Đối với những ai chưa có cơ hội để trải nghiệm The Evil Within, hoặc chỉ mới chơi được vài chapter đầu tiên, có thể họ sẽ thấy trò chơi này khá giống với một game kinh dị rất nổi tiếng và cực kỳ được yêu thích của Capcom: Resident Evil 4. Từ góc nhìn camera, cách nâng cấp vũ khí cho đến những lúc giáp mặt với kẻ thù, cùng nhiều thứ khác nữa, rõ ràng Shinji Mikami - cha đẻ của cả hai game đã đem lại được những trải nghiệm một thời của Resident Evil lên đứa con tinh thần mới nhất của ông

Liệu The Evil Within có hoàn toàn giống Resident Evil 4?

Thế nhưng, trong khi nhiều người nói rằng The Evil Within khá giống với Resident Evil 4, giữa hai game vẫn có những khác biệt nhất định, một vài cái có thể giúp game hay hơn trong khi những cái khác lại không được như vậy. Dưới đây là ba điểm khác biệt lớn nhất giữa Resident Evil 4 và The Evil Within.

Thế giới trong The Evil Within không có tính liền mạch và gắn kết

Quá trình của sự việc trong Resident Evil 4 diễn ra khá logic thông qua từng phần của game, và mỗi phần lại có sự liên kết chặt chẽ về mặt cốt truyện với những phần khác. Không có sự thay đổi bất ngờ, nhảy cóc nào diễn ra trong suốt câu chuyện. Chẳng hạn, người chơi bắt đầu từ một ngôi làng heo hút, đi qua nó, tìm thấy một nhà thờ, khám phá nơi này, đến một cái hồ lớn, đi qua bờ bên kia...mọi thứ cứ thế đi theo tuyến tính nhất định.

Tính liên kết giữa các phần của The Evil Within khá mờ nhạt nhưng cốt truyện vẫn hấp dẫn

Trong khi đó, ở The Evil Within, mỗi khu vực trong game lại tách biệt với các khu vực còn lại, chủ yếu là do thế giới trong The Evil Within được dựng lên bằng trí tưởng tượng và bị thao túng bởi nhân vật phản diện Ruvik. Điều đó khiến cho mỗi chapter của game giống như một câu chuyện biệt lập, không khỏi bị xé lẻ, tách ra khỏi một thế giới trong game lớn hơn. Có thể ý đồ của Tango Gameworks là như vậy, nhưng vô tình họ đã khiến cho câu chuyện rời rạc hơn và khó nắm bắt hơn, khiến game thủ cảm thấy "ức chế" hơn một chút.

Trong The Evil Within, game thủ tương tác với môi trường ít hơn

Mỗi địa điểm trong The Evil Within đều có thể khiến người chơi run lên vì căng thẳng và hồi hộp (thậm chí là sợ hãi). Người chơi chẳng thể biết trước được phía trước con đường có những gì, chuyện khủng khiếp gì sắp xảy ra. Dù vậy, niềm vui khám phá từng khu vực cũng chỉ đến thế là chấm hết. Trong The Evil Within có rất ít, thậm chí là không có sự tương tác đối với môi trường xung quanh. Những trò như đạp cầu thang, đẩy giá sách, phá cửa số chỉ có thể tìm thấy nhiều ở Resident Evil 4 chứ rất ít thể hiện ở "truyền nhân" của nó.

Mức tương tác với môi trường cao nhất của The Evil Within là với...bẫy, ngoài ra người chơi chỉ có thể quan sát những dấu hiệu xung quanh

Trong The Evil Within mức độ tương tác cao nhất chỉ là gỡ bẫy hoặc kích hoạt để tiêu diệt những quái vật đuổi theo mà thôi. Trò đấy có thể vui nhưng không bằng được hoạt cảnh trong Resident Evil 4: Người chơi tự nhốt mình trong một ngôi nhà để chống lại Dr. Salvador, bít hết mọi lối ra vào, lên tầng trên, đạp đổ cầu thang của bọn dân điên.

Cơ chế chiến đấu của The Evil Within có khác nhưng tốt hơn

Trong Resident Evil 4, mỗi pha headshot đem lại một cảm giác khá "chất", chỉ có điều làm như thế không phải là quá khó. Headshot trong The Evil Within vất vả hơn và mỗi lần hạ xong quái bằng cách này, người chơi cũng sẽ thấy thỏa mãn hơn. Một phần lý do của việc cơ chế chiến đấu trong The Evil Within được đánh giá cao hơn là vì số lượng các loại kẻ thù mà người chơi có thể bắt gặp cũng như các cách chiến đấu mà họ có thể sử dụng. Có thể cơ chế chiến đấu trong The Evil Within chưa đến mức bám sát thực tế nhất, nhưng khi game thủ đã hiểu hết được hiệu quả của từng loại vũ khí cũng như yếu điểm của từng kẻ thù, đối mặt với chúng không còn là ác mộng nữa và đôi lúc rất kích thích.

Cơ chế chiến đấu thay đổi khiến The Evil Within có phần "đã" hơn

Một vài trường hợp, chẳng hạn như chế tạo Flashbolt cho Agony Crossbow, thứ này có tác dụng giống như lựu đạn flashbang, có thể khiến bọn quái vật bị chói mắt và choáng, lợi dụng lúc này người chơi chạy lên và dùng dao để kết liễu chúng, đảm bảo lúc nào cũng có hiệu quả. Ngoài ra, game thủ cũng có thể dùng súng lục bắn vào chân một con quái vật nào đó khiến nó ngã, rồi ngay lập tức dùng diêm đốt nó, đó cũng là một cách tiêu diệt quái vật nhanh chóng, ít tốn đạn. Có thể The Evil Within không có những đòn tay chân hay headshot "đã" như Resident Evil 4, nhưng sự đơn giản và đa dạng trong chiến đấu của game chưa bao giờ làm người chơi hết ngạc nhiên.

Ngoài một vài khác biệt đã nêu ở trên, người chơi sẽ tìm thấy những lý do vì sao họ yêu thích Resident Evil 4 ở trong The Evil Within. Với nội dung câu chuyện hấp dẫn, cơ chế chiến đấu hoàn hảo, nâng cấp thực sự hiệu quả,The Evil Within ngày càng chiếm được cảm tình của người chơi. Nếu là fan của Resident Evil 4, game thủ không nên bỏ qua trò chơi này, có thể hơi mất thời gian để tìm cảm hứng, nhưng chắc chắn họ sẽ không bao giờ hết cảm hứng với The Evil Within.

 

Theo Gamethu