Xu hướng thụ hưởng cuộc sống

Thời gian gần đây, những người có tích lũy tốt ở TP.HCM có xu hướng săn đất vùng cao nguyên hoặc vùng ven sông, biển để nghỉ dưỡng.

Rộ săn đất nghỉ dưỡng ven sông núi, view tiền tỷ 1

Một nhóm phụ nữ trẻ ở TP.HCM đi săn đất nghỉ dưỡng ở Lâm Đồng. Ảnh: Thảo Vương

Từ đầu năm tới nay, anh Tiến Bình mua 3 miếng đất. Một miếng view sông ở Đồng Nai, 2.000m2; một miếng view đồi ở Bảo Lộc và một view suối ở Lâm Hà. Bình quân mỗi miếng đất khoảng 1,5 tỷ đồng.

“Nhà có hai đứa con, mua cho mỗi đứa một căn, mình 1 căn để có chỗ đi lại”, anh Bình nói.

Thấy ảnh nhà đất của anh Tiến Bình “khoe” trên Facebook view đẹp , bạn bè nhắn tin hỏi ầm ầm. Vậy là kéo nhau đi coi đất, rủ rê nhau mua.

“Tới nay quanh miếng đất tôi mua đã có 3 - 4 anh em bạn bè cùng mua, ở Sài Gòn cũng hàng xóm mà lên Bảo Lộc cũng hàng xóm, vậy là yên tâm rồi.

Chúng tôi chọn mua ở Đồng Nai, Bảo Lộc, Lâm Hà vì nơi đây đường cao tốc đang làm, sắp làm, “tới cuối năm 2025 xe chạy ro ro”, anh Bình nói.

Mặt khác, đi về hướng cao nguyên khá tiện vì sân bay quốc tế Liên Khương hiện mỗi ngày có tới 5 - 6 chuyến bay của nhiều hãng. Ngay cả hướng Đắk Lắk, Pleiku cũng có sân bay, đi lại rất tiện.

Hay chị Phương Giang - người gốc Sài Gòn, khi thành phố giãn cách quá lâu do dịch Covid-19, cả gia đình đã chuyển lên Đà Lạt thuê một biệt thự để ở.

Những ngày tháng ở đây, vợ chồng lang thang vào các xóm làng, thích khí hậu và sự yên bình nên đã “xuống tiền” mua khu đất 4.000m2 để làm nhà vườn.

Hiện, chị đã chuyển hẳn về đây ở, chồng vẫn làm việc ở TP.HCM, cuối tuần về Đà Lạt.

Ngoài những người có điều kiện tốt, chủ động đi tìm đất nghỉ dưỡng về già, còn có những người ban đầu có ý định đi tìm đất mua để “sang đi bán lại” nhưng gặp đất đẹp, ưng ý cũng “xuống tiền” mua để ở.

Sau đó, họ còn rủ bạn bè cùng mua nên những người mua đất nghỉ dưỡng thường có hội.

Làm làng nghỉ dưỡng, homestay cho giới nhà giàu

Rộ săn đất nghỉ dưỡng ven sông núi, view tiền tỷ 2

Một khu nhà đất nghỉ dưỡng tuyệt đẹp ở TP Bảo Lộc của một nữ doanh nhân TP.HCM sinh năm 1987. Ảnh: Thảo Vương

Anh Lâm Thanh, một doanh nhân Sài Gòn sinh sống ở Đà Lạt đang có dự án làm khu du lịch nghỉ dưỡng gần 100ha ở vùng Lạc Dương, huyện giáp ranh TP Đà Lạt về phía Bắc.

Anh Thanh cho biết, đã “gom” từ cả chục năm nay, thuê thêm đất rừng để làm cảnh quan cho làng du lịch của mình. Những căn nhà trong làng này được cho thuê/bán tùy đối tác.

“Cuộc sống đang càng ngày tất bật. Một số người có tiền, có nhu cầu nghỉ ngơi, thụ hưởng cuộc sống nhưng không có điều kiện tổ chức. Và tôi sẽ làm thay phần việc đó”, anh Thanh nói về dịch vụ của mình.

Những địa danh du lịch lớn như Đà Lạt, Vũng Tàu hay Nha Trang dân Sài Gòn tìm tới rất nhiều.

Nhưng một xu hướng mới hơn, rất đang chú ý là một số người “tay ngang”, đang làm những ngành nghề chẳng liên quan đến du lịch hay địa ốc cũng nhảy vào thị trường này.

Họ thường tìm đến những vùng đất mới, hoang sơ và khai phá nét quyến rũ nơi này.

Chị Anh Phương, đang làm giám đốc marketing tại công ty tài chính ở TP.HCM với lương tháng rất cao bỗng nghỉ việc để về quê làm homestay ở Tây Ninh.

Một khu nghỉ dưỡng không quá lớn nhưng đủ rộng để bất kỳ một ai tới có thể hòa mình vào thiên nhiên và được sống cùng với người bản địa khi đặt chân đến vùng đất mới.

Khu nghỉ dưỡng được chăm chút từng vật dụng, đến từng ô cửa với không gian mở, sau 5 năm hoạt động đến nay được đánh giá là khu nghỉ dưỡng tuyệt với nhất ở Tây Ninh.

Hay anh Đặng Văn, một nhà báo ở TP.HCM, ngày nọ thôi viết lách và lên vùng núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) mua đất làm rẫy.

Sau một năm, vì rất yêu thích khí hậu, vùng đất và con người nơi đây, anh rủ bạn bè hùn hạp, mua hơn 30ha đất làm khu nghỉ dưỡng.

Anh Văn cho biết, đất mua là đất sạch, có sổ đỏ, đã làm việc với địa phương rất rõ ràng về việc xây dựng.

Dự tính của anh là làm từng khu nhà vườn một, mỗi khu chừng 3.000 - 4.000m2, trồng hoa lá cành, rau sạch, ao cá và một khu vườn cây ăn trái canh tác bằng phương pháp hữu cơ.

Khách hàng anh nhắm tới là những người có thu nhập tốt đang tìm nơi nghỉ dưỡng. Các khu nhà đất này sẽ được bán đứt cho khách hàng và doanh nghiệp của anh chịu trách nhiệm chăm sóc, bảo dưỡng.

Gần đây, các công ty BĐS vừa và nhỏ đã nhảy vào phân khúc này và đang âm thầm có một làn sóng mới trong thị trường BĐS.

Cẩn trọng kẻo sập bẫy “cò”

Khảo sát cho thấy, khu đất các nhà đầu tư lựa chọn mua thường là khu vực có hạ tầng, giao thông đang được quy hoạch.

Chẳng hạn như các cao tốc hướng TP.HCM - Đà Lạt là các đoạn Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương; ở Vũng Tàu là sân bay trực thăng Hồ Tràm; ở Nha Trang, Cam Ranh (Khánh Hòa) là cao tốc phía Đông từ TP.HCM đến tận Cam Ranh; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh), TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước…

Chính điều này làm thị trường đất nền, đất vườn ở các khu vực như Lâm Hà, Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng tăng vọt.

Trong cơn sốt, một số nơi đã xuất hiện tình trạng mua bán đất bát nháo, xẻ đường nội bộ phá hỏng quy hoạch và một số địa phương đang vào cuộc xử lý.

Mới đây nhất lãnh đạo TP Bảo Lộc cho biết, ở phường Lộc Phát và xã Đạm Bri đã xác minh được 14 khu đất với tổng diện tích hơn 641.000m2 đã được phân thành 473 thửa. Trong 14 khu đất, có 12 khu đất người dân tự ý mở đường sau đó nối với đường hiện hữu.

Chị Nguyệt Minh làm ở phòng kinh doanh một công ty vật liệu xây dựng tại TP.HCM cho biết, ước mơ có được miếng đất cho riêng mình từ lâu, lên mạng thấy rao bán đất ở Đà Lạt có 300 triệu đồng/1.000m2 nên quyết định chấp nhận mua, dù “giấy tay”.

Ông Đỗ Vũ, một chuyên gia kinh tế nhận định, hiện nay rất dễ có được các thông tin về đất nền giá rẻ vì được quảng cáo ở khắp nơi.

Trên các trang mạng rao bán, nói thẳng mua bán “đất giấy tờ tay” nên giá khá rẻ. Nếu không thận trọng người mua có nguy cơ mất trắng vì một lô đất “cò” có thể bán cho nhiều người.

“Khi có tranh chấp mà ký giấy tờ tay mua đất thì cũng rất khó để chứng minh và lấy lại tiền”, ông Vũ nói.

Theo luật sư Nguyễn Hà, Đoàn luật sư Hà Nội, nói gì thì nói, mua tài sản lớn bằng “giấy tay”, đặc biệt với đất là “rất rủi ro”.

Mặt khác, đất ở những nơi chưa có quy hoạch rõ ràng hoặc việc tự ý xây cất, mở đường rất dễ xung đột với quy hoạch của địa phương và sau này “sẽ rất phức tạp”.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, dịch chuyển về vùng ven vẫn là xu hướng đầu tư dẫn dắt của thị trường BĐS trong năm 2022, trong đó có những người đầu tư đất nghỉ dưỡng ven TP.HCM như: Long An, Đồng Nai, Tây Ninh…

Thời gian qua vùng ven đang là nơi khởi phát cho những cơn “sóng đất” chớp nhoáng, chạy theo thông tin mập mờ về các dự án hạ tầng giao thông, những khu đô thị và đó chỉ mới là đề xuất của các ông lớn BĐS.

Những cơn “sóng đất” này gây “sát thương” cực lớn cho những người mua, nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm. Thế nên người mua cần tìm hiểu kỹ càng pháp lý, quy hoạch. Sau khi tìm hiểu pháp lý rõ ràng, phải xác xác định đầu tư phải lâu dài.

 

(Theo Báo Giao Thông)

Đất ven biển Nam Định tăng "phi mã" theo dự án đường cao tốcNgay từ khi rục rịch triển khai tuyến cao tốc ven biển đi qua Nam Định, giá đất tại các địa phương ven biển như huyện Hải Hậu, Giao Thủy… đã "nhảy múa" liên tục.