Sách là kho tri thức vô tận luôn kích thích con người tìm kiếm, học hỏi để vun đắp nguồn thông tin cho bản thân. Riêng đối với các chiến sĩ như chúng tôi, sách luôn được xem là sản phẩm văn hoá tinh thần bổ ích, nâng cao khả năng tư duy, rèn luyện nhân cách và có tính giải trí cao…
Nhớ thuở còn là lính trẻ mới bước vào môi trường quân ngũ, sinh hoạt, ngủ nghỉ, vui chơi đều tuân theo nề nếp mang tính kỷ luật cao. Ngoài giờ rèn luyện, học tập trên thao trường, chúng tôi luôn có quyển sách trên tay, nơi đó mỗi chiến sĩ có thể tìm kiếm, thả trôi xúc cảm vào những trang thơ, bài văn để thỏa nỗi nhớ mong gia đình, người thân nơi quê nhà; hay đọc những trang sử hào hùng, cập nhật tin tức về chủ trương của Nhà nước để trau dồi tư tưởng, đạo đức cách mạng, thêm vững tin vào sự nghiệp bảo vệ đất nước.
Tôi cảm thấy ấm lòng khi phong trào tặng sách ngày càng lan tỏa rộng rãi đến từng đơn vị. Đặc biệt, đối với vùng biên giới hải đảo xa xôi, nơi có những người bạn của tôi ngày đêm chắc tay súng canh gác biên cương.
Mỗi khi có dịp được ra thăm bạn, tôi lại tận mắt thấy những tờ báo đã ngả màu, những cuốn sách mỏng nhoè dòng chữ vì ngấm nước biển hay qua mỗi mùa mưa bão nơi hải đảo. Anh em trong đơn vị có lẽ đã đọc rất nhiều lần và giữ gìn cẩn thận trong tủ sách kề sát những khẩu súng, đủ thấy rằng bộ đội ta yêu sách biết bao nhiêu.
Và trong các chuyến công tác đến trại chăn nuôi của Bộ chỉ huy tỉnh, tôi cũng chứng kiến những cuốn sách được các cấp, ngành trao tặng. Qua dòng thời gian, dù có in vết ẩm mốc hay kết dính từng trang vì nắng mưa, các chiến sĩ vẫn chuyền tay nhau đọc khi rảnh rỗi. Đặc biệt là sách hướng dẫn bà con nuôi trồng rất hữu ích cho việc tăng gia sản xuất trong đơn vị; sách còn giúp chăm sóc sức khỏe, chia sẻ bài thuốc đông y đến với mọi người… Mỗi lần như thế, tôi càng thấy việc đọc sách quan trọng thế nào với đời sống người lính.
Lại suy nghĩ sâu hơn về vai trò của việc trao tặng những cuốn sách như "suối mát tinh thần" của quân dân ta thời chiến. Trong các cuộc chiến của cha ông, sách là nguồn thông tin bồi đắp tư tưởng và tâm hồn mỗi người. Quân đội ta học chiến thuật của đồng đội qua những trang sách, học ở trong dân cũng từ chính các cuốn sách được viết lên bởi cuộc sống của họ.
Tôi mong rằng, việc trao tặng sách ngày càng phát triển hơn, hướng tới phát triển nền văn hoá tri thức cho nước nhà. Việc bảo đảm đủ sách cho mọi người đọc không chỉ chú trọng ở vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo mà còn nhân rộng ra ở những giảng đường hiện đại, nơi công nghệ thông tin phát triển để nâng cao tầm quan trọng của kho tàng tri thức mà sách mang lại.
Điều đáng mừng là sau mỗi đợt đón nhận những quyển sách được trao tặng từ khắp nơi, hệ thống thư viện trong toàn quân sẽ tiến hành nâng cao nghiệp vụ công tác, đưa sách đến cho bộ đội. Hàng trăm tủ sách nơi đảo xa, vùng biên được cung cấp đầy đủ các đầu sách về chính trị, văn hoá... Qua đó, truyền thống quân đội, hình ảnh bộ đội cụ Hồ từ những trang sách ngày càng tỏa sáng trong thời đại ngày nay.
Lưu Quốc Cường