Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y huyện Văn Giang, Hưng Yên) cho biết, rau má là rau dại quen thuộc, được ăn hằng ngày ở một số vùng nông thôn.
Hiện nay, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng rau má chứa các axit amin, beta-carotene và hóa chất thực vật… giúp chống lão hóa, ngăn ngừa các bệnh mỡ máu, tim mạch.
Rau má còn được xếp vào các loại rau làm đẹp da, giúp bề mặt da săn chắc, thanh mát cơ thể, giúp mạch máu mềm, hạn chế tai biến do xơ vữa mạch máu gây ra. Rau má giúp nhanh lành vết thương ngoài da.
Trong thời kỳ nghèo khó, người dân khan hiếm thực phẩm đã chọn rau má chứ không phải loại khác vì cây lành tính, mọc dại nhiều.
Nhiều bài thuốc dân gian sử dụng rau má chữa bỏng, cải thiện suy giãn tĩnh mạch, phòng ngừa sa sút trí tuệ, chữa mụn nhọt, rôm sảy, nóng trong, đau bụng kinh.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ - Giảng viên Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, theo các sách thuốc cổ như Bản thảo cương mục, Dược tính luận, Nam dược thần hiệu, rau má có vị đắng, tính hàn, vào 3 kinh can, tỳ và thận, có công dụng thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu thũng giải độc, dùng chữa các chứng tiết tả mùa hè, bệnh lỵ, vàng da do thấp nhiệt, sỏi đường tiết niệu, bỏng, khái huyết, thổ huyết, đau mắt đỏ, dị ứng mẩn ngứa…
Bác sĩ Vũ cho biết thêm thực nghiệm trên chuột cho thấy rau má có tác dụng trấn tĩnh, an thần thông qua cơ chế tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương.
Rau má có tác dụng điều trị các vết thương ở da và niêm mạc do các saponin chứa trong dịch chiết kích thích quá trình sinh trưởng của tế bào da, làm tăng sinh mạng lưới huyết quản của tổ chức liên kết giúp cho các mô tái tạo nhanh chóng.
Bác sĩ Vũ khuyến cáo, rau má có tính lạnh nên những người hư hàn không nên dùng thường xuyên. Dù đó là loại rau lành tính nhưng bạn không nên lạm dụng, chỉ ăn từ 30-40g mỗi ngày. Rau má không phù hợp với người có thai, mắc bệnh gan, đái tháo đường, người đang uống thuốc an thần, trầm cảm. Không nên uống nước rau má hằng ngày thay nước lọc, không uống cùng các loại thuốc Tây.