Từ “cầm tay chỉ việc” đến tận dụng các kênh trực tuyến

Tại thời điểm trung tuần tháng 7, khi phê duyệt kế hoạch “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông dân lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”, Bộ TT&TT cũng đã giao nhiệm vụ cho 2 doanh nghiệp bưu chính sở hữu các sàn TMĐT Postmart, Vỏ Sò là Vietnam Post, Viettel Post chủ trì triển khai kế hoạch.

Hiện các phương án cụ thể hóa kế hoạch trên đang được 2 doanh nghiệp triển khai, tập trung trước nhất vào hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp tại 19 tỉnh, thành phía Nam đang giãn cách lên các sàn TMĐT để tiêu thụ nông sản, đặc sản đang đến mùa thu hoạch như: nhãn, thanh long, na, sầu riêng, cam sành, khoai lang tím…

Tuy nhiên, trong điều kiện các địa phương giãn cách, đại diện 2 doanh nghiệp đều thừa nhận, việc đào tạo kỹ năng số cho người dân, giúp họ làm quen với phương pháp kinh doanh mới qua sàn TMĐT là một thách thức không nhỏ.

{keywords}
Bên cạnh trực tiếp "cầm tay chỉ việc", nhân viên các sàn TMĐT còn tận dụng các kênh online để hướng dẫn các hộ nông dân.

Thực tế hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đặc sản cho các tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như Hải Dương, Bắc Giang... trên các sàn Postmart, Vỏ Sò đã cho thấy, để các hộ nông dân biết cách đăng ký mở gian hàng, viết giới thiệu và tổ chức bán hàng trên sàn, cách đào tạo hiệu quả hơn cả là trực tiếp xuống các trang trại, nhà vườn để “cầm tay chỉ việc”.

Thế nhưng, ở các khu vực cách ly, phong tỏa, đội ngũ nhân sự 2 doanh nghiệp bưu chính khó có thể đến gặp và đào tạo trực tiếp cho bà con nông dân. Vì thế, thay vì hướng dẫn trực tiếp theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, các kênh trực tuyến đã được tận dụng triệt để trong đào tạo, hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp tiếp cận với phương thức thức bán hàng qua sàn TMĐT.

“Bước đầu khó khăn nhất chính là hướng dẫn bà con thao tác trên thiết bị thông minh và các ứng dụng. Để người nông dân các tỉnh dùng thành thạo điện thoại thông minh như giới trẻ phải mất một thời gian. Đội ngũ nhân viên của sàn dù ở xa nhưng luôn hỗ trợ, giải đáp thắc mắc cho bà con, giúp họ làm quen với thiết bị thông minh nhanh nhất có thể”, ông Trần Trung Kiên, Giám đốc sàn TMĐT Vỏ Sò chia sẻ.

Cụ thể, tại các địa bàn đang phong tỏa, mọi hoạt động đi lại đều bị hạn chế, các nhân viên của 2 sàn TMĐT đã tổ chức đào tạo cho các hộ sản xuất nông nghiệp về cách tạo tài khoản, đưa sản phẩm lên Postmart, Vỏ Sò qua các kênh online như Zalo, Zoom, Facebook Livestream…

Việc đào tạo cho các hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh phía Nam đang giãn cách còn được triển khai qua các ấn phẩm, tài liệu đơn giản và trực quan. Nhờ đó, dù không trực tiếp đến tận vườn nhưng nhân viên của 2 doanh nghiệp vẫn có thể hỗ trợ bà con nông dân lên sàn tiêu thụ nông sản, đặc sản.

Điều chỉnh luồng logistics, đảm bảo hành trình tối ưu cho nông sản

Không chỉ chú trọng công tác đưa sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT, cả Vietnam Post và Viettel Post còn đầu tư vào quy trình vận tải, đặc biệt trong bối cảnh các tỉnh, thành miền Nam đều giãn cách xã hội, các tuyến đường lưu thông cả nội tỉnh lẫn liên tỉnh đều được thắt chặt để phục vụ cho việc kiểm soát dịch bệnh. 

{keywords}
Từ giờ tới cuối năm 2021, hai doanh nghiệp dự kiến sẽ đưa khoảng 2 triệu hộ nông dân miền Nam lên kinh doanh trên các sàn Postmart, Vỏ Sò.

Đại diện Vietnam Post cho hay: “So với các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại Hải Dương và Bắc Giang trước đây, chương trình hỗ trợ 19 tỉnh thành phía Nam lần này có khác biệt về cách thức triển khai cũng như có thêm phần bình ổn giá bán. Mục tiêu của chúng tôi là phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ người dân lưu thông hàng hóa, tăng sản lượng tiêu thụ qua các kênh bán hàng truyền thống, thương mại điện tử nhưng vẫn giữ giá bình ổn”.

Theo đó, tại các địa phương siết chặt vận chuyển theo Chỉ thị phòng chống dịch, nông sản không thể vận chuyển đi xa trong thời gian dài, 2 doanh nghiệp bưu chính đang thúc đẩy tiêu thụ tại chính địa phương, với mức giá bình ổn.

Một số tỉnh thành khác có thể thông luồng vận chuyển dễ dàng và đặc thù nông sản dễ bảo quản, 2 doanh nghiệp lên phương án để đưa nông sản, đặc sản của các hộ sản xuất nông nghiệp đi tiêu thụ ở nhiều nơi, không bỏ qua việc quảng bá rộng rãi trên cả 2 sàn TMĐT để có thể tiếp cận tới đông đảo khách hàng tiềm năng trên toàn quốc.

Bên cạnh mục tiêu hỗ trợ tiêu thụ nông sản, 2 doanh nghiệp đều cam kết thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh khi tổ chức các hoạt động hỗ trợ bà con nông dân. “Ngay việc chuyển sang hình thức đào tạo, hướng dẫn trực tuyến cho các hộ sản xuất nông nghiệp là một trong những thay đổi nhằm phù hợp với tình hình hiện nay”, đại diện Vietnam Post chia sẻ.

Các xe chở nông sản của 2 doanh nghiệp hoạt động liên tỉnh đều được khử khuẩn trước và sau mỗi hành trình, có đầy đủ giấy tờ xác minh để được hoạt động trên luồng vận tải. Đội ngũ tài xế được xét nghiệm nhanh Covid-19 trước khi làm việc, luôn mặc đồ bảo hộ và tuân thủ nguyên tắc “5K” để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

Vân Anh

Giải bài toán tiêu thụ nông sản, trái cây mùa vụ tại các tỉnh phía Nam đang giãn cách

Giải bài toán tiêu thụ nông sản, trái cây mùa vụ tại các tỉnh phía Nam đang giãn cách

Trước mắt, 2 doanh nghiệp Vietnam Post và Viettel Post sẽ tập trung xúc tiến tiêu thụ qua các sàn Postmart, Vỏ Sò những loại nông sản, trái cây mùa vụ có sản lượng lớn như: nhãn Đồng Tháp, nhãn An Giang, na Tây Ninh, khoai lang tím Vĩnh Long…