Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Trưởng bộ phận thư ký tài chính Công ty AIC là đối tượng liên quan đến sai phạm trong vụ án xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đã về nước đầu thú.
Trước đó, vào ngày 10/7/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố các bị can trong vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.
CQĐT đề nghị truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 13 người khác về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đề nghị truy tố bà Lê Thị Phú (nguyên Phó trưởng phòng Quản lý giá, Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh) và ông Lương Văn Tám (nguyên Giám đốc Ban QLDA, Sở Y tế) tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo kết luận điều tra, bà Phương được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn phân công là Trưởng bộ phận thư ký tài chính, phục vụ cho hoạt động thu, chi riêng của bà Nhàn, không hạch toán vào sổ sách kế toán Công ty AIC.
Các công ty: AIC, Mopha, Phúc Hưng, Công nghệ cao, Uy tín Toàn cầu đều là những công ty do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn thành lập, phân công nhân viên Công ty AIC đứng tên đại diện pháp luật hoặc Kế toán trưởng và giao bà Nguyễn Thị Thu Phương cùng Bộ phận thư ký tài chính của bà Nhàn điều hành hoạt động.
Kết luận điều tra cho rằng, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn biết rõ Công ty AIC không đủ năng lực tài chính, nếu dự thầu tại Dự án Bệnh viện Sản- Nhi Quảng Ninh, công ty sẽ không trúng thầu.
Dù vậy, để Công ty AIC, Công ty Mopha trúng 6 gói thầu tại Dự án Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, bà Nhàn đã chỉ đạo ông Đỗ Văn Sơn (kế toán trưởng) điều chỉnh hệ số thanh toán nợ ngắn hạn trong các Báo cáo tài chính năm 2010, 2011, 2012 để tham dự thầu.
Công ty AIC trúng các gói thầu, nhưng báo cáo tài chính 3 năm 2010-2012 của Công ty AIC do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ AIC và Đỗ Văn Sơn (kế toán trưởng) ký cung cấp cho chủ đầu tư không đúng với báo cáo tài chính đã nộp cho cơ quan thuế.
Báo cáo tài chính thực tế gửi cơ quan thuế các năm 2010, 2011, 2012 có hệ số thanh toán nợ ngắn hạn dưới 1, bà Nhàn đã chỉ đạo ông Đỗ Văn Sơn điều chỉnh tăng “tài sản ngắn hạn” và điều chỉnh giảm “nợ ngắn hạn” trên các báo cáo tài chính năm 2010, 2011, 2012 để hệ số thanh toán nợ lớn hơn hoặc bằng 1. Sau đó, thuê Công ty kiểm toán KTV xác nhận với mục đích đủ điều kiện dự thầu.
Kết luận điều tra cho rằng, Công ty AIC đã gian lận, vi phạm các hành vi bị cấm trong đấu thầu.
Sai phạm của bà Nguyễn Thị Thu Phương
Tại dự án Bệnh viện Sản- Nhi, theo chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bà Phương đã giúp bà Nhàn điều hành các công ty “quân xanh” trong hệ sinh thái AIC tham dự thầu, ký mục Kế toán trưởng tại các Báo cáo tài chính năm 2010, 2011, 2012 trong hồ sơ dự thầu của Công ty Phúc Hưng.
Bà Phương còn chỉ đạo nhân viên sử dụng tiền của Bộ phận thư ký tài chính nộp thay các cổ đông để góp vốn vào các công ty “quân xanh” trong hệ sinh thái gồm Công ty Mopha, Công ty Công nghệ cao, Công ty Uy tín Toàn cầu (bản chất cổ đông chỉ đứng tên không góp vốn) để đi dự thầu cho Công ty AIC.
Trước khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bà Nguyễn Thị Thu Phương đã bỏ trốn nên CQĐT chưa ghi được lời khai.
Tuy nhiên, căn cứ hồ sơ tài liệu thu thập được (báo cáo tài chính, sao kê tài khoản), lời khai của ông Đỗ Văn Sơn (kế toán trưởng), lời khai của giám đốc các công ty “quân xanh” trong hệ sinh thái AIC, lời khai nhóm nhân viên Thư ký tài chính, CQĐT cho rằng, có đủ cơ sở kết luận bà Phương đã giúp bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn điều hành các công ty trong hệ sinh thái tham dự thầu tàu Dự án Sản- Nhi để làm “quân xanh” cho Công ty AIC và Công ty Mopha trúng thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50 tỷ đồng.
Theo CQĐT, hành vi của bà Phương đã vi phạm Điều 12 Luật Đấu thầu năm 2005, Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đã phạm vào tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3, Điều 222 BLHS năm 2015.
Thời điểm hoàn tất kết luận điều tra, bà Phương đang bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm cá nhân và cản trở hoạt động điều tra nên cần xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.