Quốc hội sáng 27/5 thảo luận tại hội trường về dự án Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Có 24 ý kiến phát biểu và 4 ý kiến tranh luận, có nhiều góp ý cụ thể xuất phát từ thực tiễn.
Điều 9 của dự thảo luật quy định rõ về hình thức khen thưởng, bao gồm: Huân chương, Huy chương; Danh hiệu vinh dự nhà nước; “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”; Kỷ niệm chương; Bằng khen; Giấy khen.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết, tại phiên họp tổ, ông đã phát biểu về hình thức khen thưởng đó là thư khen của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với những trường hợp cần có sự động viên, khen thưởng kịp thời.
Ông dẫn chứng ở các nước, học sinh cũng được lãnh đạo, Tổng thống, Thủ tướng gửi thư khen kịp thời khi có thành tích xuất sắc.
"Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam rất cần hình thức này, nếu bản thân tôi hay con cháu của tôi có thành tích nhận được thư khen quả thực rất tuyệt vời, vì các cháu sẽ phấn đấu và làm tốt hơn và không cần phải làm hồ sơ thi đua khen thưởng gì cả", ông Ngân bày tỏ.
Ông đề xuất tại Quốc hội, nếu như trong kỳ họp này mà ĐBQH được Chủ tịch Quốc hội tặng thư khen thì "rất là tuyệt vời". Đó là khi trong một kỳ họp mà ĐBQH tham gia thảo luận chuyên môn sâu, đóng góp nhiều trí tuệ hoặc đưa ra sáng kiến được Quốc hội nhìn nhận. Ông nhấn mạnh, việc ĐBQH nhận được một thư khen thì ĐBQH sẽ năng nổ, làm việc nhiều hơn và dành thời gian, công sức hơn.
"Và chỉ cần một thư khen thôi không cần thưởng" ĐB TP.HCM nói về đề nghị dự thảo luật bổ sung thêm hình thức thư khen.
Trong báo cáo giải trình của cơ quan soạn thảo đã lý giải hình thức thư khen là hợp lý nhưng cần chờ đánh giá tác động, có thể bổ sung vào nhiệm kỳ sau. Ông Ngân cho rằng nên làm luôn, vì điều này phù hợp, "động viên mà không tốn kém gì cả, chỉ một chữ ký của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội…".
Và ông rất mong lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi nhiều thư khen hơn cho các cá nhân có thành tích, như thế sẽ đẩy mạnh hơn phong trào thi đua.
Phát biểu sau đó, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ đồng ý với ĐB Trần Hoàng Ngân, ông đánh giá "thư khen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là hết sức cao quý, là sự động viên lớn nên rất cần đưa vào luật này".
ĐBQH từng từ chối danh hiệu Gia đình văn hóa
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho biết tại các phiên thảo luận về dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh phải đảm bảo bao quát hết các đối tượng được khen thưởng. Tuy nhiên, ông Tám cho biết, khi quy định các hình thức khen thưởng như Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thì dự thảo Luật chưa bao quát hết các đối tượng là người trực tiếp lao động sản kinh doanh.
Luật mới chỉ quy định tặng cho công nhân, nông nhân, trí thức, nhà khoa học, doanh nhân mà lại không có đối tượng là những người trực tiếp sản xuất kinh doanh khác. Những người sản xuất kinh doanh khác, ví dụ như những tiểu thương, tiểu chủ là những người buôn bán nhỏ…họ không phải là công nhân, nông dân mà họ thuộc là doanh nhân, thuộc nhóm là những người lao động khác, như vậy đã bỏ sót nhóm đối tượng này.
Do vậy, ông đề nghị bổ sung thêm “những người lao động khác” để bao quát hết các đối tượng.
Về điều kiện tiêu chuẩn khen thưởng giải thưởng thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước trong dự thảo luật không có quy định “Trung thành với Tổ quốc”. Trong khi danh hiệu từ Anh hùng Lao động đến các danh hiệu Nghệ nhân, Nghệ sĩ…đều có tiêu chuẩn là Trung thành với Tổ quốc.
Ông đặt vấn đề, "Có những cá nhân có đủ điều kiện thành tích đạt giải thưởng nhưng họ không trung thành với Tổ quốc, phản bội lại Tổ quốc, phản bội lại dân tộc, xuyên tạc tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì như vậy có nên xét tặng các giải thưởng không. Tôi nghĩ không nên".
Ông đề nghị bổ sung thêm tiêu chuẩn “Trung thành với Tổ quốc” với các hình thức khen thưởng này.
Còn ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhận định, các danh hiệu từ cá nhân đến tập thể, từ phạm vi xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố đến gia đình đều nhằm mục đích ghi nhận thành tích, công trạng của mỗi người, cơ quan, đơn vị.
Ông bày tỏ: "Điều cốt lõi và căn cơ nhất cho mỗi cá nhân có thể trở thành công dân có ích cho xã hội, không gì khác ngoài gia đình nơi dưỡng dục, hình thành nhân cách con người để tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà mục tiêu của Luật thi đua, khen thưởng đề ra".
Tuy nhiên, các quy định về tiêu chuẩn danh hiệu Gia đình văn hóa theo ông còn chưa rõ ràng. Đó là về tiêu chuẩn danh hiệu Gia đình văn hóa sẽ là một thách thức không hề nhỏ khi triển khai thực tế, khi một trong những tiêu chuẩn của danh hiệu này là gia đình có kinh tế ổn định và phát triển.
Ông phân tích: "Làm thế nào để lượng hóa tiêu chuẩn có kinh tế ổn định và phát triển hay thang mức nào để làm cơ sở tham chiếu để xác định một gia đình có kinh tế ổn định và phát triển, gia đình thu nhập tăng lên có thể được xem là một trong những cơ sở tham chiếu cho quy định trên....Đối với hơn 1 triệu hộ gia đình nghèo, cận nghèo có đời sống kinh tế bấp bênh cũng như đời sống dân cư, địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa thì quy định này được hiểu thế nào?".
Ngoài ra, tình trạng tái nghèo vẫn còn rất cao, cùng với sự chông chênh, khó đoán định của hoàn cảnh khách quan đặc biệt thời kỳ đại địch vừa qua.
ĐB thừa nhận, quy định có kinh tế ổn định và phát triển được xem là một chủ ý tốt nhưng xã hội vẫn còn những nhóm yếu thế thì quy định này không những khó lượng hóa mà còn không thể bao trùm và công bằng cho toàn bộ các đối tượng. Do đó, ĐB đề nghị không chế định nội dung có kinh tế ổn định và phát triển thành tiêu chuẩn của danh hiệu Gia đình văn hóa.
Khởi nguồn của phong trào gia đình văn hóa là những giao ước tự nguyện thi đua xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc bằng nhiều việc làm chỉ dựa vào sở trường, thế mạnh của 6 gia đình của thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Lâm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên từ những năm 60 của thế kỷ trước. Có hộ đã ươm trồng vườn nhãn phân phát cho bà con làng xóm hay có hộ mà các thành viên biết chơi một số nhạc cụ dân tộc đã đứng ra thành lập hội văn nghệ của thôn…ở đó mỗi gia đình, mỗi người gắn kết, yêu thương lẫn nhau.
ĐB nêu và nhấn mạnh liệu đây có phải những giá trị cốt lõi nhất của gia đình văn hóa mà luật và cơ quan soạn thảo đang muốn hay không.
Ông Nhân cũng băn khoăn khi nói về đời đời sống công nghiệp, các đô thị phát triển, "mỗi gia đình đều đóng cửa yên ắng sau giờ làm" thì việc quy định như dự thảo luật "thường xuyên tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng" sẽ thực hiện như thế nào.
Nếu chỉ dựa vào số tiền, vật chất đóng góp lúc khó khăn mà không phải sự chia sẻ, giao tiếp để lắng nghe thì việc tương trợ, giúp đỡ lâu dần “chỉ mang tính nghĩa vụ, làm cho xong chuyện” hơn là nuôi dưỡng lòng trắc ẩn.
Khi bàn về danh hiệu Gia đình văn hóa, ông Nhân nhắc lại câu chuyện của một ĐBQH khóa XIV đã thẳng thừng từ chối danh hiệu này.
Ông cho hay: "Đây không còn là chuyện riêng của ĐBQH đó nữa, bởi trong quá trình tham vấn chính sách về thực hiện dân chủ cơ sở, sự quan tâm của xã hội với danh hiệu vốn dĩ rất cao quý này ít nhiều bớt đi hay không ít câu chuyện cười ra nước với các gia đình nhận danh hiệu Gia đình văn hóa phần nào cho thấy cách làm thiếu chặt chẽ công khai, dân chủ chưa bám sát tiêu chuẩn…"
Trần Thường - Thu Hằng
Cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá cần được khen thưởng
Đại biểu Quốc hội đề xuất như vậy khi góp ý vào dự thảo Luật thi đua khen thưởng (sửa đổi) tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 28/3.
Làm rõ hơn nữa nguyên tắc 'thành tích tới đâu, khen thưởng tới đó"
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tới đây, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung để đảm bảo quán triệt được đầy đủ, rõ hơn nguyên tắc "thành tích tới đâu, khen thưởng tới đó".
Khắc phục tính hình thức, 'chạy' khen thưởng, 'chạy' danh hiệu
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần "đảm bảo công khai, minh bạch, khắc phục chuyện trong thi đua khen thưởng cũng 'chạy'. 'Chạy' danh hiệu, 'chạy' bằng khen, giấy khen, 'chạy' anh hùng".
Tôn vinh sao lại phải viết báo cáo thành tích?
ĐBQH cho rằng, chỉ khi nào nhà nước với đầy đủ công cụ quản lý được giao, thực hiện việc tôn vinh mà không yêu cầu cá nhân viết báo cáo thành tích thì khi đó mới bảo đảm ý nghĩa biểu dương.