Sâm Thổ Hào được phân bố nhiều trong tự nhiên tại 3 tỉnh miền Trung. Ở Thanh Hoá gọi là sâm báo, ở Nghệ An gọi là Thổ Hào (hay còn gọi là ngũ chi sâm) và ở Quảng Bình gọi là sâm bố chính.
Để bảo tồn giống sâm quý hiếm này, ông Hoàng Kiểm - Giám đốc Hợp tác xã Tân Hưng Thịnh (Nghệ An) cùng nhiều thành viên khác đã miệt mài nghiên cứu, trồng thí nghiệm ở nhiều địa phương. Sau 10 năm nhân giống, cây sâm đã dần hồi sinh trên mảnh đất bãi bồi sông Lam, huyện Thanh Chương.
Giống sâm quý tiến vua
Ông Kiểm chia sẻ, tổng Thổ Hào xưa là vùng đất nằm ở hạ huyện Thanh Chương, nay là các xã Thanh Giang, Thanh Hà, Thanh Mai, Thanh Tùng. Cây giống được đưa về trồng ở vùng đất này và lấy tên là sâm Thổ Hào, hay Hào sâm, với ý nghĩa là cây sâm của vùng đất Thổ Hào.
Theo sử sách, sâm Thổ Hào là sản vật tiến vua, gắn liền với nhân vật lịch sử là Tiến sĩ Phạm Kinh Vỹ, người có công đưa giống sâm này về trồng trên vùng đất này.
Tuy nhiên, trải qua thời gian, giống sâm này đã bị lãng quên. Đến nay, sau hơn 70 năm, Hợp tác xã Tân Hưng Thịnh đã phục hồi giống sâm quý.
Mô tả về loài cây này, ông Kiểm cho biết cây mọc tự nhiên, sống nhiều năm trên sườn đồi núi và cả đồng bằng. Cây sinh trưởng khá nhanh, ra hoa sau 3 đến 6 tháng khi trồng. Hoa có màu đỏ tươi, quả già có khoảng 20 - 32 hạt.
Cây thân thảo, mọc đứng, có chiều cao khoảng 1m. Lá màu xanh, gốc lá hình trái xoan và phiến lá có hình dáng tương tự mũi tên. Bề mặt lá có nhiều lông. Hoa sâm có 5 cánh, màu hồng phớt vàng hay đỏ.
Ông Kiểm chia sẻ về công dụng của loài sâm này như: Bổ tỳ vị, thanh nhiệt, dưỡng ẩm, bổ máu, nhuận phế, trợ tiêu hóa, sinh tân dịch...
Quyết tâm phục hồi
Từ năm 2014, ông Hoàng Kiểm cùng với bà con xã viên Hợp tác xã Tân Hưng Thịnh bắt đầu mày mò nghiên cứu, sưu tầm và phục tráng lại giống sâm này.
Thời gian đầu, cây sâm được trồng ở vùng bãi bồi ven sông Lam tại huyện Nam Đàn. Tuy nhiên, cây sâm ở vùng đất này không đạt được như kỳ vọng.
Đến năm 2020, hợp tác xã cùng Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An, Hội Nông dân huyện Thanh Chương trồng thí điểm khảo nghiệm trên diện tích 2ha tại các xã: Thanh Hà, Thanh Giang, Thanh Tùng, Thanh Mai với 10 hộ dân tham gia.
Các hộ được hỗ trợ giống, phân bón, được hướng dẫn quy trình chăm sóc, thu hoạch và cam kết bao tiêu sản phẩm. Đến năm 2024, toàn hợp tác xã trồng hơn 3ha và dự kiến khoảng 2 tháng tới sẽ cho thu hoạch.
Năm nay thời tiết bất lợi, Tân Hưng Thịnh phải xuống giống sâm đến 3 lần mới thành công. Thời gian trồng sâm kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm sẽ cho thu hoạch. Bình quân trồng 1ha sâm Thổ Hào cho sản lượng từ 3,2 - 3,4 tấn, giá 1kg dao động từ 200.000 - 450.000 đồng tùy kích cỡ củ sâm.
“Dù cây sâm được trồng ở nhiều nơi tại Nghệ An, nhưng vùng đất thịt pha cát, dưới có phù sa cổ với nền đất đỏ bazan ở Thổ Hào, Thanh Chương cho năng suất tốt, củ sâm có dược tính tốt hơn so với nhiều vùng khác” - ông Kiểm nói.
Ông Trần Tuấn Thi, một người nghiên cứu về nhiều loài sâm cho biết, ngày trước sâm Thổ Hào được người dân trồng trên đồi núi, cây sống từ 5 - 7 năm mới lụi tàn. Giờ sâm Thổ Hào trồng dưới ruộng đồng bằng cho năng suất cao, nhưng dược tính dần giảm xuống.
“Những cây có tuổi thọ lâu năm, có giá trị cao từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg. Loại sâm trồng 1 năm tuổi có giá thị trường khoảng 300.000 đồng” - ông Thi cho biết.
Trao đổi với VietNamNet, ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết, cây sâm đã gắn liền với sản vật bản địa ở vùng Thổ Hào ngày xưa dùng để tiến vua. Do đó, việc phục tráng giống sâm Thổ Hào là việc cần làm.
"Sau khi xét nghiệm, hàm lượng dược tính sâm rất cao. Từ khi thử nghiệm ban đầu cho thấy hợp với chất đất. Tuy nhiên, diện tích trồng sâm chưa được lớn. Sau khi trồng ra cây sâm thì vấn đề chế biển sản phẩm cũng cần được quan tâm.
Chúng tôi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp, người dân cần tăng diện tích, sản lượng và sớm làm ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP phục vụ người tiêu dùng" - ông Nhã chia sẻ.
Cũng theo ông Nhã, thời gian qua, UBND huyện đã mời một doanh nghiệp đưa hạt giống về trồng thử nghiệm tại vùng Thổ Hào xưa. Sắp tới sẽ động viên, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích cùng doanh nghiệp trồng sâm để sản xuất, phát triển sản phẩm.