- Tuần qua, người tiêu dùng choáng váng khi biết tin cá ướp phoóc môn, đậu phụ tẩy trắng bằng thuốc gây ung thư, rau tươi nhờ phân và nước thải, cà phê thơm nhờ kháng sinh sốt rét...
Rau ngon nhờ phân tươi và nước thải
Mặc dù thời tiết năm nay rất thuận lợi để rau phát triển nhưng vì lợi ích kinh tế để giảm thiểu chi phí chăm sóc, đỡ tốn sức đi xa gánh nước, người trồng rau ở Thường Tín (Hà Nội) đã không ngần ngại sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn, đó là phân lợn, phân gà và cả... phân người (phân bắc), nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi lợn từ bờ mương cạnh ruộng.
Phân chủ yếu được mua từ các trại nuôi lợn, nuôi gà, giá hiện tại là 10.000 đồng/bao và mang thẳng ra ruộng để tưới luôn. Nhiều nhà còn không xây nhà vệ sinh tự hoại để tích phân lại có cái bón cho rau. Còn nước tưới rau được lấy từ nguồn nuốc thải từ nước tiểu, nước cọ chuồng.
Vì lợi ích kinh tế, người trồng rau đã vô tư sử dụng phân tươi, phân bắc, thuốc kích thích để tưới rau |
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như nhiễm ký sinh trùng, viêm nhiễm đường tiêu hoá, bệnh giun sán, nhiễm độc thuốc trừ sâu cấp và mãn tính. Thế nhưng, người trồng rau thì cho rằng dùng thuốc kích siêu tốc mới sợ chứ dùng phân chuồng thì tuyệt đối an toàn...
Cá khoai ướp phoóc môn
Gần đây, cá khoai trở thành đặc sản, do dễ ăn lại có tác dụng giải rượu. Cá khoai được bán với giá 130.000-150.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với thời điểm trước khi nắng lên.
Mặc dù được ưa chuộng và bán chạy trên thị trường nhưng cá khoai có thân mềm nên dễ ôi, ươn nên để bảo quản cá khoai, nhiều gian thương đã ướp cá bằng chất cấm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Để bảo quản cá khoai, nhiều gian thương đã ướp cá bằng chất cấm |
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học & Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, formaldehyde - chất dùng để bảo quản cá khoai là chất cấm dùng trong bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, vì lý do lợi nhuận, một số tiểu thương đã lén lút dùng để ướp thực phẩm để tránh ôi, ươn. Formaldehyde là chất rất độc, nguy hiểm cho con người, hàm lượng nhiều có thể gây chết người nhưng nếu ăn hàm lượng thấp, chất này tích tụ trong cơ thể có thể gây ung thư, kích ứng da, gây bệnh đường thở, đường tiêu hóa...
Nước tăng lực toàn đường và caffein
Nước tăng lực luôn là thức uống yêu thích của nhiều người từ thanh thiếu niên đến tài xế, dân nhậu bởi chúng có tác dụng chống lại cơn buồn ngủ, giúp tinh thần tinh tảo, hưng phấn.
Trái ngược với công dụng thần kì được nhắc đến trong quảng cáo, nước tăng lực thực chất chỉ là nước giải khát chứ chất kích thích với thành phần chủ yếu là caffeine và đường. Caffeine là chất kích thích thần kinh, vô hiệu hóa adenosine chống lại cơn buồn ngủ và đẩy mạnh hoạt động của adrenalin gây hưng phấn. Lượng caffeine cao có thể làm tăng huyết áp, hồi hộp và đi tiểu nhiều. Một lon nước tăng lực (250ml) có khoảng 80mg caffeine, nhiều gấp rưỡi ly càphê.
Nước tăng lực thực chất chỉ là nước giải khát chứ chất kích thích với thành phần chủ yếu là caffeine và đường |
Trong nước tăng lực đường là thứ duy nhất cung cấp năng lượng nhưng lại chẳng bổ béo gì bởi năng lượng trong đường chỉ là calo rỗng.
Cà phê thơm đậm nhờ kháng sinh chống sốt rét
Nếu như nước tăng lực có thành phần chính là caffeine thì những ly cà phê đen, đậm sánh lại được chế biến chủ yếu từ đậu nành, bắp, kí ninh (quinin - một loại kháng sinh chữa bệnh sốt rét).
Loại cà phê đang được nhiều hàng quán sử dụng được bán với giá phổ biến từ 45.000-60.000 đồng/kg. Thế nhưng, chủ một cơ sở sản xuất cà phê ở Buôn Ma Thuột cho biết, để làm ra một kg cà phê thật mất từ 1,6-1,8kg hạt cà phê nguyên liệu, giá hiện tại loại rẻ nhất (độ dài hạt hơn 5mm) cũng gần 40.000 đồng/kg. Cộng thêm chi phí rang xay, đóng gói, vận chuyển... , và cho dù lậu thuế, một kg cà phê thành phẩm đã ở mức từ 100.000-110.000 đồng. Dưới mức này một chút là pha trộn (thêm bắp, đậu) và dưới nữa là không cà phê.
Để biến một ký bắp, đậu nành thành cà phê cần tới 0,15 kg caramel. Caramel, ngoài chức năng tạo màu, vị, còn để át mùi đậu, bắp. Cộng thêm trộn đường hóa học giá rẻ của Trung Quốc. Lúc này, cà phê sẽ rất ngọt, nên phải dùng ký ninh để cân bằng vị vì ký ninh rất đắng.
Nước giải khát từ hóa chất
Thời điểm này, thời tiết Sài Gòn đang trở nên oi bức, cũng là thời cơ thuận lợi đủ loại hóa chất, hương liệu ở chợ Kim Biên xâm nhập vào các hàng nước vỉa hè để giải nhiệt cho người đi đường.
Chỉ cần bỏ ra 30.000 đồng có thể pha được cả chục thùng nước sâm. Một vốn không chỉ bốn lời mà lãi gấp cả chục lần.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đa phần thức uống lề đường không được kiểm soát về chất lượng, người bán sử dụng nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng, hóa chất cấm hoặc hóa chất không dùng trong thực phẩm.Thường các chất tạo màu, tạo mùi dùng trong công nghiệp chứa nhiều tạp chất và kim loại nặng; khi dùng trong thức ăn, thức uống sẽ tích tụ trong cơ thể, lâu ngày gây ngộ độc mãn tính và có thể dẫn đến ung thư.
Đậu hũ tẩy trắng bằng thuốc gây ung thư
Tuần qua, cơ quan chức năng TP. Cần Thơ vừa phát hiện và xử phạt một cơ sở sản xuất đậu hũ do sử dụng hóa chất, phụ gia không đảm bảo an toàn thực phẩm để sản xuất đậu hũ, khiến đậu phụ tăng sản lượng và dai hơn. Những hóa chất này sẽ được trộn lần lượt tùy vào từng công đoạn chế biến để có thể phát huy hết tác dụng của chúng.
Đặc biệt, trong các chất nguy hiểm bị phát hiện có chất Hydro Sulfite - tẩy trắng dệt nhuộm có thể gây bệnh ung thư, hen suyễn, những chứng bệnh về hô hấp, và thậm chí nó còn gây ngộ độc lên hệ thần kinh ngoại biên và thần kinh trung ương.
Ăn thịt chó bắt trộm, hiểm họa thuốc Tàu cực độc
Phần lớn lượng thịt chó tiêu thụ trên thị trường đều có nguồn gốc từ chó bắt trộm. Mỗi đêm, một "lò chó" giết mổ vài chục con nhưng không ai quản lý, kiểm tra và từ đây, không biết đã có bao nhiêu con chó bị thuốc, bị bắn trộm được mang đi tiêu thụ ở các quán nhậu, quầy bán thịt lẻ ven đường.
Thực khách khi thưởng thức món thịt chó bắt trộm phải đối mặt với nguy cơ tổn hại sức khỏe bởi loại thuốc mà các đối tượng trộm chó sử dụng thường là thuốc cực độc do Trung Quốc sản xuất. Sau khi ăn vào, chó chết ngay tại chỗ và lượng thuốc độc tồn trong cơ thể chúng sẽ gây nguy hại cho con người.
N.A (tổng hợp)