Lợi trước mắt, thiệt lâu dài
Ông Vũ Văn Hiệp (65 tuổi, ở Thanh Hoá) từng làm công nhân xây lắp 15 năm trong nhà nước, trước khi về nghỉ hưởng chế độ một lần (chế độ về 176) từ năm 1991.
Sau khi nghỉ việc, hưởng chế độ “một cục”, ông Hiệp không được nhận thêm bất kỳ khoản tiền hay chính sách trợ cấp nào từ BHXH nên khi về già cuộc sống của ông rất khó khăn.
Ông chia sẻ, thời điểm đó về chế độ 176 được gần 1 triệu đồng là số tiền rất lớn. Số tiền đó giúp ông giải quyết khó khăn trước mắt của gia đình nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn rồi... cũng hết.
Nếu so với những công nhân cùng trang lứa ở lại làm việc cho đến tuổi nghỉ hưu, ông Việt thấy mình thiệt đủ đường.
“Không có lương hưu, không có BHYT và các chính sách BHXH nên về già rất khó khăn”, ông Hiệp nói.
Hiện nay không ít người lao động cũng vì giải quyết khó khăn trước mắt nên đã rút BHXH một lần mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài. Thậm chí có người đã rút BHXH đến 3-4 lần.
Nhiều chuyên gia phân tích, thực tế khi rút BHXH một lần, người lao động "mất nhiều hơn được". Khi rút một cục, họ sẽ có một khoản tiền để chi tiêu giải quyết khó khăn trước mắt, những khoản tiền này sẽ nhanh chóng cạn kiệt. Về lâu dài người rút BHXH một lần sẽ bị hạn chế rất nhiều quyền lợi.
Khi không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ, người rút BHXH một lần mất cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng, không được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu.
Rút một lần thiệt hơn so với số tiền đã đóng
Khi nhận BHXH một lần thì số tiền người lao động nhận được thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH. Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%.
Tổng mức đóng vào quỹ BHXH hàng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu người lao động hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Do vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.
Cần giải pháp hạn chế rút BHXH một lần
Để hạn chế tình trạng người lao động rút BHXH một lần, trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra đề xuất giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.
So với việc rút một lần, hưởng lương hưu có ý nghĩa hơn nhiều đối với người lao động. Do vậy, việc rút ngắn thời gian đóng BHXH để người lao động tham gia BHXH muộn có thể tiếp cận lương hưu khi về già là cần thiết.
Tuy nhiên, đi cùng với giảm thời gian đóng BHXH, nhà nước cần có các giải pháp hỗ trợ người lao động duy trì tạo việc làm có thu nhập ổn định tham gia BHXH cho đến khi về hưu.
Hiện nay những người ở độ tuổi 40-45, dù có đủ thời gian đóng BHXH 15 năm, nhưng để được hưởng lương hưu thì phải chờ thêm 15-20 năm nữa mới đến tuổi hưởng.
Trong khoảng thời gian chờ đến tuổi nghỉ hưu, nếu người lao động không có việc làm ổn định, khi gặp khó khăn nhiều người sẽ vẫn lựa chọn rút bảo hiểm một lần.
Người hưởng BHXH một lần chủ yếu dưới 40 tuổi. Ở lứa tuổi này hầu hết người lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn nhu cầu hưởng lương hưu khi về già. Vì vậy tạo công ăn việc làm ổn định để người lao động đảm bảo cuộc sống khi còn trẻ, đảm bảo khả năng tham gia BHXH lâu dài là giải pháp căn cơ.
Ngoài ra, hiện nay mức lương hưu cao hay thấp phụ thuộc vào mức đóng và thời gian tham gia BHXH, vì vậy khi giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm thì mức đóng phải sát với thu nhập thực tế. Có như vậy, khi về già mức lương hưu mới đủ sống.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, chỉ tính riêng trong 10 tháng năm 2023, cả nước đã giải quyết cho hơn 947.000 người hưởng BHXH một lần. Con số này tăng 31,38% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 5% tổng số người tham gia.