Tờ Guardian (Anh) đã xem qua hơn 100 cuốn cẩm nang lưu hành nội bộ, bảng tính và biểu đồ, cho thấy những cách thức mà Facebook sử dụng để đối phó với các loại tin có nội dung nhạy cảm như bạo lực, phát ngôn gây tranh cãi, khủng bố, nội dung người lớn, phân biệt chủng tộc và tự làm bị thương bản thân.
Đặc biệt hơn, còn có cả hướng dẫn rõ ràng để giải quyết nội dung bán độ trong thể thao và ăn thịt đồng loại.
Tuy nhiên, có những luật lệ và quy tắc trong việc đăng bài trên Facebook bị bỏ qua, cho phép đăng tin sai sự thật (fake news) lên trang, tạo sức ép chính trị ở châu Âu và Mỹ lên chính Facebook.
Những khó khăn mà bộ phận duyệt bài của Facebook đang phải đối mặt rất đa dạng và đầy áp lực. Họ thường bị đè bẹp bởi khối lượng công việc quá lớn và bộ phận chỉ có "vỏn vẹn 10 giây" để đưa ra quyết định đăng lên hoặc bỏ đi.
"Facebook không thể tự nó kiểm soát nội dung nữa. Thông tin được cập nhật ngày càng nhiều, với tốc độ quá nhanh", một nguồn tin giấu tên cho biết.
Thành viên ban quản trị đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tính không đồng nhất và khác thường của một vài chính sách. Đặc biệt, những nội dung có tình tiết gợi dục là phức tạp và dễ gây hiểu lầm nhất.
Revenge Porn (tạm dịch: trả thù tình bằng hình ảnh khiêu dâm)
Chính sách hiện tại
Cấp độ cao: trả thù tình bằng hình ảnh khiêu dâm là chia sẻ công khai ảnh khỏa thân/bán khỏa thân của một cá nhân hoặc cố tình gửi tới người không có mong muốn xem nhằm mục đích làm đối phương xấu hổ và cảm thấy nhục nhã.
Tiêu chuẩn cấu thành việc lạm dụng:
Lạm dụng phát tán hình ảnh quan hệ thân mật của đối tượng với những tiêu chí sau:
-Hình ảnh bị gắn mác "revenge porn" phải đáp ứng 3 điều kiện sau:
1. Hình ảnh có nguồn từ một cá nhân. VÀ
2. Đối tượng trong ảnh phải khỏa thân hoặc bán khỏa thân hay có hành vi gợi dục. VÀ
3. Thiếu sự đồng thuận từ người nhận được nhận biết bởi:
- Lời văn đầy tính thù hận (lời bình, bình luận, tựa đề) HOẶC
- Từ nguồn không lệ thuộc (tin tức báo chí hoặc thiết bị truyền phát)
Một tài liệu cho biết Facebook thường phải nhận hơn 6.5 triệu báo cáo mỗi tuần liên quan tới các tài khoản giả mạo tiềm tàng, viết tắt là FNRP.
Chính sách kiểm duyệt của Facebook vẫn còn phải cải thiện khá nhiều để loại bỏ triệt để những nội dung thù địch, bạo lực và nhạy cảm.
Nhận xét có dòng "Ai đó bắn Trump" sẽ bị loại bỏ, bởi vì đây là hành vi được coi là xúc phạm tới tổng thống đương vị Donald Trump. Tuy nhiên, những nhận xét thậm chí sặc mùi bạo lực hơn như cách thức giết người hoặc chửi mắng ai đó lại được thông qua vì chúng được cho là không gây ra hiểm họa tiềm tàng.
Facebook cho rằng "không phải những nội dung bạo lực gây khó chịu tới người dùng nào cũng vi phạm quy chuẩn cộng đồng"
Facebook cho phép người dùng livestream việc tự hành hạ bản thân vì chính sách ghi rõ "không kiểm duyệt hay phạt người dùng đang sầu khổ" nhằm thông báo cho những người đang theo dõi ngăn chặn kịp thời.
Monika Bickert, trưởng ban quản lý chính sách toàn cầu của Facebook chia sẻ rằng việc đáp ứng tất cả nhu cầu của gần 2 tỷ người dùng là hầu như không thể.
"Chúng tôi đang phải duy trì một cộng đồng toàn cầu rất đa dạng và quy chuẩn về việc nên hay không chia sẻ nội dung thế nào thường khác nhau ở mỗi khu vực. Cho dù chúng tôi lập ra một quy định chặt chẽ thì vẫn có khá nhiều người vi phạm. Ví dụ, ranh giới giữa những nội dung châm biếm và đả kích thường rất mỏng manh." Monika chia sẻ
Hơn nữa, việc kiểm soát những chủ đề liên quan tới cái chết, hình ảnh lạm dụng trẻ em một cách không gợi dục và hành hạ động vật cũng gây nên nhiều tranh cãi giữa cộng đồng người dùng.
Facebook cho rằng: "Những video có nội dung cái chết ghê rợn tạo cảm giác khó chịu sẽ được gắn mác "gây khó chịu" và "chỉ lưu hành cho một số ít người dùng" nhưng không bị xóa đi, vì đây là nguồn thông tin có giá trị trong việc nâng cao nhận thức người dùng về việc tự hành hạ bản thân, bệnh lí thần kinh cũng như tội ác chiến tranh".
Những hình ảnh về việc lạm dụng người khác một cách không gợi dục và đánh đập trẻ em sẽ vẫn được giữ lại trừ khi đối tượng có xu hướng hưởng thụ việc hành hạ hoặc đó là một phần của nghi thức tà đạo. Nguồn thông tin kiểu này sẽ được cho phép chia sẻ rộng rãi để cho danh tính nạn nhân được mau chóng xác định và giải cứu kịp thời.
Mặt khác, hình ảnh bạo hành động vật vẫn được cho phép chia sẻ nhưng phải dán mác "gây phản cảm". Tuy nhiên, những nội dung ủng hộ việc bạo hành như lời bình hoặc bình luận sẽ được kiểm duyệt bỏ.
Tất cả hình ảnh khỏa thân nghệ thuật hoặc có hành động gợi dục được cho phép nếu như chúng do con người tạo ra, những hình ảnh có nội dung tương tự được tạo bởi các phần mềm sẽ bị cấm.
Facebook đã chỉnh sửa lại luật cho phép chia sẻ hình ảnh khỏa thân sau sự kiện kiểm duyệt xóa bỏ bức ảnh "Cô bé Napalm" vào năm ngoái. Cụ thể, những hình ảnh được cho là "hậu quả chiến tranh" được phép chia sẻ rộng rãi nhằm cho phép cộng đồng bàn tán về những chủ đề lịch sử và những vấn đề nóng bỏng hiện nay.
Tuy nhiên, mục đích giúp người dùng nâng cao nhận thức bằng những hình ảnh phản cảm đầy bạo lực dấy lên nhiều sự tranh cãi giữa cộng đồng người dùng Facebook toàn thế giới.
"Nếu bạn đang quản lý một cộng đồng mạng nhỏ có lượng người dùng cùng chung một mối quan tâm với mục đích chia sẻ và bàn tán về những chủ đề liên quan thì việc quản lý thông tin sẽ đơn giản hơn. Nhưng, Facebook lại là một trong những cộng đồng lớn nhất thế giới thì việc chia sẻ thông tin về những vấn đề nhạy cảm như vậy tạo nên nhiều tác động khó lường trước", Sarah T Roberts, một chuyên gia quản lý nội dung truyền thông phát biểu.
Theo Zing