PV: Thưa ông, hiện nay, Samsung có những khó khăn gì trong quá trình thực hiện các chương trình kết nối, tìm kiếm nhà cung ứng tiềm năng?

Ông Kim Dong Hwan: Hiện tại, Samsung Việt Nam đang phối hợp cùng Bộ Công thương, các sở công thương ở các tỉnh và Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam theo các ngành nghề liên quan để tiếp nhận danh sách các doanh nghiệp, sau đó tiến hành thẩm tra hồ sơ, đến thăm trực tiếp và đánh giá nhằm tạo nguồn những doanh nghiệp Việt Nam tiềm năng. Trên thực tế, thông qua quá trình này cũng đã có nhiều ví dụ điển hình về việc kết nối giao dịch thành công của các doanh nghiệp, nhờ đó mối quan hệ hợp tác giữa Samsung và các cơ quan liên quan của Việt Nam cũng đã liên tục được củng cố.

{keywords}
Samsung Việt Nam khảo sát tại công ty điện tử 4P

Thông qua chương trình hợp tác này, chúng tôi mong muốn được chia sẻ rộng rãi hơn nữa những chính sách phát triển và kế hoạch đào tạo, hỗ trợ trung và dài hạn các ngành nghề của Chính phủ Việt Nam. Đặc biệt là có thể đánh giá một cách khách quan năng lực cạnh tranh hoặc mức độ uy tín - những hạng mục mà vốn dĩ rất khó để kiểm chứng thông qua dữ liệu - của những doanh nghiệp Việt được giới thiệu.

Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu các thông tin liên quan thì do các cơ quan chuyên trách phải trải qua quá trình tổng hợp dữ liệu thủ công nên còn nhiều hạn chế về mặt thời gian. Điểm khó khăn nhất có thể nói là còn có một số trường hợp dữ liệu nhận được lại là những dữ liệu chưa chính xác hoặc là những chỉ số kinh doanh chưa được cập nhật.

PV: Với hệ thống cơ sở dữ liệu trên, Samsung kỳ vọng sẽ giúp ích được gì cho quá trình kết nối, tìm nhà cung ứng của Samsung?

Ông Kim Dong Hwan: Đầu tiên, tôi xin được chúc mừng và chào đón sự ra đời của “Cổng thông tin điện tử công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” do Cục công nghiệp trực thuộc Bộ Công thương quản lý.

Việc có thể quản lý thông tin một cách tập trung, đa dạng liên quan đến cơ sở hạ tầng doanh nghiệp Việt Nam là sự thay đổi to lớn và rất có ý nghĩa nhằm thúc đẩy và trợ giúp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam một cách có hệ thống và hiệu quả.

Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng đây sẽ là không gian gặp gỡ hữu ích trong việc tăng cường kết nối thương mại giữa các doanh nghiệp ưu tú trong nước với không chỉ Samsung mà còn là nhiều doanh nghiệp FDI khác.

Việc đưa vào vận hành cổng thông tin điện tử có rất nhiều ưu điểm nhưng để hoạt động sao cho phù hợp với mục đích ban đầu thì cần phải đảm bảo tính mở, tính tiếp cận, tính tiện lợi của người sử dụng. Bên cạnh đó để dữ liệu cung cấp đạt độ chính xác cao, cập nhật thường xuyên thì việc nỗ lực xây dựng và quản lý hệ thống cũng không kém phần quan trọng.

PV: Xin ông cho biết thêm về kết quả hỗ trợ tư vấn cải tiến doanh nghiệp của Samsung Việt Nam trong thời gian qua?

Ông Kim Dong Hwan: Nếu so với chỉ có 4 doanh nghiệp cung ứng cấp 1 vào năm 2014, thì số lượng doanh nghiệp cung ứng cấp 1 của Samsung đã có sự gia tăng mạnh mẽ. Tính đến hết năm 2019 là 42 doanh nghiệp, dự kiến sẽ là 50 doanh nghiệp vào năm 2020. Số lượng vendor cấp 2 hiện nay của Samsung là 172 doanh nghiệp. Đó là kết quả của quá trình nhiều năm tìm kiếm, kết nối và tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất của mình.

Với cam kết phát triển đồng thịnh vượng với Việt Nam, Samsung không chỉ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng của mình, mà chúng tôi còn hỗ trợ sự phát triển chung cho ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.

Cụ thể, Samsung đã và đang liên tục triển khai các hoạt động thiết thực bao gồm: Hội thảo triển lãm công nghiệp phụ trợ được tổ chức thường niên cùng với sự hỗ trợ của Bộ Công thương, Sở Công thương các Tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), … để tìm kiếm và kết nối các doanh nghiệp nội địa vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung; Tổ chức các chương trình tư vấn cải tiến sản xuất và chất lượng cho các doanh nghiệp do các chuyên gia Hàn Quốc trực tiếp hướng dẫn từ năm 2015. Đối tượng tham gia là các doanh nghiệp Việt Nam tiềm năng, không nhất thiết chỉ là các doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng của Samsung.

Tính đến cuối năm 2019, chúng tôi đã tư vấn và đào tạo cho 142 doanh nghiệp và đạt nhiều kết quả tốt như: năng suất tăng trung bình tăng 30%, thậm chí có doanh nghiệp tăng đến 90%.

Ngoài ra, chúng tôi phối hợp với Bộ Công Thương đào tạo 207 chuyên gia tư vấn người Việt Nam trở thành nguồn nhân lực then chốt trong lĩnh vực tư vấn và đào tạo cho doanh nghiệp CNHT.

Trong thời gian tới, chúng tôi có kế hoạch phối hợp với bộ Công Thương đào tạo khoảng 200 chuyên gia về lĩnh vực chế tạo khuôn mẫu trong 4 năm (từ năm 2020 đến 2023).

Xin cảm ơn ông!

Thu Ngân (thực hiện)