Để lần đầu tiên lọt vào top 5/63 tỉnh, thành về chỉ số chuyển đổi số, Cần Thơ đã rất nỗ lực về mọi mặt, trong đó đặc biệt là quyết tâm của lãnh đạo.
Lời toà soạn
Bộ TT&TT vừa công bố kết quả đánh giá, xếp hạng về chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh – DTI năm 2022. Đây là năm thứ ba Bộ TT&TT tổ chức đánh giá và công bố xếp hạng về chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. VietNamNet thực hiện tuyến bài: "Bứt phá chuyển đổi số ở các ngành, địa phương", giới thiệu các bài học mà các đơn vị đã triển khai để có kết quả tích cực trong lĩnh vực này.
Mới đây, Bộ TT&TT công bố đánh giá, xếp hạng về chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh – DTI năm 2022, trong đó thành phố Cần Thơ lần đầu tiên lọt vào top 5/63 tỉnh, thành, tăng 10 bậc so với năm trước.
Chia sẻ với VietNamNetvề kết quả chuyển đổi số của thành phố đạt được trong thời gian qua, Giám đốc Sở TT&TT thành phố Cần Thơ Huỳnh Hoàng Mến cho biết, để được kết quả xếp hạng 5/63 tỉnh thành về chỉ số chuyển đổi số năm 2022, địa phương đã nỗ lực rất nhiều ở mọi mặt.
Ông Huỳnh Hoàng Mến nói, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, Bộ TT&TT đánh giá cao nhất là “quyết tâm của lãnh đạo có làm được hay không”.
Lãnh đạo thành phố Cần Thơ rất quan tâm đến chuyển đổi số nên đã chỉ đạo, ban hành các thể chế, chính sách quyết tâm chuyển đổi số. Cụ thể như, Thành ủy ban hành Nghị quyết, UBND thành phố có kế hoạch, quyết định giao chỉ tiêu cụ thể thực hiện các nhiệm vụ trong chuyển đổi số. Lãnh đạo thành phố trong thời gian qua cũng đã tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất trong việc phát triển và đạt được các tiêu chí trong chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để phục vụ người dân một cách tốt nhất.
Ông Huỳnh Hoàng Mến dẫn chứng về chính quyền số của thành phố Cần Thơ là các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đã gom lại từ “cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử” thành “hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính”,tạo thuận lợi cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính.
Đối với yếu tố kỹ thuật thực hiện, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố Cần Thơ được Bộ TT&TT đánh giá đứng đầu cả nước, cụ thể là về mức độ thuận tiện, truy cập… Hiện nay, thành phố đang tập trung chương trình vận động, tuyên truyền người dân tích cực tham gia dịch vụ công trực tuyến này.
Còn đối với chính quyền, các cán bộ công chức, viên chức có trách nhiệm hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính trên “hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính” để tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian cho người dân trong giải quyết công việc, việc này cũng giải quyết được tình trạng tránh tiếp xúc giữa người dân và cán bộ cơ quan Nhà nước.
Ông Huỳnh Hoàng Mến cho biết thêm, thành phố Cần Thơ đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, chợ 4.0, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử tới các đơn vị hành chính các cấp, đưa các sản phẩm của người dân, nhất là các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, đến nay có gần 100 sản phẩm của người dân đã được lên sàn thương mại điện tử.
Đồng thời, thành phố Cần Thơ cũng xây dựng ứng dụng Can Tho Smart có nhiều ứng dụng, tính năng hữu ích, cung cấp dịch vụ số thiết yếu tạo thuận tiện cho người dân trong quá trình thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, tra cứu hồ sơ thủ tục hành chính, thanh toán dịch vụ công. Cũng như người dân có thể theo dõi, giám sát trực tuyến tình hình tham gia giao thông trên các tuyến đường địa bàn thành phố, dễ dàng thanh toán trực tuyến các dịch vụ như: thanh toán phí, lệ phí thủ tục hành chính; Khai và nộp thuế cá nhân hoặc doanh nghiệp, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại. Trên Can Tho Smart, khách du lịch có thể dễ dàng tìm kiếm các thông tin cần thiết như các điểm đến du lịch nổi tiếng trên địa bản, các địa điểm ăn uống, khách sạn, các dịch vụ vui chơi, giải trí tại Cần Thơ.
Trong thời gian tới, Sở TT&TT thành phố sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hơn nữa đối với ứng dụng Can Tho Smart để phục vụ người dân tốt hơn.
Chuyển đổi số lan tỏa tới từng ngõ ngách
Thành phố Cần Thơ hiện có 607 tổ công nghệ số cộng đồng với 2.417 thành viên tham gia. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố đồng loạt ra quân tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận với các ứng dụng như cài đặt tài khoản định danh điện tử (VneID), Can Tho Smart, thanh toán không dùng tiền mặt… với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”.
Cách làm này của thành phố Cần Thơ đã dần lan tỏa chuyển đổi số đến mọi người dân trong đời sống xã hội.
Chị Trần Thị Thúy Vy, phường An Khánh, quận Ninh Kiều chia sẻ: “Hiện nay chuyển đổi số đã lan tỏa đến khắp nơi. Vừa qua, tôi đi khám bệnh nhưng quên mang theo giấy tờ tùy thân nhưng chỉ cần mở App lên đưa cho nhân viên y tế là được giải quyết, rất thuận tiện, không cần quay về nhà lấy giấy tờ”.
Đối với mô hình chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt, thành phố Cần Thơ đã được triển khai tại 18 chợ truyền thống, tạo điều kiện người tiêu dùng tiếp cận các phương thức điện tử. Đồng thời, thành phố cũng đã đẩy mạnh triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như thanh toán tiền điện, tiền nước, học phí, viện phí.
“Thanh toán không dùng tiền mặt rất thuận tiện. Ở nhà, bất cứ lúc nào mình cũng có thể đóng tiền điện, tiền nước… Khi thanh toán xong thì tôi cũng nhận được hóa đơn đã thanh toán”, anh Nguyễn Văn Nhân, quận Bình Thủy chia sẻ.
Bài 4: Bứt tốc ngoạn mục, chuyển đổi số Quảng Ngãi nhảy vọt 34 bậc
Đừng ủy thác hoàn toàn việc chuyển đổi số cho bộ phận CNTTĐể chuyển đổi số doanh nghiệp, cần có sự vào cuộc của người đứng đầu. Song song đó, phải xây dựng được một đội ngũ linh hoạt, sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi của công nghệ số.