Ông Dương Công Minh cho biết, bản thân ông góp vốn nhiều nhất và cũng muốn chia cổ tức. Tuy nhiên, ngân hàng phải tái cơ cấu thành công.
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2023 sáng 25/4, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Ngân hàng Sacombank cho biết, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2022 nhưng đã phục hồi khá tốt.
Ngân hàng Sacombank cũng đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm vừa qua, với lợi nhuận hợp nhất tăng hơn 44%. Trong năm 2022, Sacombank xử lý được 15.886 tỷ đồng nợ xấu, nâng tổng số nợ xấu đã xử lý trong 5 năm qua lên tới hơn 92.000 tỷ đồng.
Tại Đại hội, Sacombank xin ý kiến cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế đề ra cho năm 2023 tăng 50% so với năm 2022 lên 9.500 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến tăng 11% so với đầu năm lên 657.800 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động tăng 11% lên 574.600 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng tăng 12% lên 491.600 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank cũng sẽ điều chỉnh lại các tỷ lệ này theo tỷ lệ tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước duyệt.
Sacombank cũng xin ý kiến cổ đông về việc tiếp tục không chia cổ tức.
Nhiều cổ đông cá nhân phản ứng mạnh về việc ngân hàng tiếp tục không chia cổ tức trong nhiều năm qua.
Ông Dương Công Minh cho biết, ông là cổ đông lớn nhất. Bản thân ông góp vốn nhiều nhất và cũng muốn chia cổ tức. Tuy nhiên, điều kiện để được chia cổ tức là phải tái cơ cấu thành công. Và ngân hàng cần thời gian để thực hiện việc này. Theo ông Minh, thời gian cuối cùng là năm 2023. Ông kỳ vọng, ngân hàng sẽ nỗ lực trong năm nay, để trong ĐHCĐ năm sau được chia cổ tức.
Ông Minh cũng cho biết, ngân hàng đã trình phương án chia cổ tức và tăng vốn. Tuy nhiên, tất cả sẽ phải chờ đợi sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
Theo đại diện Sacombank, lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế lên tới 12.672 tỷ đồng. Đây là số tiền sẽ được giữ lại và dùng để chia cổ tức khi được cho phép.
Sacombank “sửa sai” của VSD, chốt tỷ lệ room ngoại ở mức 30%
Về vấn đề room ngoại đang được các nhà đầu tư quan tâm tại Đại hội. Sacombank (STB) do ông Dương Công Minh làm Chủ tịch, có chủ trương ghi nhận room ngoại đối với cổ phiếu STB ở thời điểm hiện tại vẫn ở mức 30% vốn điều lệ sau khi bị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) điều chỉnh sai.
Theo Sacombank, kể từ ngày 14/3/2014, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB được ĐHCĐ Sacombank thống nhất là 30%.
Tuy nhiên, khi phát hành 400 triệu cổ phiếu STB để sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam vào Sacombank, VSD đã điều chỉnh đưa room ngoại đối với cổ phiếu STB về mức 23,634%.
Tới ngày 31/5/2021, VSD lại điều chỉnh đưa room ngoại của STB về lại mức 30%. Vào ngày 10/3/2023 vừa qua, VSD đã gửi cho Sacombank Công văn số 1917/VSD-ĐK.NV, ghi nhận sự thiếu sót đối với việc điều chỉnh nêu trên.
Dù vậy, Sacombank cho biết, với chủ trương muốn cơ cấu cổ đông của ngân hàng luôn đa dạng để tạo động lực cho sự phát triển, ngân hàng ghi nhận room ngoại đối với cổ phiếu STB ở thời điểm hiện tại vẫn ở mức 30% vốn điều lệ.
Sáng 25/4, cổ phiếu STB của Sacombank tăng nhẹ 150 đồng lên 25.700 đồng.
Một số kết quả kinh doanh trong năm 2022
Trong năm 2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 6.339 tỷ đồng, tăng hơn 44% so với năm trước và đạt 120% kế hoạch năm. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế và trích các quỹ còn lại 3.741 tỷ đồng. Cộng với 8.930 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại các năm trước, Sacombank còn 12.672 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Sacombank tăng 14% so với đầu năm, lên gần 592.000 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 13% lên hơn 438.600 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng tăng 6% lên hơn 454.700 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm mạnh từ 1,47% xuống còn 0,93%.
Năm 2022, Sacombank thu hồi xử lý 15.886 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, kéo giảm tỷ trọng trong tổng tài sản xuống còn 4,3%. Đặc biệt, Sacombank đã hoàn tất xử lý toàn bộ 21.576 tỷ đồng lãi dự thu được khoanh thuộc Đề án xử lý nợ xấu của ngân hàng và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định.
Lợi nhuận tăng cao, HĐQT Sacombank vẫn từ chối nhận đủ thù laoMặc dù lợi nhuận trước thuế đã vượt 20% so với kế hoạch được ĐHĐCĐ giao, nhưng HĐQT và BKS Sacombank thống nhất mức thù lao thực nhận trong năm 2022 chỉ chiếm 0,95% lợi nhuận trước thuế, thấp hơn 0,25% so với mức đã được phê duyệt.