Nói về văn hóa từ chức, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại câu chuyện về ông Trần Minh Tuấn là người đầu tiên trong bộ, khi phát biểu nhậm chức Vụ trưởng Vụ Kinh tế số cam kết nếu không làm được sẽ tự nguyện từ chức nhường cho người khác làm.
“Nghe giọng anh đọc thì tôi biết đây là sự chân thành của anh. Sự nghiệp của một tổ chức không bao giờ là của một cá nhân. Mình không làm được thì hãy để người khác làm, có thể mình sẽ nhận một việc khác mà mình sẽ làm tốt hơn”. Và ông Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn đây là văn hoá của Bộ TT&TT.
Lâu nay, việc cán bộ khi có yếu kém, khuyết điểm tự nguyện xin từ chức ở ta rất hiếm, có thể đếm trên đầu ngón tay. Trong khi ở nhiều nước, có khi chỉ một cây cầu sập, một sự cố chưa lớn thì những người có trách nhiệm từ chức là chuyện cơm bữa.
Khi Đảng chủ trương bỏ phiếu tín nhiệm trong Quốc hội, trong Đảng, người dân hy vọng việc cán bộ từ chức khi có khuyết điểm, yếu kém hay sự cố không phải do yếu tố khách quan trở thành văn hóa để người tài có cửa thi thố. Nhưng cũng chưa có trường hợp nào bị phiếu tín nhiệm thấp xin từ chức.
Thực hiện văn hóa từ chức cũng chính là việc trọng dụng tài năng. Một cán bộ có tài, có đức chắc chắn đơn vị, lĩnh vực mình phụ trách sẽ không ngừng phát triển. Không thể nói là tài năng khi đơn vị mình phụ trách xảy ra nhiều sai sót, cán bộ không thạo việc, kinh tế không phát triển, ngân sách xin trung ương năm sau lại cao hơn năm trước.
Thấy được sự cấp thiết đó, Ban Tổ chức Trung ương, qua nghiên cứu thực tiễn, với trách nhiệm trước dân, trước Đảng đã có Tờ trình số 02-TTr/BTCTW, ngày 10/8/2022 để Bộ Chính trị thảo luận, cho ý kiến. Và mới đây, ngày 8/9, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành Thông báo số 20 Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.
Văn bản này nêu rõ, khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.
Kết luận của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh đến việc tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ. Đó cũng chính là tính nhân văn của công tác cán bộ. Đảng phải đặt nhiệm vụ vì dân lên trước. Yếu kém mà để làm cán bộ thì chỉ có thể làm hại cho dân, cho nước.
Cái mới của kết luận này chính là tính cụ thể. Đã qua thời thời hô hào để tự nguyện. Nói là khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức nhưng không chỉ dừng lại ở tự nguyện. Cái cụ thể mang tính khoa học là ở chỗ nếu không tự nguyện xin từ chức, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét miễn nhiệm theo quy định.
Trong các khóa gần đây, nhiều Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Trung ương tại chức bị kỷ luật, cách hết chức vụ hay vướng vào vòng lao lý là những trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, cũng có nhiều người tại chức bị kỷ luật cảnh cáo hay khiển trách nhưng chưa ai tự nguyện từ chức. Những người đó như Trưởng Ban tổ chức Trung ương nói, đã bị kỷ luật, không còn uy tín thì nói ai nghe.
Trường hợp các ông Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang có đơn xin thôi, Hội nghị Trung ương 6 (khoá XIII) đã đồng ý cho các ông thôi Ủy viên Trung ương Đảng. Đây là việc làm nhanh chóng, được dư luận hết sức đồng tình. Nó thể hiện sự nghiêm túc, nghiêm minh, trong việc thực hiện kết luận Bộ Chính trị mới ban hành.
Đảng thấy rõ, để thực hiện được đường lối chủ trương của mình với mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh, trước hết phải từ công tác cán bộ. Những quy định trên là yếu tố cốt lõi làm cho công tác cán bộ tốt hơn, sàng lọc để tìm ra đội ngũ cán bộ giỏi, vì dân vì nước.
Nguyễn Đăng Tấn