Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 đặt chỉ tiêu: 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần...
Bên cạnh đó, chương trình đặt mục tiêu 50% học sinh phổ thông được phổ biến, tư vấn về sức khỏe tâm thần, tâm sinh lý lứa tuổi; 50% trường học thực hiện việc đánh giá phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần cho học sinh.
Theo UNICEF, căng thẳng do học tập, thiếu sự hỗ trợ, môi trường học đường bất ổn, và gặp trở ngại trong các mối quan hệ tình cảm là những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em, thanh thiếu niên.
Nhận biết dấu hiệu học sinh gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần hay các nguy cơ có thể khiến trẻ mắc tình trạng này rất quan trọng với thầy cô giáo và các bậc phụ huynh. Trong đó, nghiện game được coi là yếu tố nguy cơ cao.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, hậu quả nặng nề nhất mà trẻ nghiện game phải gánh chịu có thể kể đến là rối loạn về tâm lý.
Nhiều thanh thiếu niên (10-19 tuổi) bị nghiện game phải đến viện điều trị. Có học sinh nữ, cấp hai, đến viện cùng mẹ với trang phục như một game thủ. Lại có trẻ lớp 7, vì bố mẹ thấy con chơi game quá nhiều liền thu máy tính, thu điện thoại, tắt mạng, cậu bé thường có biểu hiện cáu kỉnh, bực bội bứt dứt khó chịu, thậm chí là ném đồ đạc.
Dần dần trẻ không học bài, không hợp tác với cô giáo, thường chơi game trong giờ học. Khi cha mẹ cấm không cho chơi, cậu bé tìm mọi cách trốn đi, thậm chí lấy trộm tiền để đi ra quán net chơi. Có thời gian, cậu học sinh này thậm chí còn bỏ nhà đi mấy ngày, ăn ở quán game, đến khi hết tiền để chơi game mới về nhà.
Khi nghiện game, trẻ chơi liên tục bất kể giờ giấc nên cuộc sống hằng ngày bị ảnh hưởng, không còn hứng thú học tập và với những hoạt động như trước kia vẫn thích. Trẻ có thể mắc các chứng trầm cảm, lo âu, mất ngủ, suy kiệt, mất tự tin, dễ bị kích động, cảm giác có tội lỗi vì không kiểm soát được hành vi chơi game của mình, có rối loạn hành vi và rối loạn hành vi chống đối tăng cao.
Thậm chí, để có tiền chơi game, một số cá nhân còn có hành vi trộm cắp, cướp giật tài sản và những hành vi tiêu cực khác.
Tiến sĩ Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho hay rối loạn giấc ngủ ở trẻ nghiện game là do não trẻ bị kích thích bởi những ám ảnh khi chơi game, đặc biệt là trò chơi bạo lực.
Điều này rất có hại với sức khỏe và não bộ dẫn đến cơ thể dễ bị suy nhược, không tập trung. Tình trạng này nếu kéo dài thường xuyên sẽ gây suy giảm tế bào thần kinh, giảm trí nhớ dẫn đến làm tổn thương thần kinh.
Hội chứng đường hầm cổ tay do sử dụng máy tính quá nhiều, đau đầu do việc tập trung quá vào máy tính, các tật về khúc xạ mắt, mệt mỏi, lười vệ sinh cá nhân… cũng là hậu quả của nghiện game. Đồng thời trẻ dễ nghiện các chất kích thích đi kèm: rượu, thuốc kích thích tâm thần, thuốc lá…
Không những sức khỏe thể chất bị tàn phá nghiêm trọng, trẻ nghiện game còn gánh chịu những hậu quả về tinh thần. Trẻ ít tham gia vào hoạt động xã hội, không giao tiếp với mọi người dẫn đến bị cô lập và cảm thấy cô đơn, mất bạn bè. Trẻ học giảm sút, chán học, bỏ học và thậm chí trẻ có thể bị lưu ban, bị đuổi học. Trẻ bỏ các công việc trong gia đình, thậm chí có thể lấy tiền học để chơi game thay vì nộp học phí cho nhà trường…
Ngoài ra, trẻ nghiện game dễ bị rối loạn tâm sinh lý, đặc biệt với game có bạo lực hay tình dục càng nguy hiểm, một phần do hưng phấn hoặc tiêu cực quá mức khi chơi game, một phần do bị ảnh hưởng bởi tính cách của các nhân vật trong game nên dễ dẫn đến các hành vi sai trái, bạo lực. Trẻ đam mê chơi trò chơi bạo lực thường bị ảnh hưởng bởi những những hình ảnh này và trở nên hung hăng hơn, dễ trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân của những hành vi bạo lực ngoài đời.