Hướng tới “sự tự do” cho người học trong tương lai

Trung tâm EdTech được xây dựng với mô hình hoạt động mở, khuyến khích các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước triển khai các nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực chuyển đổi số giáo dục.

{keywords}
Các đại biểu cắt băng khánh thành Trung tâm EdTech (Ảnh: HUST CCPR)

Phát biểu tại sự kiện ra mắt Trung tâm EdTech ngày 1/6, Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Việc thành lập Trung tâm công nghệ và chuyển đổi số trong giáo dục Edtech thể hiện quyết tâm của nhà trường trong việc chuyển đổi số trong giáo dục. Trung tâm hội tụ nhiều thế mạnh và cơ hội phát triển mạnh mẽ. Tôi mong rằng Trung tâm sẽ phối hợp với các phòng ban khác trong trường để đẩy mạnh nhiệm vụ chuyển đổi số của trường nói riêng và chuyển đổi số trong giáo dục nói chung”.

{keywords}
Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng cho rằng, Trung tâm EdTech hội tụ nhiều thế mạnh và cơ hội phát triển mạnh mẽ. (Ảnh: HUST CCPR)

Ông Kobayashi Taihei, CEO Sun Asterisk nhấn mạnh, đưa CNTT vào trong giảng dạy và học tập là một nhiệm vụ không thể thiếu.

{keywords}
Ông Taihei Kobayashi, CEO Sun Asterisk tại sự kiện ra mắt Trung tâm EdTech. (Ảnh: HUST CCPR)

Theo phân tích của ông Kobayashi Taihei, phương pháp giáo dục truyền thống mất nhiều chi phí và thời gian. Việc tất cả học sinh cùng đồng thời học một chương trình học, với những bài giảng giống nhau, không phân biệt cá tính, năng lực, nhận thức có phải là một chương trình đào tạo hiệu quả? Với sức mạnh của CNTT, chúng ta sẽ dần dần thay đổi điều này. Đó sẽ là lúc mỗi học viên, tùy vào mong muốn, nguyện vọng, trình độ, đam mê có thể tự tạo ra lộ trình học tập riêng. Điều quan trọng ở đây là sự tự do của người học, họ có thể chọn lĩnh vực mình đam mê, chọn thời gian, chọn thầy để học...

“Sự kết hợp giữa Sun* và Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những bước hiện thực hóa “sự tự do” của người học trong tương lai, mang lại hiệu quả tích cực trong giáo dục”, ông Kobayashi Taihei chia sẻ.

Tiến sĩ Phạm Huy Hoàng, Giám đốc Trung tâm EdTech cho biết, phạm vi hợp tác giữa Sun* và Đại học Bách khoa Hà Nội bao gồm việc thành lập Trung tâm EdTech tại Đại học Bách khoa Hà Nội để cung cấp các công nghệ, giải pháp và sản phẩm tiên tiến có sẵn cho giáo dục đại học và sau đại học.

Cùng với đó, sẽ xây dựng các nhóm nghiên cứu để thực hiện các đề tài nghiên cứu do Sun* và trường CNTT&TT thuôc Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất; phát triển các nền tảng EdTech hỗ trợ các chương trình đào tạo ICT, mở rộng sang các lĩnh vực khác.

Đầu tư hơn 1,5 triệu USD phát triển công nghệ trong giáo dục

Ngoài kinh phí đối ứng và cơ sở vật chất của Đại học Bách khoa Hà Nội, tổng số tiền đầu tư của dự án hợp tác giữa Sun* và nhà trường, theo biên bản ghi nhớ hợp tác, là hơn 1,5 triệu USD (khoảng 35 tỷ đồng).

Sản phẩm bước đầu đã triển khai là hệ thống quản trị đại học trực tuyến eHUST và hệ thống MOOC daotao.ai. Trong đó, eHUST là hệ thống quản lý giáo dục trực tuyến, đang được vận hành và phát triển tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Hệ thống cung cấp dịch vụ trực tuyến, quản lý sinh viên, quản lý giảng dạy, quản lý đào tạo, quản lý cán bộ, công tác sinh viên... MOOC daotao.ai là hệ thống đào tạo online quy mô lớn, đã được thử nghiệm đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về giáo dục trên không gian số.

Thời gian tới, Trung tâm EdTech sẽ tiếp tục phát triển các hệ thống trên và thêm các hạng mục về: nhận dạng hành vi người học, người thi sử dụng AI với dòng video; phát triển module hỗ trợ hình thức thi trực tuyến có giám thị tự động; ứng dụng các công nghệ thực tại ảo (Virtual Reality) vào các môn học cần tương tác trực quan 3D; tư vấn người học dựa trên phân tích dữ liệu lớn; trợ giúp ra đề thi tự động theo yêu cầu người dùng.

{keywords}
Lãnh đạo trường Đại học Bách khoa Hà Nội trao quyết định bổ nhiệm cho Tiến sĩ Phạm Huy Hoàng (giữa), Giám đốc Trung tâm EdTech (Ảnh: HUST CCPR)

Trung tâm Edtech tại Đại học Bách khoa Hà Nội tới đây sẽ tập trung phát triển hoàn thiện hệ thống eHUST, áp dụng cho các hoạt động quản lý và vận hành nhà trường, mở rộng cho các trường đại học khác. Mục tiêu đặt ra là đến cuối 2023, trên 90% dịch vụ tương đương dịch vụ công trực tuyến mức 4; trên 90% hồ sơ công việc các cấp trên môi trường số.

Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ phát triển và vận hành MOOC daotao.ai để trở thành nền tảng MOOC của Việt Nam, với sự tham gia của các trường đại học khác. Xây dựng các nội dung đào tạo cho ngành CNTT định hướng Nhật Bản và triển khai cho chương trình đào tạo Việt Nhật cũng như các chương trình khác (HEDSPI 2.0); thành lập Công ty nhỏ, Spin-off cung cấp nền tảng dịch vụ đào tạo dựa trên eHUST và MOOC...

Vân Anh

Chủ tịch VIA: Việt Nam là điểm sáng trong phát triển công nghệ giáo dục 4.0

Chủ tịch VIA: Việt Nam là điểm sáng trong phát triển công nghệ giáo dục 4.0

Nhận định Việt Nam là điểm sáng trong phát triển công nghệ giáo dục 4.0, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) Vũ Hoàng Liên cho rằng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội đẩy nhanh chuyển đổi số giáo dục cũng như thúc đẩy thị trường Edtech.