Chuyến khảo sát 4 ngày 3 đêm của gần 100 doanh nghiệp lữ hành khắp cả nước mới đây đã chia sẻ nhiều giải pháp kết nối để kích cầu du lịch nội địa, thúc đẩy sự hồi phục của ngành Du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở Việt Nam.
Trời và nước Phá Tam Giang
Cách TP. Huế 12km, đầm phá Tam Giang trải dài qua 4 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và Phú Vang, du khách thực sự được hòa mình trải nghiệm thiên nhiên trên sông nước, ngắm bình minh và cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Đây là một trong những địa điểm du lịch gần đây thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là giới trẻ ưa thích khám phá.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Việt Hoàng, Giám đốc công ty TNHH Du lịch cộng đồng Đà Nẵng, du khách không chỉ được ngắm cảnh bình minh và hoàng hôn tuyệt đẹp, mà còn có thể tham gia các hoạt động mang tính trải nghiệm cùng người dân như đổ nò, đánh bắt tôm, cá, bắt trìa... sau đó nướng thưởng thức ngay trên thuyền, rất thú vị.
Du khách trải nghiệm chèo thuyền trên đầm phá Tam Giang |
Cùng nhau chụp ảnh check-in cảnh đẹp nơi đây |
“Khi tham gia tour trải nghiệm tại đầm phá Tam Giang, chúng tôi được trở về cùng thiên nhiên, trải nghiệm các sinh hoạt cùng cộng đồng dân nơi đây, như cùng người dân bắt cá, chèo thuyền trên sông. Buổi sáng, chúng tôi đi ngắm bình minh và tham quan khu chợ nổi" - một du khách đến từ Hà Nội - cho hay.
Ngoài ra, ẩm thực cũng là nét độc đáo níu chân du khách. Theo người dân bản địa, cá dìa là một loại cá đặc sản của vùng nước lợ Tam Giang, một loài cá quý và để làm thuốc, ăn vào sẽ có một giấc ngủ ngon. Đặc biệt, món “bánh xèo cá dìa”, với sự kết hợp hương vị dẻo thơm của bánh xèo cùng nước cốt dừa và cá dìa sẽ làm thực khách hài lòng.
Ông Huỳnh Việt Hoàng cho biết, ngắm hoàng hôn trên phá Tam Giang đang là “hot trend” thu hút không chỉ giới trẻ đến từ Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế mà cả khách du lịch Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh lân cận. Mỗi buổi chiều tà, ngồi trên con thuyền nhỏ đi ra ngoài phá chụp ảnh, thưởng thức đặc sản trên thuyền... thật sự là trải nghiệm thú vị.
"Công ty chúng tôi đang kết hợp với các nhà cung cấp dịch vụ du lịch tại Huế đưa khách đến đây. Thời gian tới, nơi này sẽ thu hút nhiều khách hơn, nhất là những người thích du lịch khám phá" - ông Hoàng nói.
“Với những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, nguồn lợi từ thủy sản của vùng đầm phá Tam Giang tạo nên những nét đặc trưng riêng về ẩm thực, không nơi nào có được" - ông Võ Viết Hùng, chủ nhà hàng Cồn Tộc, chia sẻ.
"Du khách gần xa biết đến sản vật của vùng Tam Giang, như tôm càng, trìa, cùng các nguồn thủy hải sản khác nhiều hơn. Trước đây, nguồn thủy sản này được dâng lên để tiến Vua, nay chúng tôi mong muốn được nhiều người biết đến và thưởng thức", ông Hùng quảng bá.
Đón bình minh trên đảo Cồn Cỏ
Những ai đam mê du lịch khám phá không thể bỏ qua đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Sau khi khám phá phá Tam Giang, du khách có thể di chuyển đến cảng Cửa Việt vào đầu giờ chiều để lên tàu ra đảo. Tới nơi là khoảng 3h chiều, vừa kịp thời gian chào cờ, sau đó khám phá các điểm du lịch và đón bình minh trên đảo.
Đảo Cồn Cỏ cách đất liền tỉnh Quảng Trị khoảng 30km, mất 1 tiếng ngồi tàu. Đảo có diện tích khoảng 4km2, chu vi 8km, độ cao từ 5-30m so với mặt nước biển với hình dạng hơi tròn.
Xưa kia đảo như một tiền đồn nằm giữa vĩ tuyến 17, trấn giữ phía đông Tổ quốc. Không chỉ nổi tiếng trong chiến tranh, chiếm một vị trí chiến lược án ngữ toàn bộ vùng bờ biển Bắc Bộ, là mốc số 0 trên đường cơ sở biển đảo Việt Nam, Cồn Cỏ còn được xem là một hòn đảo đẹp hoang sơ nhất cả nước.
Điều đặc biệt nữa là đảo Cồn Cỏ có độ phủ rừng gần 70% nên không khí ở đây rất trong lành, bãi biển hoang sơ, hải sản phong phú,...
Giám đốc Ken Travel (Quảng Trị) Phạm Hoàng Phương, đơn vị chuyên tổ chức tour ra đảo Cồn Cỏ, cho biết: “Hiện chỉ có 2 tàu ra đảo Cồn Cỏ, một tàu có sức chứa 80 người, một tàu 150 người. Cơ sở vật chất trên đảo cũng chỉ đủ để tiếp đón 150-200 khách. Vì thế, vào những dịp lễ Tết, muốn ra đảo phải đặt trước dịch vụ.
"Sau chuyến khảo sát này, chúng tôi có nhiều cơ hội hợp tác hơn với các công ty du lịch, lữ hành trên toàn quốc để đưa khách đến Cồn Cỏ và Quảng Trị” - ông Phương kỳ vọng.
Hòa cùng đời sống của người Paco, Vân Kiều
Trong chuyến hành trình của Hội du lịch Cộng đồng Việt Nam, đoàn khảo sát và tìm hiểu đời sống bản sắc văn hoá người Paco, Vân Kiều tại làng A Nor - A Lưới (Thừa Thiên - Huế).
Du khách được trải nghiệm gội đầu bên thác A Nôr |
Ngôi làng mang đậm nét văn hóa của người dân tộc Pa Kô như: Tắm thác, xông răng bằng lá dân gian, gội đầu bằng lá rừng ngay tại thác A Nôr ba tầng trắng xóa. Dẫu trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thiên nhiên và con người nơi đây vẫn giữ được những nét bình dị, nguyên sơ cùng với những tập tục đặc sắc, làm xiêu lòng du khách ghé thăm.
Làng Tà Lang - Tây Giang là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, giáp với nước bạn Lào, là địa bàn sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu.
Có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, với những cánh rừng nguyên sinh, quý hiếm nằm trong Sách Đỏ như: Rừng lim xanh, rừng pơ mu, rừng hoa đỗ quyên cổ...
Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng góp phần đánh thức, khôi phục, khai thác đúng cách kho báu văn hóa Cơ Tu kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng một cách khoa học và hiệu quả, qua đó giúp tạo việc làm, nguồn thu nhập cho cộng đồng làng xã.
Đây được xem là con đường phát triển kinh tế bền vững, giúp nâng cao sinh kế của bà con, góp phần phát triển kinh tế địa phương, giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên hữu hạn từ rừng, hạn chế việc làm nương làm rẫy, săn bắt động vật hoang dã, bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Phó Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng (VCTC) Việt Nam Huỳnh Việt Hoàng nhìn nhận, với trách nhiệm phát triển vì cộng đồng, VCTC tổ chức chuyển khảo sát “Miền Trung đón bạn” với mục tiêu: “Giới thiệu miền Trung là điểm đến an toàn. Tư vấn tổ chức người dân làm du lịch cộng đồng tại phá Tam Giang - Tà Lang. Giới thiệu với các lữ hành trong cả nước các sản phẩm du lịch như Bình minh đảo Cồn Cỏ; chiều trên phá Tam Giang, đêm Tà Lang sơn cước. Giao lưu DN lữ hành 3 miền nhằm kết nối giao lưu và học tập và hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn hậu Covid-19. Hướng về du lịch biển đảo và lòng yêu nước”. |
Nguyễn Hiền