Hồi đầu năm nay, công ty phần mềm Rikkeisoft của Việt Nam đã công bố việc thành lập công ty con RKTech với 100% vốn sở hữu tại Mỹ. Mới đây, RKTech đã khai trương văn phòng đầu tiên tại xứ sở cờ hoa. Văn phòng của RKTech đặt tại tòa nhà Preston Park Towers West, thành phố Plano (bang Texas).
Việc thành lập RKTech và mở văn phòng đầu tiên tại một trong những "techhub" của Mỹ đánh dấu bước đầu quan trọng trong mục tiêu mở rộng kinh doanh tại thị trường công nghệ lớn nhất thế giới của Rikkeisoft.
Trước đó, trong quá trình “go global”, công ty phần mềm với quy mô 1.600 nhân sự của Việt Nam từng ghi dấu ấn khi là một trong những doanh nghiệp CNTT hàng đầu của Việt Nam hoạt động tại Nhật Bản.
Để củng cố quyết tâm này, Rikkeisoft đã bổ nhiệm ông Bùi Hoàng Tùng vào vị trí CEO của RKTech. Ông Tùng từng giữ vai trò CEO của FPT USA và là một trong những người tiên phong, mở đường cho ngành dịch vụ CNTT Việt Nam tại các thị trường toàn cầu như Singapore, Mỹ, Nhật Bản.
Chia sẻ về định hướng của RKTech, ông Bùi Hoàng Tùng cho biết, công ty này sẽ đóng vai trò là đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ quốc tế, mang dịch vụ công nghệ Việt tiếp cận thị trường Bắc Mỹ.
“RKTech cũng hướng tới mục tiêu trở thành một trong những công ty thành công nhất tại đây, từ đó góp phần đưa Rikkeisoft trở thành doanh nghiệp tỷ USD trong 5 năm tới”, CEO RKTech Bùi Hoàng Tùng nói.
Đưa doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra thế giới là một trong những định hướng lớn của ngành Thông tin & Truyền thông (TT&TT) trong năm nay, với mục tiêu nhằm giúp sản phẩm Make in Việt Nam chinh phục thị trường toàn cầu.
Bộ TT&TT đã mở đầu chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài bằng việc tổ chức Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới”.
Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT (Bộ TT&TT): “Thị trường công nghệ thế giới có rất nhiều cơ hội. Trong khi đó, quy mô thị trường của Việt Nam quá nhỏ hẹp nếu so sánh với quy mô nhân lực dịch vụ CNTT hiện nay cũng như tương lai”.
Vị Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT cho rằng, ngoài thế mạnh về sự năng động và khả năng sáng tạo của nguồn nhân lực CNTT, Việt Nam còn có lợi thế khi cạnh tranh về giá cung cấp dịch vụ. Đây là những lý do thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiến ra nước ngoài.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã vươn ra thế giới với những thành công đáng kể.
Doanh thu đầu tư ra nước ngoài của Viettel trong năm qua đã lần đầu tiên đạt gần 3 tỷ USD. Một doanh nghiệp khác là FPT cũng đã cung cấp dịch vụ CNTT, chuyển đổi số cho nhiều nước phát triển như Mỹ, Nhật... với doanh thu đạt trên 1 tỷ USD năm 2022.