Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam vừa phối hợp cho ra mắt tác phẩm thứ hai trong dự án Huyền sử Việt mang tên Thượng Thiên Thánh Mẫu.
Vở diễn được xây dựng dựa trên những huyền tích dân gian về Mẫu Liễu Hạnh – vị đệ nhất Thánh mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân Việt Nam được tác giả - Ths Lê Thế Song và Ths Xuân Hồng viết kịch bản dàn dựng để kết hợp cùng nghệ thuật Xiếc và Cải lương.
"Viết về một nhân vật Thánh Mẫu mà ai cũng biết, rất khó. Tôi rất may mắn khi được đồng hành với 2 đạo diễn tài năng là NSND Triệu Trung Kiên và NSND Tống Toàn Thắng. Các anh ấy bồi đắp thêm cho kịch bản. Thánh Mẫu giáng trần rất nhiều lần, tôi chọn 3 lần điển hình nhất của Mẫu để vở diễn có thể co lại trong 2 tiếng", Ths Lê Thế Song chia sẻ.
Nghệ nhân ưu tú Phạm Hải Hậu - Thủ nhang Đền Lảnh Giang cũng tham gia vào vở diễn. |
Vì là huyền tích dân gian nên sẽ có rất nhiều giai thoại khác nhau, chính vì vậy, ekip trước khi dựng vở đã tham khảo ý kiến, xin tài liệu lưu trữ của nhất nhiều thủ nhang, đồng đền uy tín. Cố vấn tâm linh cho vở diễn là T.S Bùi Hữu Dược - Nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ; Nghệ nhân ưu tú Phạm Hải Hậu - Thủ nhang Đền Lảnh Giang.
Chủ đích của ekip sáng tạo khi dựng vở Thượng Thiên Thánh Mẫu kết hợp giữa hai loại hình Xiếc và Cải lương để mang tới cách thưởng thức nghệ thuật có tính giải trí cao nhưng vẫn mang tính triết lý sâu sắc, tính trữ tình và tư duy bác học của sân khấu đương đại. Thêm vào đó, ekip sáng tạo muốn người xem gạt bỏ định kiến là "xiếc chỉ dành cho trẻ con, còn cải lương dành cho người già".
Chính vì lẽ đó, mở màn vở diễn, hình ảnh nhóm bạn trẻ ăn mặc hiện đại, nhảy hip-hop là người dẫn chuyện, dẫn người xem trở về với câu chuyện từ khi sinh ra tới khi quy y cửa Phật và thành đạo, hiển linh làm Mã Vàng Bồ Tát của Mẫu Liễu Hạnh. Để cho đại chúng, người già trẻ em đều xem được, những bài hát Văn đã được ngắn bớt. Đây cũng là cách mà ekip sáng tạo nỗ lực để bằng ngôn ngữ nghệ thuật truyền tải được tới giới trẻ Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Sân khấu nỗ lực giới thiệu di sản phi vật thể của Việt Nam tới giới trẻ |
Những lớp diễn cùng thủ pháp xử lý của đạo diễn đã tạo nên một mạch diễn nhiều cảm hứng, sự sáng tạo và hấp dẫn của Xiếc và Ảo thuật đan quyện vào câu chuyện kể của Cải lương tạo thành sự hấp dẫn và có chiều sâu trong nghệ thuật.
Những tinh hoa của nghệ thuật Cải Lương như các điệu lý, các câu vọng cổ các lớp diễn trữ tình được NSND Triệu Trung Kiên khai thác triệt để. Những trò diễn đặc sắc của Xiếc như bay trên không, ảo thuật nâng người, xoay người trên trục được NSND Tống Toàn Thắng áp dụng hoàn hảo trong không gian và hoàn cảnh của tác phẩm.
Bên cạnh đó, NSND Tự Long cũng đã rất xuất sắc khi cống hiến cho người xem những khúc Văn ca Thánh Mẫu và Nghi lễ Hầu đồng giầu cảm xúc, tinh tế ngọt ngào cùng vẻ rạng ngời và linh thiêng của một thành tố góp phần tạo nên di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nhà nghiên cứu, soạn giả Thế Khoa nhận xét: "Đã có thể nói về một thể loại cải lương xiếc đầy triển vọng dù quá kỳ công. Mọi thứ đã liền mạch, đã hòa điệu tự nhiên trong một tổng thể. Ở tác phẩm này thì Hầu đồng, Cải lương, Xiếc cùng tôn nhau lên. Thật đẹp, thật trữ tình, thật bay bổng, thật kỳ diệu, thật linh thiêng, Huyền sử Việt đã tìm được hình thức sân khấu thể hiện xứng đáng nhất, hấp dẫn nhất. Nếu bỏ đi phần dẫn chuyện dài dòng không thật cần thiết, tác phẩm sẽ hay hơn. Mong dịch nhanh qua để Thượng Thiên Thánh Mẫu sẽ được chào đón khán giả".
Theo truyền thuyết, Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh bất tử (Tứ bất tử). Bà vốn là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế. Thánh Mẫu ba lần giáng trần cứu nhân độ thế và truyền dạy dân thạo nghề nông tang cùng những khúc Văn ca. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn sắc phong là “Mẫu nghi thiên hạ” (Mẹ của muôn dân), “Chế Thắng Hòa Diệu đại vương”. Cuối đời, bà quy y cửa Phật rồi thành đạo, hiển linh làm Mã Vàng Bồ Tát. Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần. Người dân thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân. |
Tình Lê
Gia tộc cải lương lừng lẫy của NSƯT Bảo Quốc
NSƯT Bảo Quốc là con trai của chủ gánh hát nổi danh Thanh Minh, và là em trai cùng cha khác mẹ với huyền thoại cải lương Thanh Nga.