Sau 2 tháng kể từ khi thông báo thu hẹp hoạt động, ứng dụng giao đồ ăn có nguồn gốc Hàn Quốc Baemin thông báo sẽ chính thức dừng hoạt động tại thị trường Việt Nam từ ngày 8/12. Thông tin này cũng đã được gửi đến khách hàng của Baemin.

Baemin được biết đến là ứng dụng giao đồ ăn nhanh, xuất hiện ở Việt Nam giữa năm 2019 sau khi thâu tóm Vietnammm.com. Baemin được vận hành bởi Woowa Brothers Việt Nam, thành viên của liên doanh giữa Woowa Brothers - công ty giao đồ ăn đứng đầu tại Hàn Quốc và Delivery Hero - tập đoàn công nghệ giao đồ ăn của Đức, hoạt động tại hơn 50 quốc gia.

Tại Việt Nam, Baemin tập trung vào lịch vực giao đồ ăn, và một số dịch vụ khác như: đi chợ hộ, cửa hàng bách hóa trực tuyến, bán mỹ phẩm.

Mặc dù xuất hiện mới chỉ hơn 4 năm nhưng Baemin ghi chú ý với người tiêu dùng Việt. Đó là các nhân vật đại diện thương hiệu như Mèo Mập đáng yêu và Shipperman mũ xanh dí dỏm, cùng với nhiều thông điệp nhân văn, câu nói đầy thiện cảm, gần gũi với văn hóa Việt.

baemin.gif
Baemin là thương hiệu mang đến nhiều ấn tượng tốt cho người tiêu dùng Việt.

Trong thông điệp vừa phát đi, Baemin cho biết đơn vị này quyết định rút khỏi Việt Nam bởi tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu, cũng như thực trạng cạnh tranh khốc liệt của thị trường nước sở tại.

Trên thực tế, thị trường giao đồ ăn của Việt Nam phát triển mạnh trong các năm trước và trong đại dịch. Nhiều hãng trong và ngoài nước đổ tiền vào để chiếm thị phần với hàng loạt khuyến mại khủng. 

Mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực này tại Việt Nam là rất cao. Các đối thủ lớn như Grab, ShopeeFood, Gojek liên tục tung khuyến mãi lớn để phát triển thị phần, qua đó khiến các thương hiệu khác trong đó có Baemin gặp khó khăn trong cạnh tranh.

Hiện 2 ông lớn Grab và ShopeeFood chiếm tới hơn 85% thị phần mảng giao đồ ăn tại Việt Nam.

Với thị phần ít ỏi, Baemin gặp khó vì không cung cấp các dịch vụ khác như đặt xe, giao hàng... Dù gây thiện cảm tốt với người tiêu dùng nhưng vì có ít khuyến mại so với các đối thủ khác nên Baemin không thu hút được nhiều khách hàng.

Baemin rút khỏi Việt Nam trong bối cảnh cảnh giai đoạn kinh tế khó khăn cả ở trong nước và thế giới.

Hồi tháng 9, lãnh đạo Baemin cũng đã gửi thông báo tới nhân viên, chia sẻ về việc phải tạm thời thu hẹp hoạt động do gặp nhiều thách thức tại thị trường giao hàng ở Việt Nam.

Trước đó, chia sẻ với Reuters, Tổng giám đốc Delivery Hero Niklas Östberg cho biết, việc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam "không bao giờ có lãi", trong khi đánh giá triển vọng của công ty tại châu Á lại tích cực.

Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiêu dùng bán lẻ lớn trong khu vực với dân số cả trăm triệu người song mức độ cạnh tranh cũng rất lớn với sự xuất hiện nhiều tập đoàn quốc tế có tiềm lực tài chính mạnh có thể hỗ trợ cho hoạt động lâu dài. Do vậy, không ít doanh nghiệp lớn có tên tuổi đã phải rời bỏ thị trường.

Hồi đầu năm 2023, Tập đoàn bán lẻ Parkson đã chính thức tuyên bố rời thị trường Việt Nam sau 18 năm hoạt động, kết thúc những ngày tháng thua lỗ và đi xuống của doanh nghiệp Malaysia này.

Tập đoàn Parkson vào Việt Nam năm 2005 và phát triển chuỗi trung tâm mua sắm cao cấp tại các thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội và Hải Phòng, với trung tâm thương mại đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 6/2005 mang tên Parkson Saigon Tourist Plaza.

Ở thời kỳ đỉnh cao, chuỗi bán lẻ này từng có 10 trung tâm thương mại cao cấp ở các vị trí đắc địa tại Hà Nội, TP.HCM như tại: Parkson Viet Tower trên phố Thái Hà, Parkson Keangnam (Hà Nội), Parkson Paragon (TP.HCM). Saigon Paragon có quy mô 19.000 m2 khu thương mại từ tầng hầm B1 với khu ẩm thực, siêu thị đến khu mua sắm cao cấp từ tầng 1 đến tầng 4, khu giải trí 4.000 m2 tại tầng 5.

Trong báo cáo tài chính kiểm toán, công ty mẹ của Parkson Việt Nam đã ghi nhận khoản lỗ đối với toàn bộ giá trị phần vốn góp vào Parkson Việt Nam.

Trong năm tài chính 2022, các hoạt động tại Việt Nam của Parkson đã ghi nhận khoản lỗ trước thuế 2,3 triệu Singapore dollar, so với lợi nhuận trước thuế là 13,7 triệu Singapore dollar trong năm trước. Doanh thu giảm từ 10,1 triệu Singapore dollar trong kỳ xuống còn 2,4 triệu Singapore dollar trong năm tài chính 2022.