Đây là hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần thứ nhất.
Phát biểu tại lễ phát động, ông Hoàng Vĩnh Bảo – Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, trong xã hội hiện đại, sách vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng. Là một cường quốc kinh tế, Nhật Bản luôn đặc biệt chú trọng đến văn hoá đọc, đến sách. Nhật Bản là một trong rất ít quốc gia ban hành không chỉ một mà hai đạo luật về văn hoá đọc là Luật Khuyến khích đọc sách của trẻ em (năm 2001) và Luật Chấn hưng văn hoá đọc (2005).
“Nói chuyện xưa và nói chuyện nước ngoài để thấy rằng, thời nào, nơi nào, sách đều giữ vai trò quan trọng, là chìa khoá giúp mở cánh cửa đến kho tàng tri thức, là ngọn hải đăng rọi sáng để mỗi người làm giàu có đời sống tinh thần, làm đẹp tâm hồn, nuôi dưỡng nhân cách, đến với chân, thiện, mỹ; là con đường đưa quốc gia đến phồn vinh, thịnh vượng”, ông Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định, Lễ phát động phong trào đọc sách trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình.
Nhân dịp này, người đứng đầu Hội Xuất bản Việt Nam cũng đề nghị các nhà xuất bản và các đơn vị liên kết xuất bản đề cao trách nhiệm xã hội, nâng cao chất lượng, đảm bảo tính tư tưởng, tính khoa học, chất lượng giáo dục, văn hoá và sự đa dạng, hấp dẫn của sách. Các doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm đẩy mạnh xây dựng các không gian sách hiện đại, chuyên nghiệp cả trên thực địa cũng như trên không gian mạng, phải để cho mỗi nhà sách, hiệu sách, gian hàng điện tử trở thành một địa chỉ văn hóa hấp dẫn, là thiết chế văn hóa quan trọng đáp ứng nhu cầu xã hội.
“Chúng tôi mong muốn cộng đồng các doanh nghiệp chung tay, cùng ngành xuất bản, ngành thư viện đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc với tinh thần, đầu tư cho xuất bản và văn hóa đọc là đầu tư vào nguồn lực con người, cũng là nguồn lực lớn nhất đem đến sự thành công, thịnh vượng cho mỗi doanh nghiệp. Chúng tôi kêu gọi các trường học và mỗi gia đình hãy quan tâm hơn nữa đến sách, chăm chút cho thói quen đọc sách của mỗi thành viên trong gia đình và nhà trường. Bằng lòng nhiệt huyết và quyết tâm của mình, mỗi chúng ta hãy thể hiện tình yêu sách, say mê đọc sách để qua đó truyền thông điệp về những giá trị tốt đẹp trong mỗi cuốn sách đến với những người xung quanh ta. Chúng tôi kiến nghị các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và tổ chức chính trị xã hội cùng các địa phương trên cả nước tạo mọi điều kiện thuận lợi xây dựng nền tảng cho văn hóa đọc phát triển; đẩy mạnh đầu tư hơn nữa cho các thiết chế thư viện, nhà văn hóa, điểm đọc sách cộng đồng nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân đến với sách; góp phần xây dựng xã hội học tập”, ông Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Kim Thoa – CEO Tân Việt Books chia sẻ, xây dựng dự án sách cộng đồng này, bà luôn có tâm nguyện là làm sao để gieo được hạt giống tri thức cho mọi người, mọi nhà, để sau một thời gian hy vọng những hạt giống ấy sẽ nảy mầm.
"Các bậc cha mẹ hãy coi việc xây dựng thói quen đọc sách từ nhỏ cho con em mình như trao một tài sản lớn cho con trong tương lai. Con em chúng ta vẫn có thời gian trống, phụ huynh hãy cố gắng lấp đầy những khoảng trống đó để khi lớn lên chúng không chỉ có tri thức mà còn có cả tâm hồn đẹp," bà Thoa bày tỏ.
Đại diện Tân Việt Books cho hay thư viện cộng đồng thôn Như Lân (Hưng Yên ) là sự khởi đầu của 300 không gian đọc tương tự trên khắp các thôn làng. Dự án sẽ tiếp tục trên tinh thần cải tạo, tích hợp không gian văn hóa đọc cộng đồng trong nhà văn hóa. Bà Thoa cho rằng đó là cơ sở để phát triển văn hóa đọc bền vững ở vùng nông thôn.
Nhân dịp này, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng trao tặng 500 cuốn sách cho Ban quản lý Phố sách Hà Nội và 500 cuốn sách cho Trung tâm tư vấn và tiếp nhận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tình Lê