Thông thường, thời điểm này hằng năm Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ chuẩn bị nhóm họp bàn về mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm tiếp theo theo quy định của Bộ Luật Lao động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc này có thể bị chậm lại. Luật cũng không quy định tăng lương tối thiểu khi nào, chỉ căn cứ theo tình hình kinh tế - xã hội để quyết định.
Dù vậy, để có cơ sở đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng thời gian tới, đặc biệt là năm 2022, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá việc thực hiện lương tối thiểu vùng thời gian qua.
Trong đó, Bộ LĐ-TB&XH đặc biệt lưu ý địa phương đánh giá khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động về trả lương tối thiểu vùng trong bối cảnh dịch COVID-19.
Bắt đầu rà soát, đánh giá về lương tối thiểu vùng để bàn tính cho năm sau. |
Trước đó, năm 2020, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã quyết định chưa tăng lương tối thiểu vùng năm 2021, do nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thay vào đó, việc xem xét tiền lương tối thiểu vùng sẽ nối lại vào nửa cuối năm. Tuy nhiên, tới nay dịch bệnh tại Việt Nam còn phức tạp, và ảnh hưởng tới nền kinh tế hơn năm 2020, và rất khó đoán cho giai đoạn nửa cuối năm 2021.
Do đó, Bộ LĐ-TB&XH nhận thấy, việc không tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2021 là phù hợp. Qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, người lao động duy trì việc làm trong bối cảnh dịch COVID-19; và lương tối thiểu vùng cũng tăng liên tục 13 năm vừa qua.
Mức lương tối thiểu vùng hiện nay được áp dụng từ đầu năm 2020, cụ thể: vùng 1 lương tối thiểu là 4,42 triệu đồng/tháng; vùng 2: 3,92 triệu đồng/tháng; vùng 3: 3,43 triệu đồng/tháng và vùng 4: 3,07 triệu đồng/tháng.
Hiện dịch COVID-19 tiếp tục tác động mạnh lên sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lao động thất nghiệp, mất việc làm có thể tăng cao trong thời gian tới. Với đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, dịch bệnh đã lây lan vào khu công nghiệp, một số khu công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh phải tạm đóng cửa để phòng dịch.
(Theo Tiền Phong)
Đề xuất mức đóng bảo hiểm xã hội trên căn cứ lương tối thiểu bằng 70% thu nhập
Nhiều doanh nghiệp chỉ xây dựng thang lương, bảng lương để đóng bảo hiểm xã hội bằng mức thấp nhất, cố tình lách để giảm bớt phần trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp...