Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo cập nhật kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2023 gửi Bộ Công Thương. Báo cáo này được xây dựng trong bối cảnh diễn biến giá nhiên liệu nhập khẩu và tình hình cung cấp nhiên liệu (than, khí) trong nước có nhiều thay đổi.
Theo đó, EVN đánh giá 3 tháng đầu năm 2023 tập đoàn đã đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
EVN cho hay, tình hình cấp than trong 3 tháng đầu năm đáp ứng được yêu cầu phát điện của hệ thống. Lượng than tồn kho của các nhà máy của EVN và GENCO đã có cải thiện so với đầu năm 2023. Tuy nhiên, khi xem xét đến định mức tồn kho theo quy định, EVN nhận thấy nhiều nhà máy chưa đạt định mức, trường hợp huy động cao trong mùa khô có thể không đủ than để vận hành, ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện.
Nhưng đánh giá chung cho cả năm, EVN vẫn cho rằng các nhà máy đảm bảo đủ than.
Kế hoạch vận hành năm 2023 được A0 tính toán trên cơ sở giá than nhập khẩu ở mức 319 USD/tấn, không xét đến khối lượng bao tiêu của các nhà máy điện BOT. Tuy nhiên, giai đoạn từ tháng 2 đến nay, giá than nhập khẩu đã có xu hướng giảm. Hiện chỉ số giá than trên NEWC (Newcastle Coal Futures - chỉ số giá than tại Australia) diễn biến ở mức 175-185 USD/tấn và dự báo xu hướng sẽ giữ ở mức giá này.
Đồng thời, EVN đang thực hiện đàm phán phương án huy động các nhà máy điện BOT Nghi Sơn 2, Duyên Hải 2 và sản lượng thử nghiệm của BOT Vân Phong 1 trong năm 2023.
Các biến động của giá nhiên liệu và sản lượng huy động nêu trên dẫn đến thay đổi thứ tự huy động giữa các nhà máy nhiệt điện than nhập khẩu với các nhà máy nhiệt điện sử dụng than trộn, nhà máy điện tuabin khí; làm tăng khả năng huy động các nhà máy điện BOT Nghi Sơn 2, Duyên Hải 2, Vân Phong 1 (có giá biến đổi giảm, chạy thí nghiệm)...
Trong trường hợp đảm bảo cung cấp đủ than cho phát điện, EVN cho rằng cơ bản đảm bảo cung ứng điện toàn quốc và các miền trong mùa khô và cả năm.
Tuy nhiên, đối với khu vực miền Bắc, EVN nhấn mạnh "tiềm ẩn rủi ro thiếu công suất đỉnh" khi có sự cố xếp chồng trong các ngày nắng nóng, phụ tải tăng trưởng cao đột biến.
Theo EVN, tình hình này diễn ra trong giai đoạn từ tháng 4-6. Hệ thống điện miền Bắc có khả năng sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh với công suất thiếu hụt lớn nhất ước tính lên tới khoảng 3.900 MW vào tháng 6, nếu thời tiết nắng nóng cục bộ bất thường (giả thiết tăng trưởng khoảng 15%) và một số nguồn điện không đáp ứng yêu cầu vận hành như Thái Bình 2 (1.200MW), S1 - Vũng Áng 1 (600MW - đang bị sự cố kéo dài), nguồn nhập khẩu Lào mới qua đường dây Nậm Mô - Tương Dương không kịp vận hành trong tháng 6 (135MW).