
Giáp và Bộ Chỉ huy chiến dịch phổ biến lệnh tác chiến theo phương án
"đánh nhanh thắng nhanh" và dự định nổ súng ngày 20-1. Sau đó, ngày nổ
súng được quyết định lùi lại đến 17h ngày 25-1. Tiếp đó, Bộ chỉ huy
chiến dịch quyết định hoãn lại 24h, chuyển sang ngày 26-1.
- Ngày
25-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định lui quân. Sáng 26-1, Đại tướng quyết định hoãn cuộc tấn công, chuyển sang
phương án “đánh chắc, tiến chắc”.
Diễn biến chính của chiến dịch
* Đợt 1: Từ ngày 13
đến 17-3. 17h5 ngày 13-3-1954, tiến công các cụm cứ điểm Him
Lam. Ngày 17-3, ta đánh tiếp đồi Độc Lập, Bản Kéo và toàn bộ phân khu
Bắc.
* Đợt 2: Từ ngày 30-3 đến ngày 30-4, quân ta đánh phân khu trung
tâm, vây lấn, khống chế cánh đồng Mường Thanh. Hai
bên chiến đấu ác liệt, giành đi, giật lại các mỏm đồi A1, C1, D1…
*
Đợt 3: Từ ngày 1 đến ngày 7-5: Việt Minh đánh dứt điểm dãy đồi phía đông
và tổng tiến công tiêu diệt các vị trí còn lại. Chiều 7-5, quân ta tổng tiến công
và bắt sống Tướng Christian de Castries và toàn bộ Bộ tham mưu tập đoàn
cứ điểm.