Thời gian qua, khi nhiệt độ tại các tỉnh phía Bắc xuống thấp, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Hà Nội), số ca bệnh cấp cứu tăng lên 40-50%, nhiều bệnh nhân nặng vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Điển hình là một bệnh nhân 77 tuổi (trú tại Long Biên, Hà Nội). Theo chia sẻ của con trai, buổi tối, trước khi đi ngủ, bệnh nhân vẫn khỏe mạnh bình thường. Sáng 27/1, khi gia đình đang chuẩn bị ăn sáng, cụ ông kêu đau đầu và nôn. Sau đó, bệnh nhân đột ngột mất ý thức. Người thân nhanh chóng gọi xe cấp cứu, đưa bệnh nhân vào viện. Bác sĩ chẩn đoán ông bị xuất huyết não. Hiện bệnh nhân phải điều trị tích cực, tiên lượng nặng.
Theo bác sĩ Bùi Tường Lân, Khoa Cấp cứu - Đột quỵ, Bênh viện Lão khoa Trung ương, bệnh nhân vào cấp cứu với các bệnh lý như tim mạch, đột quỵ, viêm phổi trong đó đột quỵ chiếm đa số. Khu vực dành cho người bệnh phải hồi sức tích cực có 12 giường thở máy thì có tới 8 ca đột quỵ. Bác sĩ Lân cho biết nhiều bệnh nhân vào viện chỉ có biểu hiện tăng huyết áp sau đó đột ngột trở nặng.
Bác sĩ Hà Vân Anh, Phụ trách Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết số bệnh nhân đến khám không tăng nhưng người nhập viện tăng lên rõ rệt. Nhiều người vào cấp cứu chỉ vì mệt mỏi, đau đầu nhưng khi thăm khám, bác sĩ phát hiện chỉ số huyết áp tăng rất cao.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết khi thời tiết lạnh, mạch máu có xu hướng co thắt lại nên dễ dẫn đến cơn tăng huyết áp. Ngoài ra, bệnh nhân cao tuổi còn có nguy cơ tắc mạch, cô đặc máu.
Trong thời gian tới, khi nhiệt độ tiếp tục xuống thấp, bác sĩ khuyến cáo người cao tuổi, người có bệnh nền cần giữ ấm cơ thể, nếu ra ngoài nên tránh khung giờ sáng sớm, tối, tập thể dục trong nhà thay vì ra ngoài trời.
Người tăng huyết áp, từng đột quỵ cần tuân thủ chế độ dự phòng bệnh suốt đời, khám theo lịch bác sĩ, bỏ thuốc lá, rượu, điều chỉnh chế độ ăn uống theo tư vấn của thầy thuốc. Khi phát hiện người đột quỵ cần nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế để được điều trị sớm nhất, hạn chế biến chứng.