Lễ ra mắt nền tảng điều phối xử lý sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia được tổ chức trong khuôn khổ hội thảo và triển lãm quốc tế về an toàn không gian mạng Việt Nam - Vietnam Security Summit 2022 có chủ đề “An toàn thông tin cho nền tảng số quốc gia: Kiến tạo tương lai số bền vững”, diễn ra sáng ngày 23/6 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng và các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt Nền tảng điều phối xử lý sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia. |
Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Việt nam được cho ra đời sau Quyết định 05 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, mạng lưới đã có hơn 220 thành viên bao gồm các đơn vị chuyên trách về ứng cứu sự cố và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan trên toàn quốc.
Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện Cục An toàn thông tin, hoạt động của mạng lưới hiện còn chưa thực sự hiệu quả, thiếu tính gắn kết và chia sẻ thông tin lẫn nhau. Năng lực các đội ứng cứu sự cố của đa số cơ quan nhà nước còn thấp, chưa có khả năng phản ứng nhanh, kịp thời trước các nguy cơ, mối đe dọa từ không gian mạng.
Để hỗ trợ nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT vừa chính thức cho ra mắt, đưa vào vận hành Nền tảng điều phối xử lý sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia.
Trong phát biểu khai mạc Vietnam Security Summit 2022, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng bày tỏ hy vọng rằng, nền tảng điều phối xử lý sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia đi vào sử dụng sẽ đóng góp tích cực cho công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia, là địa chỉ uy tín để các cơ quan, tổ chức tìm đến khi gặp sự cố an toàn thông tin mạng.
“Đây hy vọng cũng trở thành một ví dụ tốt về việc triển khai, sử dụng nền tảng. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia sử dụng ngay, miễn phí nền tảng này để phục vụ cho công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chia sẻ.
Thông tin với ICTnews, đại diện VNCERT/CC cho hay, nền tảng điều phối xử lý sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia ra đời sẽ giúp Cục An toàn thông tin, trực tiếp là VNCERT/CC thực hiện hoạt động điều phối các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan xử lý sự cố kịp thời, hiệu quả và quản lý, theo dõi tập trung tình hình liên quan tới các sự cố an toàn thông tin.
Nền tảng cũng hỗ trợ các thành viên mạng lưới tiếp cận thông tin liên quan đến các nguy cơ, mối đe doạ được chia sẻ từ Cục An toàn thông tin một cách kịp thời. Đồng thời, qua nền tảng này, các đội ứng cứu sự cố của các đơn vị thành viên mạng lưới có thể tiếp nhận, báo cáo, chia sẻ thông tin về sự cố và tổ chức xử lý sự cố trong nội bộ mình hiệu quả, tiện lợi.
Cùng với đó, thông qua nền tảng số này, những dữ liệu, tri thức liên quan đến các chiến dịch tấn công mạng, lỗ hổng bảo mật, các hành vi mã độc cũng sẽ được chia sẻ tới toàn bộ thành viên mạng lưới một cách nhanh chóng, đồng bộ, giúp các thành viên cập nhật kịp thời các lỗ hổng bảo mật, chiến dịch tấn công mạng để theo dõi và có biện pháp xử lý.
Đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, ứng cứu sự cố từ lâu được xem là chốt chặn cuối cùng của an toàn thông tin, khi tất cả các biện pháp phòng thủ bị chọc thủng bởi các cuộc tấn công mạng. Kinh nghiệm từ các cuộc điều tra xâm nhập dữ liệu cho thấy, nếu hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng được tổ chức tốt sẽ giúp các cơ quan, doanh nghiệp giảm thiểu tối đa thiệt hại ngay cả khi xảy ra sự cố nghiêm trọng.
“Việc ra đời, đi vào vận hành của Nền tảng điều phối xử lý sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia sẽ thúc đẩy mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia hoạt động hiệu quả và chuyên nghiệp hơn; đồng thời cũng tăng cường sự gắn kết, chia sẻ thông tin, sẵn sàng phản ứng nhanh, kịp thời khi sự cố xảy ra”, đại diện Cục An toàn thông tin chia sẻ.
Vân Anh
Đề xuất thiết lập mô hình VN-ISAC chia sẻ thông tin trong mạng lưới ứng cứu sự cố
Các chuyên gia cần thiết xây dựng mô hình VN-ISAC dành riêng cho mạng lưới ứng cứu sợ cố an toàn thông tin mạng Việt Nam để giúp chia sẻ thông tin về toàn bộ nguy cơ trong mạng lưới một cách an toàn và hiệu quả.