Rồng đá ở điện Kính Thiên đang nứt, vỡ, phải chống bằng bệ sắt. Nó như một thách thức với người bảo tồn di sản.

{keywords} 

Chỗ đó từng bị ngập nhiều rồi. Chân của thềm rồng còn ở bên dưới. Do đó, phải tính toán cả bài toán của nền điện Kính Thiên chứ không phải chỉ con rồng đá trước khi bị thương và rồng đá hiện tại (ảnh nhỏ) - Ảnh: Ngọc Thắng

Những bậc thềm rồng giờ là phần ít ỏi còn thấy của điện Kính Thiên. Cùng với Đoan Môn, nền điện với thềm rồng này chính là hai dấu tích hiếm hoi thời Lê sơ còn lại trên trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long. “Kính Thiên là điện chính - nơi nhà vua tiến hành các nghi lễ đại triều và các nghi lễ khác liên quan đến vận mệnh sống còn, hưng vong của quốc gia, dân tộc. Thềm rồng vô cùng quý giá vì là dấu tích hiếm hoi từ thời Lê sơ”, PGS-TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ, cho biết.

Theo các nhà nghiên cứu, đôi rồng đá hiện còn là di sản kiến trúc tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ. Rồng được chạm trổ bằng đá xanh tự nhiên. Rồng có đầu nhô cao, đầu to, sừng dài có nhánh, bờm lượn phía sau. Thân rồng uốn thành nhiều vòng cung nhỏ... Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay, phần đầu rồng đang “bị thương”. Những vết nứt khiến đầu rồng có nguy cơ gục xuống. Do đó, hiện Hà Nội đang sử dụng một bệ đỡ nhỏ bằng sắt để đỡ đầu rồng. “Vì rồng được chạm bằng đá tự nhiên, lại để quá lâu năm ở ngoài trời nên nguy cơ nứt, rụng rất nhiều”, một chuyên gia bảo tồn giấu tên nói.

Thông tin cho biết Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long đã làm bệ đỡ cho rồng đá để tránh những thương tổn tiếp theo có thể xảy ra nặng hơn. Tuy nhiên, vẫn chưa có một giải pháp hoàn hảo. Chẳng hạn, giải pháp khoan bắt vít đầu rồng được cho là không nên vì có thể làm hỏng hiện vật. Vì vậy, việc làm một bệ đỡ bằng kim loại như hiện nay là chẳng đặng đừng. “Về cơ bản, dùng bệ đỡ như hiện nay có thể chống được xuống cấp. Tuy nhiên, về thẩm mỹ thì không được đẹp. Nếu có thể làm bằng mica thì trông sẽ đẹp hơn mà vẫn đỡ được đầu rồng”, PGS-TS Tống Trung Tín nói.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia bảo tồn, việc bảo tồn đôi rồng đá thời Lê ở điện Kính Thiên còn phức tạp hơn nhiều. Theo chuyên gia này, việc dùng bệ đỡ hay bắt vít chỉ là giải pháp kỹ thuật. Quan trọng hơn, đôi rồng nên được nghiên cứu gìn giữ trong tổng thể thềm rồng và nền điện Kính Thiên. “Có nghĩa là chúng ta cần nhìn xa hơn. Nhìn vào bảo tồn toàn thể chứ không chỉ một bộ phận”, vị chuyên gia nói.

“Chỗ đó từng bị ngập nhiều rồi. Chân của thềm rồng còn ở bên dưới. Do đó, phải tính toán cả bài toán của nền điện Kính Thiên chứ không phải chỉ con rồng. Những chuyện như vít hay không chỉ là vấn đề kỹ thuật. Nghiên cứu tổng thể xong sẽ có quyết định cụ thể thế nào để không ảnh hưởng mỹ thuật của nó”, chuyên gia này phân tích.

Ý tưởng phục dựng Kính Thiên

Theo PGS-TS Tín, trong khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, khu vực Đoan Môn, Kính Thiên và sân Đại Triều là các khu vực được nhìn nhận tương đối rõ. Lan can chạm rồng, lan can chạm hoa lá và rồng cách điệu của thềm rồng là định vị quan trọng, rõ ràng. Khảo cổ học ở đây cho thấy thềm rồng đã nằm ở đó, nguyên vị trí ban đầu. Cũng theo ông Tín, nhờ những dấu tích thời Lê sơ ở một số nơi vẫn còn, có thể nghiên cứu, hệ thống, chỉnh trang và tiến tới phục dựng khu vực này.

Do đó, theo ông Tín, nên chọn điện Kính Thiên thời Lê sơ để phục dựng vì hiện chúng ta đang có nền điện Kính Thiên và Đoan Môn của thời này. “Tư liệu hình ảnh của điện Kính Thiên ngày xưa không còn nên chúng ta phải hợp tác với các chuyên gia. Chính điện Nara (Nhật Bản - NV), Bách Tế (Hàn Quốc - NV) của các nước trong khu vực cũng không còn gì cả. Người ta vẫn phải nghiên cứu theo kiểu tổng hợp các nguồn tư liệu như vậy”, ông Tín phân tích. Đương nhiên, khi phục dựng điện Kính Thiên, đôi rồng đá thời Lê sẽ là một đối tượng được chăm sóc quan trọng.

Như vậy, nhà quản lý nên sớm có kế hoạch nghiên cứu dài hơi tổng thể các khu vực liên quan. Vẫn biết, việc làm bệ đỡ sắt sẽ giúp rồng đá không bị xuống cấp, song có một tổng thể hoàn hảo vẫn là điều công chúng chờ đợi.

Theo Thanh Niên