Chia sẻ với VietNamNet, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị cho hay, rời ghế trường đại học, ngày 15/4/1971, ông cùng đồng đội lên tàu rời ga Hàng Cỏ đi B.

Ngày 30/4/1975, lúc đơn vị ông ở trong rừng Tây Ninh, nghe tin Dương Văn Minh phát biểu đầu hàng trên Đài Sài Gòn, với người lính đó là giờ phút sung sướng tuyệt đỉnh.

{keywords}
Nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị. Ảnh: Phạm Hải

“Vui đến nỗi tưởng có thể vỡ tung lồng ngực. Đời tôi được chứng kiến phút này tựa hồ được sinh ra lần nữa”, ông Phạm Quang Nghị nhớ lại.

Để ăn mừng chiến thắng, ông vác khẩu AR.15 ra suối bắn cá và suýt nữa bị thương.

“Chẳng may trong băng đạn, tôi vô ý lắp vào trong đó một viên đạn huỷ súng. Vừa bóp cò, cả khẩu súng vỡ tan tành. May là tôi kẹp nách chứ không tỳ vai áp má. Thuốc súng găm vào bụng, ám khói đen xì. Rất may là chưa bị vỡ mặt”, ông kể.

{keywords}
Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng vô điều kiện trên Đài phát thanh Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Suất bún chả đặc biệt ở Sài Gòn

Trong cuốn “Nơi ấy là chiến trường” của ông Phạm Quang Nghị có hẳn một chương “Gặp gỡ Sài Gòn” nói về không khí những ngày đầu thống nhất đất nước ở thành phố sau này được mang tên Bác.

Ngày 11/5/1975, ông cùng đồng đội được chiếc xe “Giải phóng” tới đưa về Sài Gòn.

Cờ bay khắp mọi nhà, mọi ban công, tầng lầu, trẻ em đùa vui nắm tay nhau nhảy múa trên sân thượng tại phố Lê Văn Duyệt, các rạp Ciné quảng cáo chương trình phim cách mạng… Đặc biệt là ấn tượng về thanh niên, sinh viên náo nức đón mừng ngày vui thống nhất.

{keywords}
Nhân dân Sài Gòn chào mừng các anh giải phóng quân. Ảnh tư liệu

Tại Viện Đại học Vạn Hạnh, sinh viên đang ngồi trò chuyện ở lan can, số đông khác đang tập bài hát Giải phóng miền Nam.

Ở Dinh Độc Lập, hàng trăm bộ đội, quần áo gọn gàng, mũ, dép đầy đủ, đồng phục, đang bắt tay vào việc làm lễ đài chuẩn bị cho ngày mừng chiến thắng. Nhiều người dân, phần lớn ở lứa tuổi trung niên, đứng nói chuyện thân mật cùng bộ đội.

Kỷ niệm khác nói về tình cảm của người dân Sài Gòn dành cho bộ đội giải phóng khi ông Nghị và bạn vào quán bún chả ở đầu phố Duy Tân mà chủ quán là người gốc Hải Phòng. Đó là suất bún chả rất đặc biệt.

Bà chủ quán xởi lởi: “Làm để các cậu xơi, tôi mới đơm đầy bún và nhiều thịt, người ta thì khác”.

Ngày 15/5/1975, hơn 1 triệu người Sài Gòn đã xuống đường mừng chiến thắng.

{keywords}
Đông đảo các tầng lớp nhân dân Sài Gòn tham dự mít tinh mừng chiến thắng. Ảnh tư liệu

“Ảnh Bác, cờ đỏ sao vàng, cờ mặt trận tung bay khắp mọi nơi. Người người ra đường với những bộ quần áo đẹp. Dòng người như không bao giờ dứt, sóng cờ và biểu ngữ nhấp nhô.

Trừ lòng đường dành cho đoàn duyệt binh, còn 2 bên vỉa hè, trên những hàng rào, lan can, trên ngọn cây, trên các tầng lầu người ngồi, người đứng, tất cả đều chăm chú lắng nghe tiếng nói của các vị trong đoàn chủ tịch và tập trung nhìn những đoàn xe của QĐND - Những người con kiên cường quang vinh đã chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”.

Người dân Sài Gòn đặc biệt ấn tượng khi đoàn quân giải phóng về tiếp quản thành phố có cả những dàn vũ khí hiện đại chạy rầm rập qua Dinh Độc Lập, nào là xe tăng, pháo binh, tên lửa SAM.

Người dân vừa trầm trồ khen sức mạnh của quân giải phóng, vừa xuýt xoa “may sao các thứ vũ khí này đã không phải dùng tới khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn”.

Cuốn nhật ký với những ký ức hào hùng

Những kỷ niệm trên là những dòng chữ trong cuốn nhật ký đã cũ của ông ghi lại trong những năm tháng đi B, từ ngày 17/4/1971 với hành trình vượt Trường Sơn cho đến khi ông được trở ra miền Bắc sau ngày đất nước hoà bình thống nhất.

Cuốn nhật ký này mới đây đã được ông Phạm Quang Nghị cho xuất bản thành sách với tựa đề “Nơi ấy là chiến trường”.

{keywords}
Ông Phạm Quang Nghị (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội nghe Đài Tiếng nói Việt Nam ở "R"

Nguyên Bí thư Hà Nội chia sẻ, trong suốt thời gian đó, chỉ trừ những lúc hoàn cảnh thật sự không thể cho phép, như hành quân liên miên thâu đêm, giặc cản và bom pháo quá dữ dội... còn lại hầu như mỗi ngày ông đều ghi nhật ký.

Nhật ký với ông như người bạn tâm giao, chuyện không nói được với ai thì nói trong nhật ký.

“Nếu thời gian không làm cho những trang viết bay màu và những cuốn sổ ghi chép mỗi ngày thêm hư hỏng, mục nát thì chắc là tôi vẫn để cho chúng nằm yên nơi góc tủ.

{keywords}
Các cuốn nhật ký ở chiến trường của ông Phạm Quang Nghị được xuất bản thành sách tựa đề "Nơi ấy là chiến trường"

Những cuốn sổ giờ đây không chỉ là những trang giấy cũ, mà chúng là những kỷ niệm gắn với những vùng đất, những con người mà tôi đã từng gặp; về cuộc sống, chiến đấu hết sức hào hùng và tài trí của quân và dân ta.

Vì thế, cách tốt nhất để lưu giữ lại những ký ức vốn từ lâu đã thành của chung là tôi phải in ra những trang viết ngày ấy”, nguyên Bí thư Hà Nội chia sẻ lý do thôi thúc ông hoàn thành cuốn nhật ký này. 

Phi đội hào hoa đánh Tân Sơn Nhất

Phi đội hào hoa đánh Tân Sơn Nhất

Phi công phi đội Quyết Thắng ném bom sân bay Tân Sơn Nhất ai cũng đẹp trai kiểu đàn ông đích thực và toàn tài.

Hương Quỳnh