Lệnh cấm tiết lộ hay công khai thông tin có khả năng hạn chế những gì ông Trump có thể nói về vụ án, trong bối cảnh cựu tổng thống chuẩn bị sử dụng nó cho thông điệp vận động tái tranh cử của mình. Động thái dự kiến sẽ phản ánh việc thế giới chính trị và pháp lý đang xung đột theo cách chưa từng có vì vụ truy tố hình sự đầu tiên trong lịch sử Mỹ đối với một cựu lãnh đạo Nhà Trắng.
Trong một loạt thông điệp đăng tải trên mạng xã hội Truth Social mới đây, ông Trump đã gay gắt chỉ trích Công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg và quyền Thẩm phán Tòa án tối cao New York Juan Merchan.
Ông Trump từng cảnh báo về “cái chết và sự hủy diệt” nếu ông bị khởi tố. Suốt nhiều tuần qua, cựu tổng thống thuộc đảng Cộng hòa cũng buộc tội công tố viên Bragg, thành viên đảng Dân chủ dẫn đầu cuộc điều tra cáo buộc ông Trump chi trả 130.000 USD để che giấu mối quan hệ với nữ diễn viên phim người lớn Stormy Daniels trong giai đoạn tranh cử tổng thống năm 2016, “có động cơ chính trị”. Hôm 2/4, ông Trump công khai chỉ trích ông Merchan là “thẩm phán ghét Trump”.
Báo The Hill trích dẫn lời các chuyên gia pháp lý ở New York nhận định, những vụ công kích đó làm tăng khả năng thẩm phán sẽ ban hành lệnh cấm tiết lộ thông tin, một động thái không phổ biến nhưng không phải là chưa từng có tiền lệ nhằm ngăn chặn ông Trump hoặc các luật sư của ông phát biểu công khai về vụ việc bên ngoài các thủ tục tố tụng của tòa án.
Theo Jeremy Saland, luật sư bào chữa hình sự ở New York từng làm trợ lý cho công tố viên quận Manhattan, “thẩm phán muốn giữ sự trang nghiêm của phòng xử án” và tránh những nhiễu loạn không cần thiết khi mọi sự chú ý của quốc gia đều đổ dồn vào vụ việc.
Cựu tổng thống đã công bố kế hoạch phát biểu sau khi rời tòa án hình sự Manhattan để trở về tư dinh ở Mar-a-Lago, bang Florida tối 4/4. Nếu được ban hành, lệnh cấm tiết lộ thông tin có thể gây hoài nghi nội dung bài phát biểu đó.
Ông Trump và đội ngũ của mình đã nêu rõ ý định sử dụng bản cáo trạng để thu hút sự ủng hộ chính trị, khắc họa cựu tổng thống như nạn nhân của một vụ truy tố mang động cơ chính trị trong các cuộc vận động gây quỹ, những bài đăng trên mạng xã hội và các cuộc phỏng vấn. Những cuộc thăm dò dư luận gần đây tiết lộ, đa số người Mỹ tin vụ truy tố ít nhất cũng có động cơ chính trị.
Các nhóm pháp lý và chiến dịch vận động tái tranh cử năm 2024 của ông Trump rõ ràng đang chuẩn bị cho khả năng thẩm phán ra lệnh cấm tiết lộ thông tin. Họ cũng cho biết sẽ chống lại lệnh đó với lí do nó hạn chế các quyền của cựu lãnh đạo Nhà Trắng theo Tu chính án thứ nhất.
Trong một chương trình phát thanh hôm 3/4, Jay Sekulow, luật sư từng bào chữa cho ông Trump trong phiên tòa luận tội đầu tiên hồi còn đương chức nhưng không thuộc nhóm pháp lý hiện tại của ông, lập luận rằng tòa án có thể xem xét các nỗ lực giảm nhẹ khác trước khi sử dụng lệnh cấm công khai thông tin.
Lệnh cấm như vậy sẽ nhằm ngăn chặn việc làm bôi nhọ bồi thẩm đoàn, tiếp sau khi nhà chức trách cho lắp đặt rào chắn và các biện pháp an ninh nghiêm ngặt xung quanh tòa án và văn phòng công tố viên quận. Những nỗ lực đó đã bắt đầu trước khi bản cáo trạng được công bố.
Catherine Christian, người đã có hơn 20 năm làm việc tại văn phòng công tố viên quận Manhattan và hiện hành nghề tư nhân, đánh giá an ninh đã được nâng lên một tầm cao mới, vượt xa cả những vụ án nổi tiếng trước đây như phiên tòa xét xử tội tình dục của Harvey Weinstein.
Tờ New York Times tuần trước đã cho đăng tải các bức ảnh chụp Susan Hoffinger, người đứng đầu bộ phận điều tra của văn phòng công tố viên quận Manhattan và những công tố viên hàng đầu khác tham gia cuộc điều tra ông Trump, đang được các nhân viên an ninh vây quanh. Christian nói cô biết rõ về Hoffinger và chưa bao giờ thấy công tố viên này cần được bảo đảm an toàn đến mức như vậy.
Tuy nhiên, Christian lưu ý, ngay cả khi thẩm phán Merchan ra lệnh cấm tiết lộ thông tin, động thái nhiều khả năng sẽ không thể chấm dứt được những “lời ong, tiếng ve”. Lí do vì, không chỉ mình ông Trump mà còn nhiều chính khách cấp cao thuộc đảng Cộng hòa và các đồng minh của cựu tổng thống như Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đang công kích hệ thống tư pháp.