Sự thận trọng trở lại
Sau một tháng tăng mạnh nhất kể từ năm 2020, thị trường chứng khoán Mỹ khởi đầu tháng 8 trong sắc đỏ trong bối cảnh giới đầu tư nghi ngờ về đà tăng điểm của sàn tài sản có quy mô 50 nghìn tỷ USD.
Cả 3 chỉ số chứng khoán chính của Mỹ công nghiệp Dow Jones, công nghệ Nasdaq Composite và tầm rộng S&P 500 đều giảm điểm.
Nhóm cổ phiếu năng lượng giảm mạnh và gây áp lực lên toàn thị trường khi giá dầu tiếp tục xu hướng giảm, với dầu thô WTI đã về ngưỡng 93 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với mức trên 120 USD/thùng hồi giữa tháng 6.
Trên CNBC, chuyên gia đến từ Oppenheimer cho biết, thị trường chứng khoán Mỹ có thể đang kiểm tra lại đà tăng sau cú bứt phá trong tuần trước, đồng thời dõi theo những hành động của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong việc ngăn chặn lạm phát.
Trong phiên cuối tuần trước, chứng khoán Mỹ xanh trên diện rộng. Giới đầu tư không mấy quan tâm tới khả năng suy thoái kinh tế sau khi Mỹ công bố GDP giảm quý thứ hai liên tiếp. Theo Bộ Thương mại Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới giảm 0,9% trong quý II/2022, sau khi đã giảm 1,6% trong quý trước đó.
Với GDP tiếp tục suy giảm, nhiều nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ không mạnh tay tăng lãi suất. Dòng tiền giá rẻ do vậy sẽ hỗ trợ nhiều thị trường tài chính. Suy thoái kinh tế về mặt kỹ thuật cũng không ngăn cản được dòng tiền đổ vào thị trường cổ phiếu.
Kết quả kinh doanh ấn tượng của nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn cũng hỗ trợ đà tăng của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế Mỹ cũng như thế giới còn đối mặt với nhiều khó khăn. Đà tăng sẽ không thuận, có thể suy giảm trở lại, hoặc ít nhất thị trường chứng khoán cũng đối mặt với một đợt điều chỉnh giảm.
Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) của Viện quản lý cung ứng (ISM) của Mỹ trong tháng 7 vẫn ở vẫn trên ngưỡng 50, nhưng chỉ còn ở mức 52,8 điểm, thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2020. Nó cho thấy, hoạt động sản xuất tại Mỹ đang có phần chậm lại.
Trong tuần này, giới đầu tư chờ đợi kết quả một số dữ liệu kinh tế quan trọng và báo cáo lợi nhuận của một số doanh nghiệp đáng chú ý. Trong đó, có báo cáo việc làm lĩnh vực phi nông nghiệp tháng 7 của Cục Thống kê lao động. Số liệu này sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ hơn về thị trường việc làm của Mỹ.
Nỗ lo lớn đến từ Trung Quốc
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm cũng phản ánh phần nào lo ngại về triển vọng kinh tế Mỹ. Nó góp phần đầy các loại tài sản có độ an toàn cao như vàng tăng lên.
Giới đầu tư cũng lo ngại kinh tế Trung Quốc suy giảm tăng trưởng, qua đó tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới.
Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất giảm từ 50,2 điểm trong tháng 6 xuống 49 điểm trong tháng 7. Chỉ số PMI Caixin/Markit, dựa trên kết quả khảo sát đối với nhiều doanh nghiệp tư nhân, có quy mô nhỏ, chỉ đạt 50,4 điểm, cũng phản ánh xu hướng suy giảm của hoạt động sản xuất.
Chỉ số PMI phản ánh sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất tại Trung Quốc.
Nền kinh tế số 2 thế giới đối mặt với nhiều rủi ro khi Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi chiến lược zero Covid, với nhiều thành phố lớn như Vũ Hán, Thâm Quyến đình trệ sản xuất vì xuất hiện ổ dịch Covid.
Việc đình trệ sản xuất tại Trung Quốc có thể thế giới rơi trở lại vào tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số dự báo cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 4%, thậm chí thấp hơn.
Thị trường bất động sản của Trung Quốc diễn biến tiêu cực.
Theo Bloomberg, theo kịch bản xấu nhất, các ngân hàng Trung Quốc có thể thiệt hại 350 tỷ USD vì khủng hoảng bất động sản. Niềm tin về thị trường bất động sản sụt giảm và các cơ quan chức trách không thể kiềm chế cuộc khủng hoảng.
Thị trường tài chính thế giới có thể chịu ảnh hưởng mạnh khi mà hệ thống ngân hàng trị g ía 56 nghìn tỷ USD của Trung Quốc bị ảnh hưởng vì khủng hoảng bất động sản.
Trong tháng 7, Reuters đưa tin, Trung Quốc đã lập quỹ 44 tỷ USD để giúp các công ty bất động sản thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại sau khi người mua nhà tại Trung Quốc tẩy chay thanh toán tiền vay mua nhà với các dự án đình trệ. Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ khủng hoảng nợ cho tới thắt chặt tín dụng và sự tẩy chay của người vay tiền mua nhà.
Trên thị trường tài chính thế giới, giá vàng tăng mạnh và đang hướng trở lại về ngưỡng 1.800 USD/ounce. Vàng vẫn được dự báo sẽ tăng giá trong dài hạn khi mà lạm phát còn kéo dài và các nền kinh tế đối mặt với nhiều nguy cơ, từ các chính sách bơm tiền hỗ trợ kinh tế, khủng hoảng nợ công cho tới lạm phát do căng thẳng địa chính trị.
M. Hà