Năm 2022 sẽ là năm định hình đối với thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), các chủ đề nổi bật nhất tại CES vừa qua. Sony, Microsoft và Qualcomm cùng nhiều công ty khác đều được cho là sẽ có động thái tiến vào cuộc đua thiết bị đeo VR và AR trong năm nay hoặc năm sau.

Lần gần nhất, Samsung đã rất nhanh chân đánh dấu sự hiện diện với dòng sản phẩm thiết bị đeo dựa trên điện thoại thông minh, Gear VR, ra mắt năm 2014. Nhưng từ đó tới nay, các công ty đối thủ như Meta, Microsoft và Snap đã đạt được những bước tiến dài hơn.

{keywords}
 

Samsung nổi tiếng với việc thường xuyên thử nghiệm công nghệ mới, điển hình là đối với các đối thủ cạnh tranh chủ chốt như Apple. Quyết định nhảy vào thị trường điện thoại thông minh Android từ hơn một thập kỷ trước đã giúp công ty trở thành “tay chơi” chiếm lĩnh thị trường thiết bị điện thoại di động lớn nhất thế giới. Điều này khiến sự tương đối im ắng của Samsung trong cuộc đua về kính thông minh, trở nên khó hiểu.

Các đối thủ “cất cao tiếng gáy”

Mặc dù có thể còn lâu nữa thiết bị kính thông minh mới trở nên đủ hữu ích để chiếm một vị trí trong cuộc sống hàng ngày của con người, nhưng ngành công nghiệp này dường như đang rất nóng lòng để đạt được điều đó. Năm 2022 bắt đầu với một loạt các thông báo tại CES, khi Microsoft và Qualcomm đạt thoả thuận sản xuất vi xử lý tuỳ chỉnh cho kính AR, các mẫu kính (concept) từ nhà sản xuất TCL trông giống như phiên bản cao hơn của Google Glass. Sony cũng hé lộ về thế hệ PlayStation VR thế hệ hai dù chưa có thông tin chi tiết về giá cả và ngày ra mắt.

Năm 2021 chứng kiến nhiều tiến bộ quan trọng đối với AR và VR, một trong những sự kiện lớn nhất là việc Facebook đổi tên thành Meta. Sự thay đổi phản ánh mục tiêu lớn hơn của công ty, mở rộng ra khỏi mạng xã hội và tập trung xây dựng vũ trụ ảo (metaverse), thuật ngữ chung cho cộng đồng kỹ thuật số bao hàm cả AR và VR.

Meta công bố dự án Nazare kính thông minh năm ngoái và đã ra mắt cặp kính kết nối đầu tiên, RayBan Stories. Dù không có tính năng AR và được thiết kế chủ yếu để chụp ảnh rảnh tay, nhưng các thiết bị này vẫn là một bước tiến đối với kính thông minh trong tương lai.

Hiện Meta cũng là công ty dẫn đầu thị trường VR với thiết bị Oculus VR. Theo International Data Corporation, công ty mẹ của Facebook đang chiếm gần 75% thị trường thiết bị đeo AR và VR.

Công ty mẹ của Snapchat là Snap, trong năm 2021 cũng ra mắt chiếc kính AR không dây đầu tiên, có khả năng hiển thị hiệu ứng 3D trên môi trường thực xung quanh và theo dõi chuyển động của tay. Mặc dù các thiết bị này chủ yếu dành cho các nhà phát triển ứng dụng, nhưng tới nay, Snap đã phát triển ba thế hệ kính chụp ảnh (Snapchat Spectacles), tín hiệu cho thấy công ty rất nghiêm túc trong việc theo đuổi công nghệ này.

{keywords}
Microsoft HoloLens 2. (Ảnh: Microsoft)

Trong khi đó, Microsoft, một trong những công ty đầu tiên nhảy vào thị trường AR và VR với thiết bị HoloLens AR từ năm 2015. Hãng cũng ra mắt thế hệ thứ hai vào năm 2019 và bổ sung thêm 5G vào phiên bản năm 2020.

Apple, công ty công nghệ vốn hoá lớn nhất thế giới, chưa phát hành bất kỳ sản phẩm VR hay AR nào, nhưng ngày càng nhiều tin đồn về việc hãng sẽ ra mắt một thiết bị trong năm nay. Nhà sản xuất iPhone dự kiến sẽ ra mắt thiết bị đeo có khả năng AR và VR dành cho những nhà phát triển trong năm 2022 (hoặc trong năm 2023), tạo nền tảng cho sản phẩm kính thông minh thương mại hoá thân thiện với người dùng trong tương lai.

CEO Tim Cook khẳng định AR khi được sử dụng với điện thoại là một bước đột phá, và công nghệ này rất quan trọng đối với tương lai công ty. Apple từ lâu đã cung cấp công cụ cho các nhà phát triển xây dựng ứng dụng AR cho iPhone với nền tảng ARKit, nhưng gần đây hãng bắt đầu tích hợp sâu hơn các cảm biến Lidar (hỗ trợ tạo mô hình 3D) vào một số mẫu iPhone và iPad Pro nhất định.

Giấu mình chờ thời?

Đối với Samsung, hãng chưa ra mắt thêm phiên bản mới cho thiết bị Gear VR từ năm 2017. Có vẻ như công ty Hàn Quốc đang tập trung vào khía cạnh khác của AR. Ví dụ, tại CES 2022, Samsung ra mắt concept tích hợp AR vào kính trước ô tô hiện thị thông tin thời tiết, áp suất lốp, bản đồ hay các thông tin khác. Công ty cũng kết hợp với ứng dụng xã hội Zepeto và hình đại diện 3D để tạo ra một ngôi nhà số chứa các sản phẩm của hãng tại CES. Các động thái đó cho thấy Samsung không đi ra ngoài xu hướng metaverse hiện tại.

Trước đó, tại CES 2020, Samsung đem tới concept kính AR kết hợp bộ khung xương ngoài (exoskeleton) đem tới trải nghiệm tập luyện ảo. Xa hơn vào năm 2017, hãng cũng giới thiệu concept kính có tên Monitorless tại Triển lãm di động toàn cầu (MWC).

Hai video rò rỉ trong năm 2021 cho thấy hãng công nghệ Hàn Quốc đang nghiên cứu cặp kính AR có khả năng hiện thị màn hình khổng lồ trước mắt người dùng hoặc đặt các vật thể 3D vào môi trường thực xung quanh.

Samsung cho biết các đội nghiên cứu của hãng đang “tiếp tục phát triển các công nghệ lõi cho thiết bị thông minh, gồm cả kính AR, thế hệ thiết bị đeo tiếp theo”.

“Kính AR được kỳ vọng trở thành thiết bị IT tiếp theo do chúng có lợi thế nhập vai trong môi trường lớn hơn so với trên điện thoại di động. Người dùng không cần phải cầm nắm, hay rút ra khỏi túi để tận hưởng một màn hình hiển thị riêng tư của riêng mình”, theo Samsung Research.

Tập đoàn Hàn Quốc thường không chịu ngồi ngoài với các công nghệ mới. Hãng ra mắt chiếc đồng hồ thông minh đầu tiên (Galaxy Gear) ngày từ năm 2013 khi cả ngành công nghiệp còn đang rụt rè. Để so sánh, tới năm 2015, Apple mới ra mắt thế hệ Apple Watch đầu tiên.

Câu chuyện tương tự đối với các công nghệ như màn hình cong hay điện thoại gập. Ngày từ năm 2013, Samsung đã ra mắt Galaxy Round (điện thoại màn hình cong) trước khi đưa viền cong lên các mẫu điện thoại Galaxy gần đây.

Galaxy Z Fold, là một trong những sản phẩm điện thoại màn hình có thể gập đầu tiên được ra mặt năm 2019, giờ đã phát triển tới thế hệ thứ ba. Nói về sự nhanh nhạy ứng dụng công nghệ điện thoại gập, phần còn lại còn ngành công nghiệp điện thoại thông minh đã không thể bắt kịp gã khổng lồ Hàn Quốc.

Để trở thành “dòng chảy chính” như điện thoại thông minh hay đồng hồ thông minh, kính thông minh sẽ phải giải quyết một số thách thức như cải thiện thời lượng pin, tính tương thích với điện thoại hay dễ dàng đeo cùng kính thuốc.

Rõ ràng Samsung đang cân nhắc về các rủi ro khi tham gia thị trường sớm và đánh đổi khi chờ đợi một quá trình kéo dài nhiều năm, hay hãng có thể cho ra mắt các sản phẩm đơn giản hơn trong thời gian chờ đợi như kính âm thanh của Amazon và Bose.

Một điều cũng cần lưu ý rằng, Meta và Microsoft vốn là các công ty đã bỏ lỡ phần lớn sự bùng nổ của điện thoại thông minh, do đó họ có động lực lớn hơn để ngăn cản thị trường kính thông minh trở thành cuộc đua song mã giữa Apple và Samsung. Mặc dù vậy, Samsung đang là nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới (theo Counterpoint Research) và nắm giữ vị trí thứ hai trong thị trường thiết bị đeo nên việc im lặng của hãng công nghệ Hàn Quốc chắc chắn tạo ra một khoảng trống hay lực đẩy lớn đối với công nghệ AR/VR.

Vinh Ngô (Theo Cnet)