Ngày 15/11/2019, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) diễn ra sự kiện ra mắt Khu trải nghiệm cùng di sản để phục vụ thực hiện “Chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới” ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Phòng trưng bày sản phẩm lưu niệm tại nhà Hữu vu, khu điện Đại Thành, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

“Khu trải nghiệm cùng di sản” là địa điểm hoạt động, trải nghiệm của nhóm học sinh đi theo lớp hoặc của trẻ em đi theo gia đình, cũng là nơi dành cho khách tham quan tham các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu chuyên sâu về di sản. Không gian này được trang bị đầy đủ điều kiện phù hợp cho các hoạt động giáo dục di sản: bàn, ghế cho các hoạt động của học sinh như vẽ, nặn… và các thiết bị hiện đại: máy tính, máy chiếu, ipad… phục vụ cho các hoạt động chiếu phim, clip về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, về lịch sử khoa cử Việt Nam, cũng có thể phục vụ việc trình chiếu,  thuyết trình của các em học sinh.

{keywords}
“Khu trải nghiệm cùng di sản” là địa điểm hoạt động, trải nghiệm của nhóm học sinh đi theo lớp hoặc của trẻ em đi theo gia đình, cũng là nơi dành cho khách tham quan tham các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu chuyên sâu về di sản.

“Khu trải nghiệm cùng di sản” còn có hệ thống pano để các em tổ chức các cuộc trưng bày nhỏ, góc lưu giữ cảm xúc với các tấm thẻ...  Không gian khu vực trải nghiệm được trang trí bằng bức tranh Vinh quy bái tổ trên tường và các họa tiết trang trí trên bút lông bằng đá ở nhà Thái học xưa.

“Chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới” đã được Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám triển khai từ năm 2016, chương trình có nội dung chú trọng định hướng cho học sinh hiểu di sản và nhận thức được các giá trị đa dạng của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, gắn kết lịch sử với đời sống đương đại bằng những phương pháp giáo dục mới, hiện đại.

Học sinh đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thể học nhiều khía cạnh về lịch sử, truyền thống hiếu học, kiến trúc, mỹ thuật, phong tục tập quán. Đến nay, chương trình đã xây dựng được gần 20 chủ đề giáo dục theo lứa tuổi, cấp học, tích hợp với kiến thức trên lớp như: Mãnh hổ hạ sơn, Lớp học xưa, Khám phá kiến trúc cổ, Đánh giá môi trường di tích, Vinh quy bái tổ, Khám phá bia Tiến sĩ, Sách và mộc bản, Ơ kìa con nghê…. Mỗi chủ đề là một bài học về di sản sinh động và mang nhiều ý nghĩa.

{keywords}
Học sinh đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thể học nhiều khía cạnh về lịch sử, truyền thống hiếu học, kiến trúc, mỹ thuật, phong tục tập quán.

TS. Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, một trong những chuyên gia tư vấn cho chương trình ngay từ những ngày đầu tiên xây dựng, cho biết: “UNESCO khuyến nghị các cơ quan di sản văn hóa phải trở thành nơi cung cấp các cơ hội học tập suốt đời cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, tập trung vào ba trụ cột chính: kiến thức, kỹ năng và năng lực. Các chương trình giáo dục di sản văn hóa tạo ra các kênh kết nối giá trị, ý nghĩa và nội dung của di sản văn hóa với công chúng, thu hút sự quan tâm của họ”.

Các hoạt động giáo dục di sản theo phương pháp mới tại di tích chú trọng tăng cường các hoạt động trải nghiệm, tương tác. Học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm mang tính chủ động, tích cực, sáng tạo thông qua một khung chương trình do cán bộ di tích thiết kế theo 3 bước:

Trước tham quan là hoạt động do giáo viên tổ chức tại lớp học, giúp học sinh chuẩn bị các thông tin (về di tích) trước chuyến thăm quan, trải nghiệm tại di tích; gắn kết di sản với chương trình của học sinh.

Trong tham quan là hoạt động tại di tích: cán bộ giáo dục hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động trải nghiệm đã được thiết kế theo chủ đề.

Sau tham quan: Học sinh sẽ tự sáng tạo những sản phẩm của mình từ những kiến thức đã thu nhận được tại di tích. Đây là hoạt động đòi hỏi sự sáng tạo của cả học sinh và thầy cô giáo. Giáo viên định hướng và khéo léo, linh hoạt bố trí, sắp xếp đủ thời gian để giúp học sinh có được những sản phẩm sáng tạo sau một chuyến thăm quan trải nghiệm.

Sau khi đưa học sinh tham gia “Chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cô giáo Trần Thị Huyền Nhung, Tổng phụ trách trường tiểu học Phan Chu Trinh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Với chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới, mỗi chủ đề trải nghiệm đều có phần tài liệu dành cho giáo viên, đảm bảo thông tin có tính chính xác cao, các thuật ngữ chuyên ngành trong di tích, trong chủ đề cũng được giải thích rõ ràng, dễ hiểu... Điều này giúp chương trình hướng dẫn cho học sinh của giáo viên bài bản và hiệu quả hơn”.

{keywords}
Phòng trưng bày các sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám giới thiệu những quà lưu niệm được thiết kế công phu và chế tác bởi các nghệ nhân của các làng nghề của Thủ đô Hà Nội.

Phòng trưng bày các sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám giới thiệu những quà lưu niệm được thiết kế công phu và chế tác bởi các nghệ nhân của các làng nghề của Thủ đô Hà Nội. Triển khai các nhiệm vụ của Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và hưởng ứng sự kiện Hà Nội tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã phối hợp với các nhà thiết kế, các nghệ nhân, làng nghề của Thủ đô Hà Nội nghiên cứu, thiết kế và sản xuất 25 sản phẩm quà lưu niệm với 44 mẫu của Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Các sản phẩm được thiết kế theo hướng làm nổi bật các giá trị của di tích, cả về lịch sử, giáo dục, kiến trúc, thẩm mỹ…; có tính ứng dụng cao; kết hợp giữa yếu tố hiện đại của công nghệ và giá trị thẩm mỹ cuả văn hóa truyền thống. Đặc biệt, các sản phẩm được sản xuất từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đến từ các làng nghề của Hà Nội, chất liệu thân thiện với môi trường.

Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm: Đây là những bước đi đầu tiên của Văn Miếu – Quốc Tử Giám để hướng tới gắn di sản với phát triển du lịch bền vững, làm cho di sản mang hơi thở cuộc sống đương đại và trở thành một trung tâm sáng tạo văn hóa. 

Tình Lê