Nhận định và dự báo nêu trên vừa được ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT chia sẻ tại tọa đàm “Phát triển sự nghiệp thời suy thoái kinh tế” do Viện Quản trị và Công nghệ FSB thuộc Đại học FPT phối hợp với Navigos Search tổ chức chiều ngày 19/10 tại Hà Nội.

W-tri-tue-nhan-tao-thay-the-nguoi-lao-dong-1-1.jpg
Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc của Navigos Search chia sẻ nhận định về thị trường tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam thời gian gần đây. 

Thông tin về bức tranh chung của tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam, bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc của Navigos Search cho biết, từ khoảng tháng 10/2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam gặp khó khăn.

Khảo sát của Navigos với các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất cho thấy, ít nhất 50% doanh nghiệp đối mặt với sụt giảm doanh thu, trong đó có ngành tới 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Thế nhưng, một khảo sát gần đây do Navigos thực hiện với hầu hết các doanh nghiệp trong nhiều ngành khác nhau bao gồm cả CNTT chỉ ra rằng, các doanh nghiệp đều cho biết bị ảnh hưởng, gặp khó khăn giai đoạn sau dịch Covid-19.

Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, đương nhiên sẽ tác động đến người lao động. Cụ thể như, doanh nghiệp sẽ sa thải, giảm lương của người lao động. Và mặc dù vẫn có những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự mới, song theo bà Ngô Thị Ngọc Lan, yêu cầu với các ứng viên đã có sự khác biệt so với giai đoạn trước.

Đại diện Navigos Search khu vực miền Bắc phân tích, trước đây 1 ứng viên có mức điểm 5 – 6/10 vẫn được doanh nghiệp chấp nhận tuyển dụng. Hiện tại, ứng viên ở mức điểm trung bình này sẽ không có cơ hội được doanh nghiệp tuyển dụng. Giờ đây, doanh nghiệp yêu cầu ứng viên phải đạt mức điểm 8, 9/10, cho thấy ứng viên không đơn thuần là làm được công việc hiện tại mà cần có năng lực đáp ứng những yêu cầu công việc trong tương lai trong kỷ nguyên số.

“Không những yêu cầu của đơn vị tuyển dụng với các ứng viên đã cao hơn, hiện nay tỷ lệ chọi vào 1 vị trí tuyển dụng đã tăng cao hơn nhiều so với trước. Ví dụ, theo quan sát của chúng tôi trên VietnamWorks.vn, một yêu cầu tuyển dụng có tầm khoảng 20 ứng viên tham gia ứng tuyển, còn hiện nay số lượng nộp hồ sơ có thể lên đến 60, gấp 3 lần so với trước”, đại diện Navigos Search khu vực miền Bắc nêu dẫn chứng.

Chia sẻ góc nhìn của doanh nghiệp, bà Mai Thúy Hằng, Phó Tổng giám đốc tập đoàn Sun Group lý giải, một trong những nguyên nhân đưa đến việc doanh nghiệp có yêu khắt khe hơn với nhân sự là do người tiêu dùng cuối đang có đòi hỏi nhiều hơn với sản phẩm, dịch vụ mà các doanh nghiệp cung cấp.

Trước yêu cầu phải mang lại nhiều giá trị hơn cho người tiêu dùng, bài toán đặt ra với các doanh nghiệp là nếu có 1 sản phẩm, dịch vụ truyền thống thì cần phải tìm cách cải tiến nó nhằm đưa thêm giá cho khách hàng, có giá bán hợp lý hơn và cung cấp cho người dùng hành trình trải nghiệm vui vẻ hơn.

“Để làm được điều đó, câu chuyện công nghệ, quy trình chỉ là một phần, yêu cầu về con người, nhân sự cần khắt khe hơn nhiều, nhất là với những doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ. Yêu cầu với nhân sự đa dạng, đa chiều và phức tạp hơn. Không chỉ là câu chuyện chuyên môn, thành thục kỹ năng hay có kiến thức, người đi làm ở tất cả các cấp đều phải có tư duy là kết nối tất cả những gì chúng ta đang có để giải quyết vấn đề của khách hàng, của doanh nghiệp tại từng thời điểm, với từng nhóm và ở từng vùng địa lý”, bà Mai Thúy Hằng thông tin thêm.

W-tri-tue-nhan-tao-thay-the-nguoi-lao-dong-2-1.jpg
Ông Hoàng Nam Tiến cho rằng, để không bị robot, trí tuệ nhân tạo lấy mất việc, người lao động Việt cần không ngừng học tập để nâng cao trình độ.

Là chuyên gia có 30 năm kinh nghiệm điều hành tại các đơn vị thành viên của FPT như FPT Software, FPT Telecom và Đại học FPT, ông Hoàng Nam Tiến nhận xét, hiện nay nhiều người trẻ đã ý thức được rằng việc ‘định nghề’ có khi còn quan trọng hơn là học đại học.

Minh chứng cho nhận xét của mình, ông Hoàng Nam Tiến thông tin, nhiều công nhân một số địa phương đang lâm vào tình trạng thất nghiệp, ngoài lý do từ kinh tế khó khăn, còn có nguyên nhân từ việc robot đang dần thay thế công việc của người lao động.

“Cách đây 4 năm khi tôi nói chuyện robot có thể thay thế lao động tại Việt Nam, nhiều người không tin. Nhưng những con robot từng có giá 400.000 USD  thì nay chỉ còn 30.000 USD, và chúng có thể làm việc 24h mỗi ngày, 7 ngày trong tuần, 365 ngày mỗi năm mà không đòi tăng lương. Nhiều công nhân làm những việc đơn thuần, dù còn rất trẻ nhưng đã bị robot cướp mất việc”, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ.

robot thay the con nguoi 0.jpg
Theo ông Hoàng Nam Tiến, giá của robot rẻ khoảng 8 – 9 lần so với trước đây và nó đang dần thay thế nhiều công việc của người lao động.

Không chỉ công nhân, theo vị Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, nhiều nhân sự trong các ngành nghề khác như nhà báo, lập trình viên cũng có nguy cơ bị trí tuệ nhân tạo thay thế, cướp việc.

Với nhà báo, ông Hoàng Nam Tiến dự báo, không quá 3 năm nữa, việc viết tin thông thường của nhà báo sẽ bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo. Những nhà báo chỉ viết tin khi đó sẽ không có việc. Lúc này, việc làm điều tra, nghiên cứu mới là quan trọng với các nhà báo.

Tương tự, trước đây một kỹ sư CNTT ra trường chỉ cần thành thạo 2 ngôn ngữ là tiếng Anh (tiếng Nhật) và ngôn ngữ lập trình là hoàn toàn có thể kiếm sống tốt với mức thu nhập 20 -30 triệu đồng/tháng. Nhưng đến nay, điều này không còn đúng nữa. Nếu chỉ giỏi ngoại ngữ và 1 ngôn ngữ lập trình thì các kỹ sư CNTT, lập trình viên vẫn sẽ mất việc, bởi các dòng lệnh viết bằng Java, C++... bây giờ có thể lên ChatGPT lấy về, không cần code.

Từ thực tế đó, ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh rằng người lao động cần phải không ngừng học tập để cập nhật, nâng cao trình độ. Để tránh rơi vào tình trạng thất nghiệp, công nhân cần được đào tạo lại, phải học nghề chuyên sâu, không phải chỉ học trong nhà máy 2 – 3 tháng là đi làm như trước đây.

Trong khi đó, các nhà báo cũng phải học nâng cao kiến thức, kỹ năng để nâng lên một level mới, không đơn thuần chỉ là viết tin. Với nhân sự ngành CNTT, các sinh viên mới ra trường, muốn có vị trí của mình, không bị trí tuệ nhân tạo thay thế thì phải học thêm về Big Data, AI, Blockchain...

“Người lao động ngày hôm nay phải khác và câu nói 'Học tập suốt đời' giờ đây đã là đòi hỏi mang tính thực tiễn, hoàn toàn không phù phiếm”, ông Hoàng Nam Tiến khẳng định.

Ngô Huyền và nhóm PV, BTV