Trên tài khoản X, Sam Altman đăng tấm ảnh đeo thẻ dành cho khách vãng lai khi đến trụ sở OpenAI – công ty ông đồng sáng lập – ngày 19/11. “Lần đầu và cũng là lần cuối tôi đeo những thứ này”, CEO vừa bị phế truất viết.
Jason Kwon, Giám đốc chiến lược của OpenAI, cũng đăng ảnh Sam đeo thẻ khách. Sam Altman xuất hiện tại trụ sở công ty sau tin tức các nhà đầu tư đang tìm cách đưa ông trở lại vị trí CEO, chỉ một ngày sau khi bị ban quản trị sa thải.
Trong 48 giờ qua, một bộ phận nhân viên OpenAI, bao gồm các lãnh đạo, bày tỏ sự ủng hộ đối với Altman trên mạng xã hội khi chia sẻ biểu tượng “trái tim” dưới bài viết của ông.
Microsoft, Sequoia Capital, Tiger Global và hãng đầu tư mạo hiểm Thrive Capital nằm trong số những bên muốn phục chức cho Altman hoặc đang thảo luận với ông, nguồn tin thân cận tiết lộ với CNBC.
Sáng 18/11, Giám đốc điều hành OpenAI Brad Lightcap gửi thư cho nhân viên và thừa nhận thông báo sa thải của ban quản trị khiến tất cả bất ngờ.
“Chúng tôi đã có nhiều cuộc trao đổi với ban quản trị để cố gắng hiểu hơn về lý do và quy trình đằng sau quyết định của họ. Những trao đổi này và tùy chọn liên quan đến con đường phía trước của chúng ta sẽ tiếp tục vào sáng nay”.
Khả năng Altman quay về OpenAI còn bỏ ngỏ.
Elon Musk, cựu thành viên ban quản trị OpenAI, cũng chia sẻ quan điểm của mình trước tin tức gây sốc cuối tuần qua.
Theo CEO Tesla, rủi ro tiềm tàng của AI quá lớn nên OpenAI – công ty AI quyền lực nhất thế giới hiện tại – nên tiết lộ lý do sa thải Altman.
Trong thông cáo, OpenAI chỉ nói ban quản trị “không còn niềm tin vào khả năng tiếp tục dẫn dắt” của ông.
Musk rời OpenAI năm 2018 với lý do xung đột lợi ích với Tesla. Tuy nhiên, sau đó, ông nói với CNBC rằng mình ra đi vì lo ngại tác động của công ty đối với xã hội.
Theo CNBC, cấu trúc quản trị bất thường của OpenAI là nguyên nhân khiến Sam dễ bị tổn thương.
Dù có một ghế trong ban quản trị, ông lại không nắm bất kỳ cổ phần nào. Điều đó đồng nghĩa ông không có nhiều quyền kiểm soát nếu mọi thứ chống lại mình.
Hầu như các nhà sáng lập đều tận dụng lợi thế của cấu trúc cổ phiếu hai tầng. Cụ thể, họ tạo ra hai tầng cổ phiếu – một cho nhà đầu tư mạo hiểm và công chúng (nếu IPO) và một mạnh hơn dành cho các nhà sáng lập và trong một số trường hợp là nhà đầu tư lớn.
CEO và nhà sáng lập sử dụng cấu trúc ấy để bảo vệ bản thân trước nguy cơ mất quyền kiểm soát công ty.
Quyền được giao cho mỗi cổ đông khác nhau nhưng thường bao gồm quyền biểu quyết vượt trội, bảo đảm ghế hội đồng quản trị hay các điều khoản quản trị khác khiến cho ban quản trị khó lật đổ họ ngay cả khi công ty niêm yết.
Một số hãng như Google thậm chí còn có tới ba loại cổ phần, dành cho nhà sáng lập, nhân viên và nhà đầu tư.
Altman không được bảo vệ như vậy. Brockman – cựu Chủ tịch AI – cho biết Sam chỉ phát hiện bị sa thải qua cuộc họp ảo vào trưa 17/11.
Rất hiếm trường hợp nhà sáng lập bị “tống cổ” khỏi công ty của mình. Chẳng hạn, nhà sáng lập Uber Travis Kalanick chỉ bị buộc phải ra đi sau hàng loạt bê bối liên quan đến quyền riêng tư và cáo buộc phân biệt đối xử, quấy rối tình dục.
5 nhà đầu tư lớn, một trong số đó là cổ đông lớn nhất Benchmark, yêu cầu ông nghỉ việc ngay lập tức. Song, câu chuyện của OpenAI hoàn toàn khác biệt.
CNBC nhận xét ban quản trị nhỏ của OpenAI thiếu kinh nghiệm cần có của một công ty tầm cỡ. Không một nhà đầu tư lớn nào – kể cả Microsoft - có ghế trong ban quản trị.
Cho đến khi Altman và Brockman nghỉ việc, ban quản trị bao gồm ba giám đốc bên ngoài và ba lãnh đạo OpenAI.
Do Brockman không tham gia vào việc sa thải Altman, đồng nghĩa những người còn lại đều đã bỏ phiếu. Khi không có đồng minh nào trong hội đồng, rõ ràng Altman không thể thắng.
(Theo CNBC, Insider)