Chương trình Tủ sách Đặng Thùy Trâm do Hội đồng họ Đặng Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức vừa ra mắt.
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng - Chủ tịch Tổ chức Trái tim người lính đồng thời là người khởi xướng chương trình cho biết, điểm khác biệt của Tủ sách Đặng Thùy Trâm so với nhiều mô hình khác là sách sẽ được bổ sung hàng năm và tủ sách được chăm sóc thường xuyên với nhiều hoạt động phong phú như: giao lưu giữa các tác giả, các nhân vật và bạn đọc, trao thưởng cho "Bạn đọc thông minh và sáng tạo"…
Mặc dù mới hoạt động thử nghiệm nhưng trong 3 tháng qua, đã có tới 6 Tủ sách Đặng Thùy Trâm được trao tặng tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn và Ninh Bình. Hiện đã có thêm 2 Tủ sách Đặng Thùy Trâm mới được chuẩn bị xong và sắp được trao tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi - nơi nữ Anh hùng Đặng Thùy Trâm đã hy sinh hơn 50 năm trước.
Theo Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, chương trình phấn đấu trong 3 năm (2023 – 2025) sẽ có ít nhất 15 Tủ sách Đặng Thùy Trâm; mỗi tủ sách trị giá từ 100 triệu đến 150 triệu đồng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, được trao tặng cho các trường học hoặc bệnh viện ở nhiều vùng miền trước sự chứng kiến của báo giới và chính quyền địa phương. Chương trình nhằm tạo cầu nối giữa thế hệ măng non với thế hệ anh hùng, nhắc nhở các em tự hào, biết ơn và trân trọng quá khứ; đồng thời làm bùng lên ngọn lửa yêu sách, đam mê văn hóa đọc của thầy cô và học sinh.
Trong khuôn khổ sự kiện, ban tổ chức tiếp nhận một số di vật của liệt sĩ và những kỷ vật trong kháng chiến chống Mỹ của 4 gia đình, thân nhân liệt sĩ đến từ huyện Phúc Thọ, quận Hai Bà Trưng và quận Ba Đình, TP Hà Nội trao tặng.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, đây là những hiện vật quý hưởng ứng cuộc vận động viết và sưu tầm kỷ vật Tình yêu qua chiến tranh do Tổ chức Trái tim người lính phối hợp với CLB Mãi mãi tuổi 20 và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức (giai đoạn 2020-2025).
Những hiện vật này sẽ được sẽ lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cùng Trung tâm Tư liệu và Không gian văn hóa Trái tim người lính nhằm phục vụ cho công tác trưng bày trong các dịp lễ lớn của đất nước và là tài liệu giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.